TIN TỨC » Dòng sự kiện

Hôi của đang trở thành “vấn nạn” đạo đức của người Việt

Thứ bảy, 07/12/2013 08:18

Không ít người đã lợi dụng các tai nạn giao thông, những vụ cháy nhà, cháy chợ, thậm chí những vụ chết người để hôi của. Liệu đó là mặt “xấu xí” của một bộ phận người Việt hay vấn nạn đạo đức của thời hiện đại?

Tai nạn giao thông: hôi từ xăng dầu đến khoai lang, tương ớt

Mới ngày 4/12, dư luận đã sốc khi chứng kiến hoặc xem clip quay lại vụ hôi của trong tai nạn tại khu vực vòng xoay Tam Hiệp (P. Bình Đa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), khi một chiếc xe tải chở hàng ngàn két bia đi từ TP. Hồ Chí Minh ra Phan Thiết bất ngờ gặp nạn.  Hàng ngàn két bia đã đổ xuống đường, nhiều chai bia vỡ tung tóe nhưng nhiều thùng bia lon vẫn nguyên vẹn. Thấy vậy, hàng trăm người đi đường cũng như ở xung quanh hiện trường ập tới giành giật, mặc tài xế van xin, gào khóc. Một số người bị tài xế ngăn cản còn doạ đánh anh. 

Mạnh ai nấy "hôi" bia. Ảnh: Tuổi trẻ TV

Cảnh tượng đáng xấu xí này khiến dư luận vô cùng bàng hoàng về thái độ vô cảm trắng trợn của người dân ở hiện trường vụ tai nạn. Khi xảy ra tai nạn, thay vì giúp đỡ khổ chủ, không ít kẻ hám lợi đã lao vào hiện trường tai nạn tìm mọi cách “hôi” bất cứ thứ gì có thể lấy được.  Đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng hôi của trong tai nạn được ghi chép lại. Trước đó, ngày 8/7/2013, tại quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư, Ninh Bình), một chiếc container chở hàng chục ống bê tông công trình và một lượng xăng dầu lớn gặp nạn. Khi xe bị lật, những thùng xăng này bị rò rỉ ra ngoài, “thu hút” nhiều người dân đem can, thùng  ra để múc về nhà, khiến giao thông qua đoạn đường này bị ách tắc nghiêm trọng. 

"Hôi" xăng ở Ninh Bình. Nguồn ảnh: Zing

Trước đó, tháng 5/2012, một chiếc xe chở 25.000 lít xăng từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình bị lật nghiêng cũng trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ hôi của. Trong khi tài xế bị thương nặng, phải đưa đi viện cấp cứu và lực lượng chức năng tích cực rút bớt phần xăng trong bồn xe ra ngoài, tránh nguy cơ xe phát nổ thì hàng trăm người dân bất chấp tính mạng chen chân nhau ra hứng xăng chảy. Đám đông chỉ chịu rời đi khi lượng xăng trong bồn chảy ra gần hết.

Bất chấp nguy hiểm, người dân lao vào cướp xăng xe bồn ở Hà Tĩnh. Ảnh: Dân Việt.

Chẳng cứ gì xăng, những xe chở hàng hóa như chiếc xe chở bia ở Đồng Nai khi gặp nạn cũng khó lòng còn nguyên vẹn với những kẻ cơ hội. Trung tuần tháng 3 năm nay, một chiếc xe tải biển số Cần Thơ chở hàng trăm thùng nhớt di chuyển từ Đồng Nai đi TP. Hồ Chí Minh gặp nạn tại vòng xoay ngã ba Vũng Tàu đã khiến hàng trăm thùng nhớt đổ ra đường.  Những thùng còn nguyên vẹn nhanh chóng được “dọn dẹp” giúp, những thùng nhớt vỡ cũng được trút qua can nhựa, thùng phuy của người dân. Trong khi đó, tài xế xe tải phải phá cửa kính chắn gió để thoát thân.

Những thùng dầu còn nguyên hay đã vỡ đều được những kẻ hôi của "dọn" sạch. Ảnh: Dân Việt.

Ngay cả những loại hàng hóa không có giá trị quá cao như hoa quả, khoai lang cũng không nằm ngoài “tầm ngắm”. Cuối năm 2012, tại địa phận xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, xe tải BKS 36M-1018 chở hơn 5 tấn hoa quả các bị đâm vào cầu, lật xuống đường cũng được người dân sống hai bên đường “hỗ trợ” giải tán giúp.  Trước đó chưa lâu, tháng 7/2011, một xe tải chở chôm chôm khi lưu thông trên Km 648 thuộc Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cũng gặp nạn, hàng hóa rơi tung tóe ra đường. Mặc cho tài xế kêu khóc, van xin, nhiều người dân nhào vào tranh nhau quyết liệt tạo nên cảnh tượng hỗn loạn, khiến cả đoạn đường bị ách tắc hơn 4 giờ. 

