TIN TỨC » Dòng sự kiện

Hồi kết vụ giết vợ đẩy xuống hầm gây chấn động

Thứ sáu, 15/06/2012 15:19

Sau nhiều tháng thi hành án tù chung thân tại Trại giam Đăk Tân - Bộ Công an ở tỉnh Đắk Lắk, Trần Văn Ban nhầm tưởng đã thoát án tử bằng phán quyết có hiệu lực pháp luật của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng.

Ban không thể ngờ được rằng hành vi giết người dã man của hắn đã thôi thúc những vị thẩm phán công minh trong Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quyết định hủy án phúc thẩm để xét xử lại.

Người vợ mất tích bí ẩn

Hơn hai năm về trước, những trận lũ kinh hoàng ập đến nhiều làng quê ở khu Nam Trung bộ vào thượng tuần tháng 11/2009. Đó là hiểm họa thiên tai hiếm có sau hơn bảy mươi thập niên, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở nhiều tỉnh trong khu vực.

Khi cơn lũ chưa kịp rút hết, Trần Văn Ban (SN1970) - ông chủ một lò mổ lợn ở thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến gặp công an địa phương khẩn báo hung tin người vợ kém hơn mình bốn tuổi là chị Trần Thị Hiếu đã mất tích!

Trong số ba đứa con trai của họ, có cháu Trần Khánh Linh lúc đó chỉ mới hai tuổi. Chưa xác định thực hư, nhưng UBND xã Vĩnh Lương vẫn tạm thời đưa tên người phụ nữ đó vào diện mất tích do thiên tai, đồng thời huy động thanh niên xung kích và người dân địa phương triển khai các biện pháp tích cự tìm kiếm ở các con suối, cống nước và bãi biển, nhưng không tìm thấy dấu tích chị Hiếu.

Hung thủ Trần Văn Ban tại tòa.

Vài ngày sau đó, người dân địa phương lại nghe chính mồm của Trần Văn Ban tung tin người vợ đã lén lút ôm trọn số tiền 350 triệu đồng của gia đình tích cóp bấy lâu để theo tình nhân trốn đi nơi khác.

Ban tỏ thái độ bực tức khi lớn tiếng tuyên bố với người hàng xóm sẽ đi lùng tìm “kẻ ngoại tình”, rồi gọi người cháu ruột gọi mình bằng chú là Trần Văn Chung – công nhân một doanh nghiệp xây dựng ở Bình Dương ra trông coi nhà và chăm sóc ba đứa con của Ban.

Ngược lại, người mẹ ruột của chị Trần Thị Hiếu là bà Phạm Thị Chung, trú ở thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương cùng mấy người con trai lại nghi ngờ về sự mất tích đầy bí ẩn của người thân, vì trước đó nhiều ngày, đời sống tình cảm vợ chồng Ban đã phát sinh rạn nứt, bất hòa.

Có lần em trai chị Hiếu đã chứng kiến những cuộc cãi vã xô xát và đã lựa lời can khuyên Ban không nên hành xử thô bạo với vợ.

Lúc đầu, họ còn tự suy đoán rất có thể do buồn bực, nên chị Hiếu bỏ nhà đi chơi ở đâu đó vài hôm rồi sẽ trở về, nhưng khi ngẫm lại họ thấy có nhiều dấu hiệu hết sức bất thường đã khiến hai người em trai của chị Hiếu lặng lẽ theo dõi mọi động thái của Trần Văn Chung, đồng thời dò tìm những dấu vết nghi vấn còn sót lại trong khu nhà của vợ chồng Ban.

Hé lộ

Phá dỡ hầm rút để tìm thi thể nạn nhân.

Khi mới ngoài hai mươi tuổi, vợ chồng Trần Văn Ban – Trần Thị Hiếu nên duyên chồng vợ. Con đường mưu sinh gập ghềnh đã đưa họ rời quê nhà ở Nam Định vào tận Lâm Đồng lập nghiệp một thời gian. Hơn chục năm về trước, họ về xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sinh sống.

Vào thời điểm chị Hiếu mất tích, căn nhà của chị không hề bị ảnh hưởng của thiên tai, nên giả thuyết chị Hiếu bị nước lũ cuốn mất tích đã bị loại trừ, còn chuyện bỏ nhà đi theo người tình thì không một ai dám chắc, vì nhiều người thân quen đều nói rằng chị Hiếu không phải là phụ nữ đa tình.

11 ngày trôi qua, những dấu hiệu nghi vấn về sự mất tích đầy bí ẩn của chị Trần Thị Hiếu hé lộ dần, vì giữa lúc các cơ quan chức trách còn đang nỗ lực tìm kiếm, truy tìm tung tích người phụ nữ này, thì hai người em trai chị Hiếu phát hiện Trần Văn Chung tiết lộ cho ba đứa con của chị biết:

Nhiều khả năng Ban không trở về và chỉ dẫn cháu Trần Văn Tuấn, 15 tuổi dẫn dắt đứa em út Trần Khánh Linh, 2 tuổi về nhà bà nội ở Nam Định để sinh sống.

