TIN TỨC » Dòng sự kiện

Kho bạc khổng lồ của “vua” săn voi là có thật?

Thứ hai, 06/02/2012 08:25

Nhờ săn voi, dòng họ Knul giàu đến mức có riêng một kho bạc. Khó tin hơn, trong giai đoạn thế chiến thứ nhất, vì bí tài chính, viên toàn quyền Pháp ở Đông Dương phải đến nhà Y Thu Knul vay tiền, chuyện này những người trong dòng họ Knul ở bản Đôn vẫn kể.

Cho cả Pháp vay tiền trong thế chiến

Sau buổi trò chuyện dưới tiền sảnh ngôi nhà cổ, ông  Y Phương- cháu của Y Thu Knul trịnh trọng dẫn tôi lên gian phòng riêng. Sau một hồi tìm kiếm, ông mở chiếc tủ bằng gỗ cũ đưa ra 3 tấm ảnh, chụp ông cố mình (Y Thu) lúc còn trẻ, trong đó một bức chụp thuở vợ chồng Y Thu vừa đặt chân đến vùng đất hoang vu của Tây Nguyên. Y Phương bảo, đó là lúc ông cố mình vừa đến thác Bảy Nhánh. Trong bức ảnh, Y Thu cùng vợ mình đứng trước ngôi nhà tranh truyền thống người Mơ Nông. Bên dưới bức ảnh có dòng chữ tiếng Anh: "Kouun Lounop and his Wife" (Dịch là: Khunjunob và vợ mình), không ghi ngày tháng chụp. Nhưng Y Phương bảo, lúc sinh thời ông cố có kể rằng do người Pháp chụp.

Ông Y Thiểu và già Ama Gi (con cháu của Y Thu K'Nul) những người hiếm hoi còn biết lịch sử bản Đôn

Đây là một trong những chứng tích còn sót lại của vị tù trưởng có vai trò quan trọng nhất bản Đôn thời bấy giờ, bức ảnh có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử và văn hóa. A Phương cho biết, bức ảnh gốc hiện tại đang trưng bày tại bảo tàng Paris (Pháp), còn đây chỉ là bản chụp lại. Để có được bản sao, ông phải vất vả liên hệ tìm kiếm nhiều năm, qua nhiều mối quan hệ, cuối cùng một người em họ đang làm việc tại Pháp tình cờ thấy tại một bảo tàng ở Paris, Pháp. Nhưng khi thấy rồi, ông tỏ ý xin lại thì bảo tàng không cho, người ta nói: Đây là bức ảnh hiếm hoi, không có bức thứ hai về vị “vua voi” duy nhất của Tây Nguyên của Việt Nam thời trẻ. Bức ảnh là những gì còn sót lại của mối quan hệ rất đặc biệt giữa một vị tù trưởng ở vùng cao nguyên của Việt Nam và một bên là Chính phủ Pháp.

Ông Y Phương  nói, có hai thứ mà Pháp thời đó còn nợ Khunjunob: Một là bức ảnh và hai là món nợ thời thế chiến thứ nhất, khoảng năm (1914- 1918). Bức ảnh thì ông đã có, còn món nợ bằng tiền thì hoàn toàn bị quỵt. Trong thế chiến thứ nhất, vì cần tiền đánh phát xít Đức, viên toàn quyền Pháp ở Đông Dương đã đến nhà Kunjunob để vay(?).

Số tiền không xác định được là mấy, nhưng ông bà Y Phương bảo rằng: Y Thu đã dốc gần như hết kho bạc khổng lồ của dòng họ toàn ngà voi, vàng, bạc của mình cho vay, có giấy tờ thỏa thuận hẳn hoi. Giấy tờ đó Khunjunob để vào một cái ống tre, bỏ lên kèo nhà. Nhưng trận đại hỏa hoạn năm 1929, bản Đôn bị thiêu rụi, giấy tờ thỏa thuận cũng cháy luôn. Cũng từ đó chẳng thấy phía Pháp nói năng gì nữa, còn dòng họ Knul cũng không còn manh mối nào, ngoài câu chuyện tiếc hùi hụi do ông cha truyền lại cho đến bây giờ.

Xin nói thêm, bản Đôn hồi nửa đầu thế kỷ 20, thực chất là một bản làng lẫn trong rừng. Bản Đôn ngày nay đã phải trải qua rất nhiều lần di chuyển vì những trận cháy rừng. Kho bạc Khunjunob- biểu tượng một thời của dòng họ Knul và bản Đôn giờ đây chỉ còn lại nền nhà trên khu đất cũ và những câu chuyện mà người già ở bản kể lại. Ông Y Phương tiếc nuối kể: "Ông bà tôi kể lại rằng kho bạc của Y Thu- Khunjunob có lúc không thể chứa được ngà voi nữa, nên chắc chắn giá trị quy ra tiền là khổng lồ". Về việc xác định lại khoản nợ này, ông Y Phương cho biết: "Nếu có sự vào cuộc của bộ ngoại giao của Việt Nam và Pháp thì có thể tìm lại được các giấy tờ, căn cứ liên quan".

