Đi đâu cũng nghe chuyện bỏ độc hại người, đến nỗi họ bị ám ảnh ngay cả trong giấc ngủ. Thực hư câu chuyện chưa ai dám khẳng định, tuy nhiên đã không ít chuyện đau lòng xảy ra vì liên quan đến loại độc dược này.
Nỗi ám ảnh mang tên “ma thuốc độc”
Chuyện “thuốc thư” hại người rộ lên đỉnh điểm từ những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, sau khi có nhiều cái chết xảy ra ở vùng sơn cước huyện Trùng Khánh khiến người dân nơi đây vô cùng lo lắng, sợ hãi. Không ít chuyện đau lòng xảy ra gắn với thứ độc dược ghê rợn này. Hơn hai thập kỷ trôi qua, từng ấy chuyện tưởng chừng đã trôi vào dĩ vãng. Nhưng thời gian gần đây tin đồn “ma độc” lại rộ lên, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với đồng bào dân tộc Tày, Nùng trên dải đất Cao Bằng.
Để hiểu rõ vấn đề này, chúng tôi đã tìm gặp ông Ngân Văn Tiến (60 tuổi) ở Nà Khiêu, xã Đức Hồng. Khi nhắc lại chuyện “ma độc” ghê rợn này, nét mặt ông không giấu nổi sợ sệt và tỏ vẻ cảnh giác: “Nói đến tục hạ độc giết người, người dân nơi này hầu như ai cũng nắm được ai là “ma độc” nhưng không dám khẳng định và buộc tội họ. Bởi vì không người nào có bằng chứng để lật mặt “ma độc”, nếu không may họ kiện lại mình sẽ bị thiệt nên chỉ biết “để bụng”".
Một câu chuyện cũng gây xôn xao dư luận suốt một thời gian dài. Cụ Lưu Văn Sú (75 tuổi) ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, Trùng Khánh không khỏi rùng mình khi nhắc tới chuyện cách đây vài năm trước xảy ra tại làng Cổ Phương, xã Đức Hồng. Một người đàn ông từ nơi khác đến chơi với người bạn ở làng Cổ Phương. Sau khi trở về nhà thì người khách này đột nhiên lăn đùng ra ốm, các thầy lang dùng hết cách chữa trị vẫn không hề thuyên giảm, thậm chí bệnh càng nặng hơn. Khoảng vài ngày sau, người đàn ông tắt thở. Cái chết bất thường làm mọi người đều cảm thấy có gì đó khuất tất, lạ lùng. Và do tai tiếng của làng Cổ Phương về tục bỏ độc dược có từ trước nên người dân nghi ngờ, suy đoán người đàn ông chết do bị hạ độc.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Lục Văn Thước (60 tuổi) ở xóm Nà Ngườm, xã Đức Hồng - một trong số những người may mắn còn sống sót, thoát khỏi tay của “ma độc” vẫn chưa hết nỗi ám ảnh khi kể lại: “Hồi đó, tôi được nghe nhiều lời đồn đại về chuyện “ma độc” hại không ít người chứ không hề biết thực hư ra sao. Thật không ngờ, điều đó đã xảy đến với tôi vào cuối năm 1989. Hôm đó, tôi cùng một số anh em trong bản đi giúp ông Hoàng Văn T. bê đá xây nhà.
Đến chập tối, chủ nhà làm vài mâm cơm mời mọi người ăn uống. Sau khi ra về nhà, tôi cảm thấy nao nao khó chịu trong người. Sáng hôm sau lại lên cơn sốt, toàn thân co cứng, mồm miệng nhạt thếch chẳng muốn ăn uống thứ gì. Trong lúc đang lâm vào tình trạng nguy kịch, may mắn lại có người mách nước tìm đến nhà một vị lang y để lấy cây thuốc trị độc nên giờ tôi mới sống được đến bây giờ. Từ sau đợt này, tôi chẳng dám đi vào ngôi nhà đó nữa”.
Ông Thước cho biết thêm, ở thời điểm đó không chỉ mình ông có dấu hiệu bị “ma thuốc độc” hãm hại mà còn nhiều trường hợp khác khi đến bản này cũng đều mang hiện tượng như vậy lúc ra về. Và phần lớn, họ đều bỏ mạng vì không biết phương thuốc chữa trị hoặc mắc phải chất kịch độc, không kịp phát hiện đã tắt thở.
Hãi hùng nghe chuyện “ma độc” bẫy hại người
Chuyện về “ma độc” bẫy giết hại người ở xã Đức Hồng vô cùng rùng rợn. Họ có thể giết chết bất cứ ai bằng cách dùng ngón tay đã tẩm độc sẵn rồi mời nước hoặc rượu. Đáng sợ hơn, “ma độc” có thể dùng độc bôi vào các loại cây ăn quả mọc dại ven đường để bẫy người không may ăn phải. Bằng cách này, họ không bị phát hiện và không phải áy náy khi giết người. Đồng thời, con “ma độc” cũng thực hiện được lời nguyền man rợ mỗi năm phải giết chết được số lượng người nhất định. Ngược lại, nếu không thực hiện được thì lời nguyền sẽ phản chủ, nhẹ thì trâu bò, lợn, gà bị chết, còn nặng thì một trong những thành viên trong gia đình sẽ bị mất mạng hoặc phân rã.
