TIN TỨC » Dòng sự kiện

Huyền thoại tục giết “ma bắt trẻ con”

Thứ năm, 29/12/2011 08:47

Cụ Mùi bảo: “Đến đứa thứ 5, thứ 6, thứ 7 lại chết lúc chập chững biết đi cũng chỉ vì những bệnh lặt vặt, dân bản bảo do con ma về bắt, nên tôi…”.

Trung tá Lê Đình Minh (Phòng Khoa học hình sự, Công an tỉnh Lai Châu) vẫn còn ám ảnh mạnh mẽ bởi vụ án cha xâm phạm tử thi con từ mấy năm trước ở xã Thèn Sin (Phong Thổ, Lai Châu). Sau vụ án đó, các ban ngành trong tỉnh luôn cảnh giác, tuyên truyền với thái độ vừa nhẹ nhàng, vừa nghiêm khắc, để nhân dân nhận thức rõ, loại bỏ hủ tục ra khỏi đời sống xã hội. Mỗi năm trên địa bàn Lai Châu có hàng chục vụ án giết người liên quan đến hủ tục “ma gà”, “ma bùa”, “ma chài”… nhưng những vụ án liên quan đến hủ tục hành hạ xác chết trẻ con để giết chết “con ma”, thì đúng là ghê sợ. Những vụ án ấy là chứng cứ của một hủ tục ghê rợn, đã từng tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm trong một số cộng đồng người Giáy. Kỳ 2: Gặp người bị nghi từng hành hạ xác con Nhà anh Lương Văn Páo, trưởng bản Lùng Than nằm tít hút trên sườn núi Đoong Dặng Lứ. Hỏi về hủ tục kinh hãi của dân bản, anh Páo khẳng định: “Hủ tục đó không còn tồn tại nữa đâu nhà báo à. Sau khi hủ tục xa xưa ấy lặp lại ở nhà thằng Páo, chúng mình đã họp dân nhiều lần để tuyên truyền rồi. Đồng bào cũng đã nhận thức rõ, thấy hủ tục ấy là sai trái nên cam kết là sẽ không lặp lại nữa rồi”.

Hiện trường một vụ án liên quan đến hủ tục xâm phạm tử thi ở Lai Châu.

Cũng theo trưởng bản Lương Văn Páo, người biết rõ hủ tục này nhất là cụ Lù Văn Mùi, vì theo anh Páo, chính ông đã từng trực tiếp hành hạ xác một đứa con. Vợ ông Mùi đẻ tổng cộng 11 lần, nhưng chỉ có 5 người con sống được. Theo anh Páo, khi đứa con thứ 6 chết, cả gia đình họp lại, thầy cúng cũng có mặt và họ khẳng định do “con ma” bắt đi, nên phải tiến hành hành hạ xác chết, mà nói thẳng ra là chặt xác con mình. Theo lời đồn của dân bản, cũng chính vì làm điều ác đó mà ông Mùi bị quả báo nhiều lắm. Ông bà Mùi có mấy người con thì nghiện gần hết. Hôm tôi lên bản, hai người con của ông còn đang ở trại vì tội buôn bán ma túy. Dâu, rể nhà ông cũng ngồi tù gần hết vì tội này.

Ông Lương Văn Páo - trưởng bản Lùng Than kể cho PV nghe hủ tục giết ma.

Nhà cụ Lù Văn Mùi nằm ngay dưới chân núi Đoong Dặng Lứ. Cụ Mùi năm nay 93 tuổi, còn vợ là cụ Lò Thị Lù 82 tuổi. Hai cụ sống lặng lẽ trong ngôi nhà tồi tàn. Đồ đạc trong nhà không có gì cả. Cụ Mùi kể rằng, khi đứa con đầu mất, đứa sau mất tiếp thì chắc là do “con ma” bắt đi rồi. Nếu không làm theo đúng phong tục thì “con ma” cũng sẽ bắt mất đứa tiếp theo. Ngày xưa, cả bản này chỉ có 18 hộ, xung quanh toàn rừng già, hổ báo nhiều lắm. Đứa trẻ nào chết, sẽ thực hiện hủ tục. Hủ tục diễn ra vào ban đêm, hôm sau, sẽ không còn thấy xác nữa, vì thú sẽ về ăn hết ngay. Người con đầu tiên của cụ Mùi sinh năm 1955, là trai. Nuôi được một tuổi thì chết. Con thứ hai là gái, đến 4 tuổi thì chết. Con thứ ba, chỉ được một tuổi đã chết. Cả ba người con đều chết vì duy nhất một bệnh là tiêu chảy. Cô con gái thứ tư thì sống, hiện đang là cán bộ của trạm y tế xã. Cụ Mùi bảo: “Đến đứa thứ 5, thứ 6, thứ 7 lại chết lúc chập chững biết đi cũng chỉ vì những bệnh lặt vặt, dân bản bảo do con ma về bắt, nên tôi…”. Nói đến đây cụ ngập ngừng không nói nữa. Hủ tục này gắn liền với họ từ hàng trăm, hàng ngàn năm nay, nhưng giờ nó đã lạc hậu, lại vi phạm pháp luật, nên họ không muốn nhắc lại. Có lẽ hai cụ muốn chôn chặt quá khứ khủng khiếp ấy trong lòng... Vậy nên, tôi cũng không dám hỏi gì thêm.

