“Treo đầu dê, bán thịt chó”
Nhiều năm qua, mỗi khi nhắc đến đường Phạm Viết Chánh (quận 1, TP.HCM), người ta lại liên tưởng đến hình ảnh những tảng thịt rừng còn tươi được các ông bà chủ hàng treo lộ thiên mời gọi. Tại đây, nếu có nhu cầu thưởng thức nai, cheo, lợn rừng… 100% hoang dã khách hàng đều được giới chủ đáp ứng với số lượng không giới hạn, miễn là khách chịu chi tiền
Mấy năm gần đây, do bị ngành chức năng "chăm sóc" kỹ nên hoạt động kinh doanh thịt rừng có biến tướng mới: Hân hoan chi tiền rinh các tảng thịt được đám con buôn tuyên bố "rừng trăm phần trăm" về lai rai, ít người ngờ rằng mình vừa trả tiền thật để ăn thịt gia súc được giả rừng… siêu đẳng.
Tại chợ thịt rừng Phạm Viết Chánh, thịt được xẻ thành từng tảng lớn treo tòng teng trong những chiếc tủ kiếng với đặc trưng da vàng óng, thịt đẫm máu tươi. Để gia tăng mãi lực, quầy nào cũng tung quân tràn ra lề đường bắt khách.
Những dúi, nhím, những mang, những mễnh (loài chó rừng thịt thơm, ngọt) được bán với giá 150.000 đến 200.000 đồng/kg. Nhiều cư dân sở tại mách nước: "100% thịt rừng bày bán đều có nguồn gốc từ gia súc chăn nuôi, chủ yếu là heo, dê, bê (bò con), đôi khi có cả chó, mèo...". Trong các loại thịt rừng, hút khách nhất vẫn là thịt heo rừng. Đây cũng chính là lý do mà thịt heo rừng được làm giả nhiều nhất. Theo tiết lộ của nhiều người trong cuộc, "hầu hết thịt mấy lão trư gốc rừng xanh đều có nguồn gốc từ… heo nái".
Tại chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), chỉ trong đoạn đường chưa đầy 300m mà đã có đến gần 20 quán trưng bày thịt thú rừng với chi chít những biển quảng cáo khẳng định thương hiệu mà không quan tâm rằng mình có phạm pháp hay không, như: “Thịt nai rừng chính hiêu”; “Thịt nhím 100%” “Lợn rừng, Chồn, Cầy hương, Cầy bạc má, Cầy hoa, Hoẵng, Cáo…
Thịt của các loại thú rừng ở đây có giá khá mềm, dao động từ 200.000 - 400.000 đồng/kg, 300.000 đồng/kg thịt nai rừng, hoẵng rừng 400.000 - 600.000 đồng/kg; cầy vòi 300.000- 350.000 đồng/kg; nhím thì 350.000- 400.000 đồng/kg… Các cửa hàng tại đây không ghi mức giá cụ thể trên biển quảng cáo vì chủ quán nhìn mặt khách để “quát” giá. Có những vị khách “sộp” bị quát giá cao, còn những khách kỳ kèo thì mền hơn một chút.
Ông Nguyễn Chí Thanh, phó thường trực Ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2012 cho biết, mấy năm trở lại đây tại khu di tích Hương Sơn không có hiện tượng bày bán thịt thú rừng ở khu vực chùa Hương, một số hộ gia đình bán thịt hươu sao nhưng đó có thể là thịt hươu được nuôi lấy nhung, hoặc đã già yếu nên bị giết thịt. “Thịt thú rừng” ở đây đa phần đều được "chế" từ thịt chó, thịt thỏ, thịt trâu và bò. Nhiều hộ kinh doanh vì lợi ích kinh tế mà sẵn sàng bán “thịt thú rừng” giả để lừa du khách thập phương. Còn trên thực tế, không có thịt thú rừng thật bán trong khu vực lễ hội.
Kỹ nghệ làm thịt giả siêu đẳng
Các sản phẩm rừng được làm giả hầu hết đều được chế biến từ thịt heo nái. Heo nái lên đời thành heo rừng diễn tiến theo quy trình sau: Heo mua về bị bỏ đói, khát cho giảm mỡ. Đến khi con heo gần như kiệt sức thì người ta tiến hành làm thịt, tiếp đến khò lửa rồi... "cấy lông".
Nói cấy lông nhưng thực ra chỉ cần lấy chiếc đũa tre chẻ làm đôi, sau đó cắm 3 chiếc kim may cột chặt. Khi con heo vừa quay vàng da còn nóng hôi hổi, chỉ cần hơ đầu mũi kim cho ám khói đen rồi cứ thế mà châm vào. Vệt khói đen bám vào da nhìn tưởng như lông.
Tuy nhiên, màn châm lông kia vẫn chưa phải là đỉnh cao của sự giả mạo. Điểm hạn chế của "kỹ thuật" này đã có không ít chủ quán nhậu, quán thịt bị khách vác dao đuổi bởi nhai "rã họng" mà không thấy sợi lông nào.
Không chịu bó tay, giới buôn bán thịt rừng nghĩ ra độc chiêu bắn dây cước như kiểu người ta dùng súng bắn đinh. Những khách nhai đụng lông dai dai lòng phấn chấn tin mình dùng "trư rừng" đúng điệu, họ nào biết đang nhai thịt lợn nái với.... lông dây cước.
Để có lợi nhuận cao, các đối tượng chọn mua loại heo bệnh, heo già chết, heo xề (đẻ nhiều lứa), thịt bán ế đã hôi thối giá rẻ như bèo. Số nguyên liệu này được đem về tẩy rửa. Để thịt heo “tươi rói” như mới vừa giết mổ, họ dùng tiết heo pha hóa chất xoa đều lên, sau đó lấy “đèn khò” (dùng khí gas cháy mạnh để đốt - thui) làm cho da cháy sém, vàng rộm.
Sau khi có nguyên liệu như thật, công đoạn tiếp theo để chế biến “khô thú rừng” là ướp hương vị các loại theo ý muốn. Hóa chất mua ở chợ với giá chỉ chừng trăm ngàn/kg. Sau khi thực phẩm được tẩm ướp rất đậm mùi sẽ được cho vào sấy khô với nhiệt độ rất cao để tạo mùi thơm và độ dai như thật. Dù là sản phẩm làm giả từ những loại thịt ôi thối có giá rẻ mạt và qua chế biến không mấy công phu nhưng các sản phẩm có giá lên tới cả trăm ngàn/kg. Do việc làm khá đơn giản nên một con heo hàng tạ chỉ tốn vài giờ là biến thành “heo rừng”. Heo bệnh, heo chết mua chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg, qua sơ chế thành heo rừng được bán tới 120.000 - 135.000 đồng/kg.
Để làm giả thịt thú rừng cao cấp hơn, phường dân buôn sử dụng thịt mèo hoặc thịt chó…
Những lời đồn thổi về tác dụng bồi bổ, chữa bệnh "thần kỳ" của một số loài động vật quý hiếm khiến chúng càng bị săn lùng. Nhiều người không tiếc tiền chi tới cả trăm triệu đồng để được thưởng thức những loại thịt thú rừng quý hiếm. Không những mất tiền oan mà mà còn tiêu thụ phải đồ giả với phẩm màu và hóa chất.
Để bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm đang bên bờ tuyệt chủng và cũng là để bảo vệ chính bản thân mình, hãy nói không với thịt thú rừng!