Theo một số già làng ở xã Đức Hồng, loài thuốc độc đã ám ảnh người dân vùng sơn cước này từ hàng chục năm nay là hai loại cây: đó là cây màu đỏ và trắng. Hai cây này được những kẻ bỏ độc trồng ở nơi kín đáo, ẩm thấp, chỗ nào càng bẩn thì độc tính càng cao.
Tùy theo từng trường hợp, người hạ độc sẽ dùng một trong hai cây đó để giết người. Trong đám đông, họ không bao giờ dùng loại cây thuốc độc màu đỏ bởi vì loài này gây chết người ngay tức khắc, không thể cứu chữa kịp thời và dễ bị phát hiện. Với cây thuốc độc màu trắng, nạn nhân sau vài ngày bị dính độc mới bắt đầu phát tán, sau đó toàn thân mất hết sức lực, khản giọng, cơ thể run rẩy… Vì vậy, nạn nhân có thể cứu chữa được nếu gặp được thầy lang “cao tay” nắm giữ cách trị độc.
Nhưng đáng sợ nhất vẫn là cây thuốc “riu” (theo cách gọi của Tày, Nùng) - một loại độc dược phá hủy nội tạng con người. Những ai xấu số dính phải chất kịch độc này không hề biết mình đang dần đối mặt với cái chết. Ruột gan nạn nhân sẽ có biến chứng, thối rữa trong một thời gian ngắn ngủi, người dính độc chỉ còn nước chết chứ không thể cứu chữa khỏi.
Chính vì những tin đồn kinh hoàng như vậy, nhiều người luôn có cảm giác nơm nớp lo sợ, đề cao cảnh giác khi đến một số bản ở Đức Hồng. Và càng không có chuyện người lạ dám uống nước, thưởng rượu cùng người trong xã khi có đám hiếu hỷ.
Vén màn bí mật đằng sau “ma độc”
Để thực hiện việc giải mã thực hư tục bỏ độc hại người ở đây chúng tôi tìm đến trưởng bản Nà Khiêu Ngân Bá Tạ. Anh chính là truyền nhân của người cha đã khuất Ngân Bá Đàm - một lang y nổi tiếng về các bài thuốc chữa bệnh dân gian. May mắn, anh lại biết khá rõ về chuyện này.
Theo anh Tạ, những năm 1990 chuyện về tục bỏ độc giết hại người đã ám ảnh mọi người dân đến cả ngay trong giấc ngủ. Đi đâu cũng nghe mọi người xôn xao, bàn luận về những cái chết bất thường, không rõ nguyên nhân. Sau khi bàn luận chán chê, cuối cùng người dân lại tìm cách bắt quả tang những người hạ độc. Sự việc ông Lục Văn Thước kiện Hoàng V.T. người cùng bản Nà Ngườm là một ví dụ. Vụ kiện được đưa lên Tòa án huyện Trùng Khánh xét xử nhưng không có chứng cứ nên tòa án đã giải quyết vụ việc bằng cách cho hai bên thỏa thuận, hòa giải.
Anh Ngân Bá Tạ cũng khẳng định: “Tôi hành nghề đã nhiều năm nay, nhưng chưa có trường hợp nào mắc bệnh lạ hay trúng độc. Nhiều chuyện thật bi hài đã xảy ra xoay quanh chuyện “ma độc”. Vài trường hợp trong lúc nửa đêm đập cửa đùng đùng gọi tôi thức dậy và xông vào với vẻ hoảng hốt nói rằng người nhà đã bị người khác hạ độc, mong đến nhà cứu chữa. Tuy nhiên, khi đến nhà thì “bệnh nhân” đã khỏi bệnh cười đùa nhảy nhót. Hỏi ra mới biết người này hay mắc chứng… tức bụng”.
Anh Nông Văn Khâm, Phó chủ tịch UBND xã Đức Hồng, sau khi nhấp xong ngụm trà nóng cho biết: “Thực tế nhiều năm nay có xuất hiện những lời đồn về “ma độc”, nhưng qua tìm hiểu thì không phải là sự thật. Nhiều người bị ngộ độc thực phẩm cũng đều đổ tội cho “ma độc”. Làm sao mà có nhiều “ma độc” đến thế chứ. Người ta cứ đồn đại như thế làm tai tiếng cho xã chúng tôi”.
Thực hư tục bỏ độc vẫn chưa ai dám khẳng định nhưng những chuyện kể trên là một bài học về sự nghi ngờ mù quáng. Đôi khi chính vì sự nghi hoặc đã làm mất đi tình cảm thân thiết, sự gắn bó đoàn kết của những người dân trong các bản làng, dẫn đến những sự việc đáng tiếc.
“Cả xã có 700 hộ và hơn 3.000 nhân khẩu gồm 2 dân tộc Tày, Nùng cùng sinh sống hòa nhập với nhau. Chuyện “ma độc” ngày xưa các cụ không hiểu biết, trình độ dân trí còn thấp nên mới có những lời đồn đại như vậy. Hiện nay, đời sống nhân dân được no đủ hơn, nhận thức cũng được nâng lên ắt sẽ loại bỏ được những ý nghĩ, tin đồn về tục bỏ độc giết hại người. Nhưng nỗi oan của cả xã chưa biết bao giờ sẽ được thanh minh, gột rửa?”. Anh Khâm cho biết thêm.