Phát hiện những dấu hiệu bất thường này, người thân chị Hiếu cản trở, đồng thời khẩn báo cho Công an xã Vĩnh Lương can thiệp.

Thế nhưng một đêm giữa tháng 11/2009, người con trai đầu của Ban là Trần Văn Phong, 17 tuổi bí mật thuê xe ô tô đưa đứa em út ra Nam Định, sau đó về lại Khánh Hòa mua vé tàu lửa tiễn người em thứ hai là Trần Văn Tuấn ra sân ga Nha Trang, về quê nội sinh sống cùng người bác cả là Trần Văn Nhung để chăm sóc em út.

Bí mật xác minh các trinh sát Công an TP Nha Trang và Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Khánh Hòa phát hiện, chính Trần Văn Ban đã liên lạc điện thoại chỉ đạo Trần Văn Chung trợ giúp di tản ba đứa con về quê. Thế nhưng đến khi các trinh sát liên lạc lại số máy điện thoại Ban sử dụng thuê bao này đang…tạm khóa.

Tìm kiếm những mẩu xương nạn nhân từ chất thải thu được dưới hầm rút

Một ngày giữa tháng 12/2009, nghĩa là sau hơn bốn mươi ngày kể từ khi chị Trần Thị Hiếu mất tích, đứa con trai lớn của chị là Trần Văn Phong bất ngờ lâm bệnh nặng, nên Trần Văn Chung phải đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu và điều trị do suy hô hấp.

Sau khi Phong ra viện, Chung lặng lẽ đi mua xi măng xây bít kín cửa miệng hầm rút nước thải bên trong lò mổ lợn.

Phát hiện thêm dấu hiệu bất thường này, hai người em trai của chị Hiếu là Trần Văn Đại, Trần Văn Thắng nhận định nhiều khả năng người anh rể của mình đã ra tay sát hại vợ rồi đẩy xác xuống đó, nên chiều ngày 29/12/2009, họ quyết định phá dỡ cửa hầm rút nước thải để dò tìm và đã phát hiện một số mẫu vật nghi vấn là xương người.

Lập tức trong ngày hôm sau, một tổ công tác phối hợp giữa các Phòng kỹ thuật hình sự, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Khánh Hòa và Công an TP Nha Trang tiến hành khám nghiệm hiện trường.

Sau gần hai ngày vất vả dò tìm, sàng lọc từng mớ chất thải hỗn hợp hết sức hôi, bẩn lấy lên từ đáy hầm rút nước thải đã thu được nhiều mẫu xương.

Cẩn trọng thu nhặt, sắp xếp, kết nối từng mẫu vụn vỡ các kỹ thuật viên hình sự, điều tra viên nhận định đó là xương sọ, xương ống chân, ống tay của người và nhiều khả năng đó là thi thể của chị Trần Thị Hiếu đã phân nát từng mảnh nhỏ trước khi đẩy xuống hầm rút.

Lộ mặt người chồng máu lạnh

Biết rõ mối quan hệ gia đình của Ban, nên Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Khánh Hòa khẩn trương liên lạc, đề nghị các đồng nghiệp ở tỉnh Nam Định phối hợp hỗ trợ truy lùng nghi can trong thời gian sớm nhất.

Bằng những trải nghiệm thực tế kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát hình sự ở xứ thành Nam đã “đánh bài ngửa” với người anh cả của Ban là ông Trần Văn Nhung ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tội nghiệp người đàn ông chân quê, hiền lành tỏ ra bất ngờ trước hung tin người em trai của mình đã nhẫn tâm sát hại vợ.

Ông Nhung cho biết mấy ngày trước đó Ban có liên lạc hỏi thăm sức khỏe đứa con út và bày tỏ tâm trạng chán chường cuộc sống sau khi vợ mất tích, nên có dự tính đi tìm một vùng quê nào đó thật xa để mưu sinh.

Khi tiếp xúc các trinh sát, ông Nhung cam kết sẽ tìm mọi cách vận động, thuyết phục Trần Văn Ban đầu thú khi kết nối liên lạc điện thoại được, hoặc tích cực phối hợp với lực lượng công an truy bắt kẻ sát nhân.

Biết không hể nào trốn thoát, đêm 1/1/2010, Ban lặng lẽ lên xe khách từ Lạng Sơn xuôi về Nam Định sau khi lắng nghe người anh cả thuyết phục hết sức thấu lý, đạt tình. Ngay sau đó, chính ông Nhung đã cùng Ban lên tàu hỏa ngược phương Nam để đầu thú tại Công an TP Nha Trang chiều ngày 2/1/2010.