Mặc cho tài xế ngăn cản, người dân mang cả bao tải ra... hôi hoa quả. Ảnh: Người Lao động. 

Tháng 4/2012, một chiếc xe tải mang biển số Thái Bình chở khoai lang từ Nam ra Bắc, đến địa phận xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An bị lật nhào cũng không tránh khỏi bị hôi của.

Khoai lang cũng không lọt khỏi tầm mắt. Ảnh: Báo Công an Nghệ An. 

Cũng trong năm đó, tại địa phận một huyện khác trên tỉnh Nghệ An, chiếc xe tải mang BKS 89K-3682 chở tương ớt ra Hà Nội cũng “dính” tai nạn. Tài xế mặc dù đã van xin người dân, nhưng những kẻ hôi của đã nhanh chóng gom từng thùng tương ớt rơi xuống đường và trong thùng xe tải. Bất lực, tài xế phải gọi điện cầu cứu cơ quan chức năng địa phương mới chấm dứt vụ việc, nhưng tài sản trong xe thì chẳng còn bao nhiêu. 

Chiếc xe tải chở đầy tương ớt lật nghiêng tại quốc lộ 1A đã bị người qua đường "hôi của". Ảnh: Nguyên Khoa.

Sập nhà, cháy chợ: hôi của như ăn cướp Những kẻ “kền kền” hôi của không chỉ xuất hiện trong những vụ tai nạn giao thông ngoài quốc lộ mà còn hiện diện ở cả những vụ tai nạn “từ trên trời rơi xuống”. Dư luận ngỡ ngàng, xót xa cho những nạn nhân trong vụ nổ kho pháo hoa tại nhà máy Z121 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - Bộ Quốc phòng (đóng tại xã Khải Xuân và xã Võ Lao, huyện Thanh Ba, Phú Thọ) hôm 12/10 mới đây không chỉ bởi tai nạn đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, hủy hoại tài sản của hàng trăm gia đình mà còn bởi nạn hôi của trắng trợn. Sau tiếng nổ vang trời lúc 7 giờ 50 sáng, hàng trăm công nhân Xí nghiệp 4 Nhà máy Z121 đã bỏ chạy khắp tứ phía. Không lâu sau đó, khi dư chấn như một trận động đất làm rúng động cả một khu vực rộng gần đó, chính quyền địa phương đã phải thông báo yêu cầu người dân nhanh chóng di tản ngoài bán kính 15 km để đảm bảo an toàn.  Hàng ngàn người dân đã bỏ chạy dọc theo tỉnh lộ 314 ngược lên địa phận huyện Hạ Hòa hoặc xuôi về thị xã Phú Thọ mà không kịp di tán tài sản hay định thần để khóa cửa nhà. Nhiều giờ sau vụ nổ, nhiều ngôi nhà mới có người đến trông coi giúp, không ít nhà cửa vẫn mở toang, đồ đạc rơi vỡ, vung vãi khắp nơi. Đau lòng hơn, lợi dụng tình cảnh hỗn loạn đó, nhiều kẻ hôi của đã vào nhà dân để trộm cắp tài sản. Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ đã xác nhận việc này, sau khi một số người dân sinh sống trên địa bàn ảnh hưởng của vụ nổ thông báo về việc nhiều đồ đạc, tài sản có giá trị của họ trong nhà đã bị “khoắng” trong khi di tản.  Cũ hơn, vào cuối tháng 6/2011, nhiều tiểu thương ở khu chợ Vinh (TP. Vinh, Nghệ An) đã khốn đốn khi vừa phải đối phó với “bà hỏa” vừa phải chống chọi với những kẻ hôi của trong lúc ngọn lửa bùng cháy từ các gian hàng bán lưới, thuốc bắc, đồ nhựa, chiếu cói. Lợi dụng hỗn loạn, nhiều kẻ gian đã chạy vào giành giật hàng hóa của bà con và gây ảnh hưởng khiến công tác chữa cháy.  Trước đó, đầu tháng 4/2011, khi cả nước đang bàng hoàng về vụ sập mỏ đá Lèn Cờ ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An khiến hơn 20 người tử vong và thương vong, khi những người dân chung quanh về đây để tìm người thân hoặc chứng kiến vụ tai nạn thì những kẻ hôi của đã xuất hiện. Lợi dụng người đông, tình hình rối ren, kẻ gian đã ra tay “thó” trộm tài sản của người dân. Có ít nhất 9 chiếc xe máy của người dân ở đây đã bị kẻ gian lấy cắp tại khu vực này.  Cũng trong tháng 4/2013, khi ngôi nhà 5 tầng ở số 47 Huỳnh Thúc Kháng (Q. Đống Đa, Hà Nội) bất ngờ đổ sập hoàn toàn, kéo theo một phần lan can của tòa nhà 5 tầng bên cạnh sập theo, một nhóm khoảng 5 - 6 phụ nữ cũng nhanh nhảu len vào hiện trường để… lấy đi các biển bảng, sắt, thép... trong đống đổ nát cùng một số vật dụng khác của gia chủ.  “Ăn hôi” cả của người chết  Hôi của là một hiện tuợng đáng báo động trong xã hội hiện nay. Trong những vụ việc nói trên, hôi của đã là một hành động vô ý thức, chẳng khác gì cướp giật, nhưng mất nhân tính hơn là những vụ hôi của của những người đã khuất. Năm 2012, một xe ô tô “điên” đã gây tại nạn liên hoàn trên đường Lý Thái Tổ (Quận 10, TP.Hồ Chí Minh) khiến 3 ô tô khác bị ảnh hưởng, 12 chiếc xe máy bẹp dúm, 2 người chết và 17 người bị thương.  Nhưng những người gặp nạn hôm ấy còn bị mất hết tài sản bởi những kẻ hôi của. Nhân chứng tại hiện trường cho biết, lúc tai nạn có hàng loạt điện thoại, ví tiền, túi xách, tư trang... của nạn nhân rơi vãi khắp nơi và không ít kẻ đã xông vào nhặt rồi “chuồn” êm, mặc cho người bị nạn vật vã đau đớn trên đường. 