Vợ chồng cụ Mùi bị dân bản nghi từng thực hiện hủ tục "giết ma".

Anh Lò Văn Chắn, Phó Công an xã Thèn Sin bảo: “Hủ tục chặt xác trẻ con là phong tục của người Củi Chu, đã có từ nhiều đời nay”. Theo anh Chắn, những năm 80 của thế kỷ trước, hủ tục này vẫn diễn ra thường xuyên ở bản và bản thân anh cũng được chứng kiến rất nhiều. Qua câu chuyện của anh Lò Văn Chắn và các cán bộ xã, tôi đã nảy sinh một thắc mắc mới, về một dân tộc lạ mà họ gọi là Củi Chu. Theo các cán bộ xã, chính quyền coi họ là người Giáy, nhưng về thực chất, họ vẫn tự coi mình là người Củi Chu. Ông Đèo Văn Khinh, cán bộ kiểm lâm, hiện đã nghỉ hưu, sống tại Thị xã Lai Châu khẳng định rằng, ông đã đi rừng rất nhiều, sống với đồng bào dân tộc mấy chục năm trời, nên ông nhận thấy rằng, người Củi Chu rất khác người Giáy.

Ông Đèo Văn Khinh kể rằng, chỉ những người Củi Chu mới thực hiện hủ tục "giết ma".

Thuở xưa, dân tộc này gọi là Củi Chu, song từ 20 năm nay, một số vùng gọi là Pú Nà. Các nhà dân tộc học thì coi người Củi Chu là một nhánh của dân tộc Giáy. Tuy nhiên, tính cách, tiếng nói, phong tục tập quán của người Giáy và người Củi Chu rất khác biệt. Chỉ có quần áo, các điệu hát là có nhiều nét giống nhau mà thôi. Ngay trong bản Lùng Than, người Củi Chu vẫn coi họ là Củi Chu, còn người Giáy vẫn coi họ là người Giáy, không lẫn lộn với nhau. Chỉ có lúc khai lý lịch thì họ viết là “dân tộc Giáy” vì cán bộ xã yêu cầu như vậy. Có lẽ đây là một vấn đề mới cần sự quan tâm, nghiên cứu của các nhà khoa học. Cũng theo ông Đèo Văn Khinh và những người Giáy cao tuổi, tập tục hành hạ xác trẻ con chỉ diễn ra ở bộ phận người Củi Chu, hay còn gọi là Pú Nà mà thôi. Ông Khinh bảo rằng, mấy chục năm về trước, ông từng chứng kiến rất nhiều cuộc hành hạ xác chết trẻ con của người Củi Chu diễn ra trong các bản làng sống trong rừng sâu thuộc các huyện Sìn Hồ, Tam Đường, Phong Thổ, Mường Tè. Họ coi việc này đơn giản như “làm ma”. Khi người Kinh lên khai hoang, Đảng và Nhà nước đưa ánh sáng văn minh đến các bản làng thì tập tục này dần mai một. Tuy nhiên, tập tục này có thể vẫn chưa biến mất hoàn toàn, mà nó vẫn âm thầm diễn ra ở những bản làng hẻo lánh, không được tuyên truyền pháp luật nhiều, hoặc họ làm kín đáo nên các cơ quan pháp luật không phát hiện được.

Công an Lai Châu dựng lại hiện trường một vụ "giết ma" với dao và thớt.

Ngay cả người Thái, cách đây chừng 40 năm, khi trẻ con chết, trước khi lấp đất chôn, người ta dùng cuốc bổ vào tử thi với ý nghĩa để tiêu diệt con ma, không cho nó về hại người. Những năm gần đây, tập tục này biến mất hoàn toàn khỏi đời sống phong tục của người Thái.     Theo Chủ tịch xã Thèn Sin Nguyễn Văn Cận, từ ngày anh lên đây nhận công tác, năm 1984, phong tục hành hạ xác trẻ con diễn ra rất nhiều. Tuy nhiên, các ban ngành trong tỉnh, huyện đã chỉ đạo ráo riết, thường xuyên phối hợp tiến hành tuyên truyền để loại bỏ nó khỏi đời sống bản làng. Việc tuyên truyền đã đạt hiệu quả rõ rệt, bởi vài năm nay không có vụ hành xác trẻ con nào diễn ra nữa. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà chính quyền địa phương lơ là, bởi giữa núi rừng hoang thẳm, nơi nhận thức của đồng bào còn thấp, không biết chừng một ngày nào đó nó có thể bất ngờ sống dậy.

VTC News