Tặng voi cho cách mạng

Chúng tôi tìm đến khu mộ dành cho những người săn voi ở bản Đôn cũ. Sự bề thế thể hiện trên những khu mộ của người săn voi. Tôi và ông Y Thiểu đến hai khu mộ rêu phong, lớn nhất trong khuôn viên, khu mộ ông tổ nghề voi- Y Thu vuông, còn mộ của người cháu là Y Leo hình chóp nhọn. Hai kiểu kiến trúc đặc biệt chỉ dành riêng cho những dũng sĩ diệt nhiều voi nhất (những Gru của buôn làng). Hai ngôi mộ này ngày trước người Pháp đã ngưỡng mộ xây cho. Trên mỗi mộ người ta còn ghi lại tiểu sử cũng như những chiến tích của vị sư tổ của nghề voi, lãnh tụ tinh thần của buôn làng.

Ông Y Phương bên tấm ảnh của ông cố do ông chụp lại tại bảo tàng Paris, Pháp

Trở lại câu chuyện Y Thu- Khunjunob và dòng họ, điều khiến người ta thú vị nhất là, Y Thu đã xây dựng buôn Đôn thành một vùng gần như khu tự trị, dưới quyền cai quản của ông. Tuy không tổ chức thành chính quyền theo mô hình nhà nước, không có quân đội, không vũ khí, nhưng vai trò vương quyền của ông Y Thu trong quần chúng là rất lớn. Những cuộc chiến tranh giữa các dòng tộc để giành đất, ông thường là người đứng ra giải hòa, vì thế các tù trưởng trong vùng luôn kính nể ông, làm cái gì cũng phải thông qua ông. Kể cả viên toàn quyền Pháp, muốn thực thi chính sách cai trị tại các vùng có dân tộc thiểu số cũng phải có ý kiến của ông.

Với tư cách là lãnh đạo tinh thần, trong các bộ tộc người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, ông có quan hệ khá sớm với các vương triều khác. Sản vật ngoại giao bao giờ cũng là một con voi quý, thường là bạch tượng. Ngày trước, để không phụ thuộc vào Thái Lan, khi bắt được con voi trắng ngà đen, Y Thu- Khunjunob mang sang tặng cho nhà Vua Thái Lan. Vua Thái Lan khi đó đã phong danh cho ông là Khunjunob (vua săn voi). Và cái  danh xưng "vua săn voi" của Y Thu chính thức có từ đó. Xin nói thêm, bạch tượng là loài cực kỳ quý hiếm, duy chỉ có ở vùng núi bản Đôn. Cũng từ trước tới nay mới nghe bản Đôn bắt được loài voi quý này mà thôi, sau này tuyệt nhiên không thấy người ta nhắc đến nữa.

Khi Y Thu mất vào năm 1939, qua các thời kỳ lịch sử và chế độ chính trị, người kế nghiệp Y Thu-Khunjunob đều tiếp nối truyền thống ngoại giao bằng voi. Y Phương bảo rằng , tính từ trước tới nay họ Knul đã tặng 7 con voi quý, trong đó có giúp 2 con giúp cho cách mạng. Cụ thể: Cuối thế kỷ 19 họ Knul đã tặng vua Thái Lan 1 con voi trắng, vua Campuchia 1 con, Vua Bảo Đại 1 con. Sang thời Đệ nhị cộng hòa (chế độ Sài Gòn cũ), có tặng cho Tổng thống Ngô Đình Diệm 1 con, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu một con. Đặc biệt, sang thời kháng chiến dòng họ Knul thay mặt buôn Đôn tặng cho cách mạng 2 con voi, có đại diện của lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc lúc bấy giờ chứng kiến.

Ngoài việc giúp voi, trong những năm chiến tranh khó khăn, kháng chiến kêu gọi cả nước huy động đồng để sản xuất đạn, họ Knul cũng ủng hộ rất nhiều: Nồi đồng, mâm đồng, cồng chiêng, trong đó có nhiều lần giúp gạo cho bộ đội. Điều đáng quý là họ giúp đỡ một cách nhiệt thành, chẳng tính công trạng nên chẳng có giấy tờ lưu giữ, chẳng cần ai đứng ra chứng nhận, vì thế mọi giấy tờ chứng thực đến nay không còn. Dòng họ Knul cũng  có rất nhiều người tham gia cách mạng.

Ông Y Phương tâm sự: "Cụ Hồ từng dặn rằng, làm cách mạng là làm cho con, cho cháu, làm bằng cả tấm lòng mà. Người bản Đôn chưa bao giờ đi ngược lại cách mạng cả, luôn yêu quý Cụ Hồ". Vì thế, đến nay thời hoàng kim của dòng họ Knul đã qua nhưng họ vẫn có vị trí tinh thần rất lớn trong buôn, được buôn dân tin yêu.

Y Phương kết thúc câu chuyện với tôi bằng những trăn trở: Cho đến nay khu lăng mộ của “Vua voi” Y Thu- Khunjunob vẫn chưa được chứng nhận là di tích lịch sử, do thời gian hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Tên tuổi của Y Thu- Khunjunob chưa được nói đến, với tư cách là người đầu tiên lập nên bản Đôn, cũng như những đóng góp của dòng họ Knul trong các giai đoạn lịch sử vẫn chưa được chứng nhận.

Nay Y Phương và các anh em trong dòng tộc Knul đang dự định tự bỏ tiền để cải tạo lại khu mộ của ông cha, nhưng vì khu mộ khổng lồ nên rất tốn kém. Ngoài ra để người ta biết đến truyền thống lịch sử của buôn Đôn, trong tương lai ông đang nung nấu dự định lập bảo tàng văn hóa - lịch sử ngay tại bản Đôn. Mong rằng những ý định chính đáng của ông và dòng họ Knul sẽ sớm thành hiện thực.    

Kỳ tới: Chuyện khó tin về dũng sĩ săn voi duy nhất còn sống

Người đưa tin