Hiện trường vụ tai nạn "xe điên" - nơi nhiều người bị hôi của. Ảnh: Vietnamnet.

Chị N.T.H.H (30 tuổi), một nạn nhân sau cơn hôn mê may mắn tỉnh dậy đã bàng hoàng hay tin toàn bộ gia sản của chị, trong đó có khá nhiều tiền và đôla để trong cốp xe máy đã không cánh mà bay. Không may mắn giữ được mạng sống như chị H. , một nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn trên cũng bị “hôi” hết ví, túi xách đựng tiền và giấy tờ tùy thân nên công an không thể báo tin cho gia đình. 3 ngày sau khi tử vong, gia đình của nạn nhân này mới hay tin dữ.  Mất nhân tính không kém là vụ hôi của trong một tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra đêm 15/4/2011, tại đường Nguyễn Trãi (Quận Thanh Xuân, Hà Nội). Sau khi có va chạm trực diện giữa một xe máy chở 3 người và một xe tải đi ngược chiều, 1 người rơi vào tình trạng nguy kịch và 2 người bị thương nặng. Hai thanh niên đi xe máy đã dừng lại hiện trường, nhưng không phải để đưa người bị nạn đi cấp cứu mà để… trộm túi xách, bên trong có điện thoại di động, tiền của nạn nhân.  Vụ hôi của của người chết được phát hiện gần đây nhất là tại thành phố Lào Cai vào trung tuần tháng 9/2013. Khi nhiều người phát hiện thi thể một người đàn ông khoảng 40 tuổi nằm chết dưới gầm cầu ngã 6 thuộc đại lộ Trần Hưng Đạo (phường Bắc Cường, TP. Lào Cai), thi thể đã bị phân hủy và bốc mùi, nhiều người dân đã kéo đến thành cầu thả tiền xuống dưới như một cử chỉ an ủi cho nạn nhân xấu số. Vậy mà, nhân cơ hội đó, một số thanh niên đã chạy xuống dưới gầm cầu để… thu gom số tiền này, khiến không ít người chứng kiến bức xúc. 

Tiền phúng viếng của người chết cũng bị "hôi". Ảnh: Người đưa tin.

Hiện tượng hôi của, theo các chuyên gia tâm lý, không chỉ thể hiện sự “xấu xí” mà còn là biểu hiện của tâm lý tiểu nông, tiểu kỷ. Họ hôi của trong những vụ tai nạn cũng bởi tâm lý đám đông, người khác lấy được, mình cũng phải cố kiếm không thì… thiệt. Những hành vi này cũng cho thấy lòng tham và sự vô cảm của con người dường như đang lớn dần lên. Ở góc độ pháp lý, hành vi hôi của có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Trộm cắp tài sản” với mức hình phạt tiền từ 5 triệu – 100 triệu đồng, thậm chí mức hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân.

Theo Pháp Luật Xã Hội