TIN TỨC » Dòng sự kiện

Lãnh đạo Ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam "ngã ngựa" thế nào?

Thứ hai, 10/02/2014 13:55

TAND TP. Hà Nội đã trả lại hồ sơ vụ án gây thiệt hại nghiêm trọng ở Ngân hàng ACB để tiến hành điều tra bổ sung. Như vậy, vụ bầu Kiên "hứa hẹn" sẽ còn những diễn biến bất ngờ.

Lãnh đạo Ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam "ngã ngựa"

Ông Lý Xuân Hải sinh năm 1965 tại Hà Nội, hiện đang cư trú tại TP.HCM.

Ông Hải tốt nghiệp bộ môn vật lý lý thuyết Khoa Vật lý Trường Đại học tổng hợp Quốc gia Belarus vào năm 1989. Năm 1993, ông bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành vật lý và toán học.

Ông còn có học vị Thạc sĩ kinh tế, chuyên ngành ngân hàng và tài chính, của Trường Đại học ESCP Europe và Trường Đại học Paris-Dauphine.

Ông Lý Xuân Hải từng được bầu là Lãnh đạo Ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam.

Ông Hải gia nhập ACB năm 1996 và giữ cương vị Phó giám đốc chi nhánh Hải Phòng đến năm 1997. Từ năm 1998 đến năm 2002, ông giữ chức Giám đốc ACB Hải Phòng.

Sau đó, ông là Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB trong 4 năm (2002 – 2005), và đồng thời đảm nhiệm Giám đốc tài chính (CFO) ACB từ năm 2004 – 2005.

Ông Lý Xuân Hải được bổ nhiệm Tổng giám đốc từ năm 2005 và trúng cử thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng ACB từ 2008 đến trước ngày bị bắt. Ông là thành viên thường trực Hội đồng quản trị, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Tín dụng, thành viên Ủy ban Quản lý Rủi ro, thành viên Ủy ban Nhân sự, ủy viên Hội đồng Đầu tư, ủy viên thường trực Hội đồng Xử lý rủi ro, và Chủ tịch Hội đồng Quản lý tài sản Nợ - Có (ALCO).

Ngày 23/8/2012, vì lí do cá nhân, ông Lý Xuân Hải đã có đơn xin từ nhiệm và được HĐQT ACB chấp thuận.

Ông Hải đã 2 lần được "The Asian Banker" bình chọn là "Lãnh đạo ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam" năm 2007 và 2010.

Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an, vào khoảng 18h30 ngày 23/8/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã thực hiện Lệnh bắt, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lý Xuân Hải (SN 1965), nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB).

Ông Hải bị bắt tạm giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 (BLHS) với thời hạn tạm giam 4 tháng kể từ ngày 23/8. 

Xung quanh việc khởi tố và bắt tạm giam đối với Lý Xuân Hải - nguyên Tổng Giám đốc ACB về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, như báo Dân Việt đã đưa tin, Trung tướng Phan Văn Vĩnh Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm khẳng định: “Việc phạm tội của Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải là 2 vụ án khác nhau”.

Truy tố thêm 2 bị can Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn

Ngày 12/12/2013 VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng vụ “đại án kinh tế” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) và một số doanh nghiệp, truy tố 7 bị can với 4 tội danh.

Cùng bầu Kiên, ông Hải bị bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm xảy ra  ở Ngân hàng ACB.

Ngày 3/1/2014, TAND TP. Hà Nội ra quyết định số 02/HSST-QĐ trả lại hồ sơ vụ án gây thiệt hại kinh tế lớn xảy ra tại Ngân hàng ACB do bầu Kiên “cầm đầu” để tiến hành điều tra bổ sung nhằm làm rõ trách nhiệm của một số cá nhân liên quan.

Theo đó, TAND TP. Hà Nội cũng đề nghị VKSND Tối cao xác định lại vai trò, mức độ của các ông Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang và Lý Xuân Hải vì có dấu hiệu đồng phạm với Lê Vũ Kỳ, Nguyễn Đức Kiên ở hành vi đầu tư cổ phiếu.

Đến ngày 20/1/2014, Viện KSND tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Quang Tuấn và phục hồi điều tra với ông Phạm Trung Cang.

Tại cáo trạng lần 2, ngoài 7 bị can đã bị truy tố, Viện KSND tối cao truy tố thêm hai bị can là Phạm Trung Cang (60 tuổi) và Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi). Cáo trạng lần 2 của VKSND Tối cao xác định bị can Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn có liên quan đến chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB mang tiền gửi vào ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank) để hưởng lãi suất 17,8% - 27%/năm. Việc làm này vi phạm quy định của Luật Các tổ chức tín dụng về nghiệp vụ ủy thác, dẫn đến bị đối tượng Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng. 

Như vậy, liên quan “đại án” ngành Ngân hàng xảy ra ở ACB, VKSND Tối cao đã ra quyết định truy tố 9 bị can là các cán bộ ngân hàng ACB. Được biết, với các thủ đoạn của mình, nhóm bị can này đã gây ra số tiền thiệt hại lên đến hơn 1.695 tỷ đồng.

Số phận ông Lý Xuân Hải, cựu lãnh đạo Ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam sẽ ra sao?

Cụ thể, ông Nguyễn Đức Kiên (nguyên Phó chủ tịch HĐQT, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB) bị truy tố về 4 tội danh "Kinh doanh trái phép," "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng," "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Trốn thuế."

Các bị can Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB), Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (đều nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB), Phạm Trung Cang (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB), Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên thường trực HĐQT ngân hàng ACB) bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

2 bị can Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Với việc Tòa trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, vụ bầu Kiên "hứa hẹn" sẽ có nhiều diễn biến bất ngờ, số phận của từng cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB sẽ đi đâu về đâu?

Theo Đời sống Pháp Luật