Lời khai của kẻ sát nhân

Do nghi ngờ chồng xén bớt mười triệu đồng đưa cho người tình tiêu xài, nên chiều tối 29/10/2009 chị Hiếu gặng hỏi Ban ráo riết, dẫn đến cuộc cãi vã, chửi mắng lẫn nhau giữa hai người.

Không kiềm chế cơn nóng giận khi vợ lớn tiếng với mình, Ban cầm chiếc ghế gỗ xông tới định đánh chị Hiếu, nhưng người em vợ là Trần Văn Đại, 32 tuổi, trú ở thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương đang có mặt ở đó đã kịp thời can ngăn. Thế nhưng suốt ba ngày sau đó, những cuộc cãi vã tái diễn gay gắt hơn.

Đến khoảng 2h sáng ngày 2/11/2009, trong lúc đang ngồi bóc tách lòng lợn sau khi giết mổ, chị Hiếu tiếp tục chửi mắng Ban đã lấy tiền đem cho gái tiêu xài. Không dằn lòng, Ban vớ lấy cây gỗ gần đó đánh nhiều nhát vào đầu vợ, khiến chị Hiếu gục ngã trên nền nhà.

Khi thấy chị Hiếu nằm bất động, Ban lạnh lùng cầm dao giết mổ lợn, phân thi thể nạn nhân ra nhiều mảnh rồi đẩy xuống hầm rút nước thải, đồng thời ném đôi dép, quần áo của chị Hiếu và cây gỗ mà hắn đã gây án vào lò đun nước sôi, sau đó kẻ sát nhân tháo lấy sim điện thoại của chị Hiếu trước khi ném máy xuống hầm rút.

Hơn một giờ sau, Ban lên tầng hai ngôi nhà gọi con trai thứ hai là cháu Trần Văn Tuấn, 15 tuổi xuống tầng trệt trông coi đứa em út là Trần Khánh Linh, 2 tuổi. Để tạo chứng cứ ngoại phạm, Ban nói dối với con trai rằng, chị Hiếu đã bỏ nhà ra đi.

Đến 9h30’ sáng cùng ngày, Ban sử dụng sim điện thoại của chị Hiếu tung tin nhắn cho người quen là Nguyễn Thị Lệ Hồng, ở thị trấn Ninh Hòa, thị xã Ninh Hòa, rằng chị Hiếu đã lấy trộm 350 triệu đồng của gia đình rồi cùng người tình lẫn trốn sang Canada.

Một tuần sau đó, vào sáng ngày 9/11/2009, Ban đến Công an xã Vĩnh Lương giả vờ báo tin vợ mình mất tích và lấy cớ đi tìm vợ để…lẩn trốn, nhưng vẫn lén lút sử dụng sim điện thoại khác liên lạc với cháu ruột là Trần Văn Chung.

Đồng thời hắn nhờ người quen là Hồ Thị Phương Viên, trú phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa chuyển giúp số tiền hơn mười bốn triệu đồng cho con, trong đó có mười triệu đồng Ban đã cho Viên mượn.

Trong một lần liên lạc điện thoại với cháu Chung để hướng dẫn cho ba đứa con về quê nội ở Nam Định, Ban biết tin con trai đầu là Trần Văn Phong mắc bệnh suy hô hấp phải đi cấp cứu và điều trị ở bệnh viện. Kẻ sát nhân nghi ngờ mùi tử khí của chị Hiếu dưới hầm rút là nguyên nhân gây bệnh, nên bảo cháu Chung mua xi măng xây kín lỗ thông hơi hầm rút.

Khi biết lực lượng công an đã lật tẩy sự thật, Ban ngược lên Lạng Sơn để tìm đường lẫn trốn, nhưng cái chết oan nghiệt của người vợ vô tội đã buộc hắn phải trở về và đếm bước vào trại tạm giam.

Không run tay, chột dạ khi ra tay sát hại dã man người bạn đời từng chung sống với mình gần 17 năm trời, thế nhưng sau khi bị án hình sự sơ thẩm số 13/2010/HSST ngày 23/6/2010 của TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên xử tử hình, Trần Văn Ban lại run sợ đến mức vội vã viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt.

Bản án phúc thẩm số 352/2010/HSPT ngày 20/9/2010 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho sát thủ Trần Văn Ban từ tử hình xuống mức án chung thân.

Trong lúc kẻ sát nhân nhầm tưởng đã thoát án tử, thì bản án phúc thẩm đã bị TAND tối cao kháng nghị. Và mới đây, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao dưới sự chủ tọa của Chánh án Trương Hòa Bình nhận định cấp phúc thẩm đánh giá không đúng tính chất, mức độ đặc biệt nghiệm trọng của hành vi phạm tội của bị cáo và áp dụng không đúng pháp luật.

Từ đó tuyên hủy bản án phúc thẩm số 352/2010/HSPT ngày 20/9/2010 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng để xét xử lại.
Phunutoday