Giếng nước thần lúc cạn lúc đầy
Điểm kì lạ của chiếc giếng này là hoàn toàn tự nhiên không có sự can thiệp của con người và nằm lộ thiên ngay giữa đám cỏ dại.
Theo lời ông Bùi Văn Nhinh và cụ Bùi Văn Nhưởng là hai người viết rõ về giếng nước kì lạ này nhất, chiếc giếng thần có nhiều bí ẩn và đương nhiên có liên quan đến hòn Dạ Há đòi ăn thịt. Người dân nơi đây thường gọi chiếc giếng thần là giếng Biệng.
Cụ Nhưởng năm nay đã 80 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Rít một hơi thuốc lào dài cụ kể cho tôi nghe về những sự lạ quanh chiếc giếng thần mà cụ từng là nhân chứng sống đã đi lấy nước và be bờ cho nước chảy về hòn Dạ Há lúc mới 15 tuổi.
Vào năm đó, làng có mở hội, gia đình cụ Nhưởng được giao nhiệm vụ be bờ làm đường dẫn nước từ giếng thần vào sát hòn Dạ Há để lấy nước làm lễ tế. Mất cả ngày hì hục đào bới từ miệng giếng thần lộ thiên đang khô cong chẳng có giọt nước nào, cụ Nhưởng khá mệt mỏi. Đến chập tối, khi đã làm đường dẫn nước xong vẫn chẳng có giọt nước nào chảy ra nhưng bố của cụ Nhưởng vẫn bắt 12h đêm phải ra lấy nước mới là giờ hoàng đạo.
Lúc đó chính bản thân cụ Nhưởng cũng không hề tin vào việc có nước chảy ra từ giếng nước thần chỉ là một khoảnh đất dốc xuống vườn nên đã cãi lại bố. Tuy nhiên, thật bất ngờ, đúng 12h đêm là giờ làm lễ tế lấy nước về đóng rượu cho vua uống thì không hiểu từ đâu, nước ở giếng thần bắt đầu chảy ra theo đường dẫn đã được be lại đến sát miệng hòn Dạ Há. Nước trong vắt và chảy ra rất từ từ khiến cụ Nhưởng không khỏi giật mình vì ngạc nhiên và cả vì sợ.
Nước từ đâu ra?
Điều lạ là trước khi mùa lễ hội diễn ra, giếng nước cạn kiệt không có bất cứ giọt nước nào, nhưng khi tổ chức lễ hội người dân dâng lễ vật trước giếng, nước ở chiếc giếng Biệng này lại tuôn ra rất đúng thời điểm.
"Vào mùa khô hạn nước giếng thần luôn cạn sạch nhưng dạo gần đây tự dưng nước giếng lại chảy ra chút ít từ một khe nước nhỏ xíu. Tuy nhiên, ngày trước đa phần là giếng Biệng rất khô cằn và chỉ chảy ra vào đúng dịp khi nào làm lễ xin nước đóng rượu cho vua uống mà thôi", cụ Nhưởng khẳng định.
Tôi đặt câu hỏi đã bao giờ mọi người tìm nguồn gốc của nước thần chảy ra từ đâu chưa thì cụ Nhưởng chỉ lắc đầu và kể tiếp. Trước đây khi còn diễn ra lễ hội thì không có nhà dân nào ở sát khu có giếng thần. Nhưng sau chiến tranh rồi hòa bình lập lại, xung quanh đó đã có thêm nhiều hộ dân từ nơi khác đến xin đất canh tác ở ngay cạnh miệng giếng thần năm nào.
Do không biết nên thậm chí có nhà làm cả chuồng lợn sát miệng giếng. Không hiểu vì do “phạm thượng” hay như thế nào mà lợn nuôi của gia đình đó cứ còi cọc không lớn được. Chưa kể đến chuyện người nhà thì thường xuyên đau ốm liên miên không rõ lý do.
Cụ Nhưởng kể thêm rằng, rất có thể việc làm chuồng lợn rồi để đường nước thải ô uế chảy thẳng ra miệng giếng nước thần vốn chỉ dùng để đóng rượu cho vua uống đã làm vua… nổi giận nên mới phạt như vậy.
Những điều kỳ lạ được tận mắt chứng kiến càng khiến cụ Nhưởng và nhiều người dân nơi đây thêm căn cứ để cho rằng chiếc giếng nước lúc cạn lúc đầy ngay sát hòn Dạ Há là “giếng thần”. Chính cụ cũng phải công nhận nguồn nước không rõ từ đâu chảy ra là có thật.
“Tôi là người từng đi lấy nước ở chiếc giếng đó nên được chứng kiến cả. Các cụ ngày xưa cũng kể rằng giếng nước đó là giếng nước thần rất thiêng. Ai mà phạm phải thì mệt lắm. Tôi cũng không biết vì sao nước lại có thể chảy ra ở đó và lộ thiên ngay trên mặt đất chứ không phải dưới lòng đất phun lên”, cụ Nhưởng cho biết.
Để tìm hiểu rõ hơn về chiếc giếng thần kì lạ cạnh hòn Dạ Há đòi ăn thịt, tôi quay trở lại miệng giếng. Mặc dù nói là miệng giếng nhưng thực ra chỉ là một khoảnh đất ẩm. Đúng như lời cụ Nhưởng và người dẫn đường là ông Bùi Văn Nhinh, xung quanh miệng giếng chẳng có một dòng sông hay suối nào nhưng nước vẫn rỉ ra rất kì lạ và đặc biệt là mạch nước nằm trên mặt đất. Để giải tỏa thắc mắc bao đời nay của người dân nơi đây, và tránh đi những thông tin đồn thổi mê tín dị đoan, rất cần các nhà khoa học nghiên cứu, lý giải…