Cố nhiên tôi tin rằng đó là những nhận xét của những người không học luật. Một bản án nếu đúng pháp luật cớ sao lại bị coi là “quá nhẹ”, “không đủ nghiêm minh”? Bản thân phán quyết của Tòa án không thể nào bị chịu sức ép của dư luận. Lập pháp, Hành pháp có thể chịu sức ép dư luận, như Tư pháp thì không. Nó chỉ tuân theo luật pháp mà thôi. Một khi nó đúng luật, có nghĩa là đây là một bản án tốt.
Người ta không hiểu rằng bản thân bản án không có “lỗi”, mà nếu có thì phải hướng sự chỉ trích vào văn bản luật chứ không phải là bản án. Điều này cho thấy tâm lý không tôn trọng Tòa án cũng như luật pháp của chúng ta còn khá nặng nề. Vị thế của những Thẩm phán hay Luật sư trong xã hội sẽ như thế nào nếu tiếp tục có sự sai lầm trong việc phê phán như vậy?
Vậy ta hãy bàn tới việc người ta chỉ trích pháp luật trong trường hợp này. Dư luận bức xúc đã là một nhẽ, nhưng tôi muốn bàn tới 1 việc mà tôi cho là quan trọng hơn ở đây: tính bền vững và hiệu quả của luật pháp. Người ta đã nói nhiều lắm, nào là luật của ta sơ hở, nhiều lỗ hổng. Có cả một rừng luật nhưng khi áp dụng lại dung luật rừng. Luật pháp không nghiêm minh, không điều chỉnh tốt xã hội, vân vân…
Tôi chợt chạnh lòng cho một thực tế về nhận thức của chúng ta hiện nay, và không quá khi nói rằng chúng ta chỉ biết phàn nàn mà thôi. Hãy xem, những người kia hôm nay phàn nàn là “luật gì mà nhiều chỗ hổng thế, sửa đổi đi cho phù hợp”, và ngày mai khi có sự sửa đổi, hưỡng dẫn cụ thể thêm, bạn có dám cá với tôi rằng phần đông trong những con người hôm qua đã phàn nàn như thế hôm nay lại tiếp tục phàn nàn: “luật gì mà hay thay đổi thế, luật gì mà lắm văn bản hướng dẫn thế, rối tinh rối mù chả biết đằng nào mà lần”? (chưa kể rằng tôi sẽ đi đầu xuống đất nếu ai tìm cho tôi một văn bản luật của bất kỳ nước nào trên thế giới mà không có sơ hở).
Một cái vòng luẩn quẩn cứ quay đi quay lại trong chúng ta, khi chúng ta càng muốn sửa đổi cho luật càng chi tiết mà không biết rằng càng chi tiết nó lại càng dễ thay đổi. Và thế là chúng ta cứ mệt nghỉ chạy đi hoàn thiện 1 thứ không bao giờ có thể hoàn thiện được. Bởi luật không phải là 1 cái tuyệt đối, mà thực ra nếu nó điều chỉnh được cho cái đa số đã là tuyệt lắm rồi.
Cái tư duy thấy luật có vấn đề thì chỉ nghĩ sửa đổi, chi tiết hóa thêm luật theo tôi càng thêm tai hại. Chẳng hạn như Luật hình sự, khi gặp một trường hợp như vụ án của Luyện, chúng ta vẫn cứ theo lối tư duy là sửa đổi Luật mà ít để ý đến chiều ngược lại, rằng tập trung vào những biện pháp phòng ngừa thì sẽ tốt hơn là sau mỗi vụ án kiểu đó lại 1 lần thay đổi luật. Hoặc luật pháp chỉ nên quy định những nguyên tắc cứng, khách quan và để cho Thẩm phán mềm dẻo áp dụng (như các nước Common Law).
Hãy giả sử chúng ta sửa đổi điều luật, hoặc ban một Thông tư hướng dẫn cụ thể, rằng “những trường hợp người chưa đủ 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì vẫn có thể áp dụng hình phạt tử hình”, nhất thời có thể đáp ứng được nhu cầu bức xúc của xã hội, nhưng sau đó với tình trạng trẻ hóa ngày một gia tăng của người phạm tội, không lâu nữa luật pháp sẽ lại phải hạ thêm độ tuổi chịu TNHS, cứ như thế luẩn quẩn không lối thoát.
Thay vào đó, đến lúc chúng ta tập trung vào những biện pháp phòng ngừa như là 1 phương án hữu hiệu để tram vào chỗ hổng kia của luật pháp. Cố nhiên không có điều gì là tuyệt đối, song điều này sẽ giúp luật pháp bền vững hơn và những lời phàn nàn như trên kia có lẽ cũng giảm bớt so với tình trạng bây giờ.
(Chưa kể chúng ta đã tham gia những Điều ước quốc tế về quyền lợi của người chưa thành niên, quy định hình phạt nhẹ hơn cho người chưa thành niên là biểu hiện của việc chúng ta cho thế giới biết chúng ta chấp hành nghiêm chỉnh các Điều ước đó cũng như vấn đề Nhân quyền Điều này cũng thể hiện nguyên tắc nhân đạo trong Luật hình sự.)
Dư luận xã hội phần lớn chỉ là nhất thời, còn pháp luật cần phải bền vững. Không nên xem nhẹ tính bền vững của luật pháp chỉ bởi dư luận nhất thời.
Thêm nữa, theo quan điểm của tôi, hình phạt nghiêm khắc nhất dành cho kẻ phạm tội không nhất thiết phải là tước đoạt đi tính mạng của hắn. Chỉ cần cách ly hắn vĩnh viễn khỏi xã hội, không cho hắn có cơ hội phạm tội thêm là đủ.
Thực chất hình phạt tử hình nói riêng, và hình phạt nói chung mục đích đầu tiên để nó ra đời là trả thù, chứ không phải là trừng phạt. Đã đến lúc thời kỳ của cái gọi là “trả thù ngang bằng” qua đi, và người ta cần chú trọng hơn đến việc phòng ngừa và cách ly tội phạm, như Beccaria đã nói: “Phòng ngừa tội phạm tốt hơn là trừng trị chúng, và hình phạt tử hình nên được loại bỏ”.
Nào thì lên án, nào thì phê phán, nào thì ghê tởm, nào thì hoang mang lo sợ, đủ cả. Đó là tâm lý chung của người ta trước vụ án đặc biệt nghiêm trọng này. Điều ấy là bình thường. Song, lại có một việc không bình thường khác xuất hiện, và thật đáng buồn nó lại đang trở thành một thứ “trào lưu” mới trong giới trẻ hiện nay. “Vãi luyện”, “tao luyện mày một cái bây giờ”, tạo những tài khoản FB giả mang tên Luyện… thậm chí có bạn còn cao hứng định đề nghị đưa từ “luyện” vào từ điển tiếng Việt.
Điều này đã đi quá xa so với tính chất của một vụ án, và đáng lo ngại thay khi giới trẻ lại lấy một tội ác làm thành một trào lưu để hướng ứng, và không quá khi nói rằng họ đã đưa tội ác trở thành một trò tiêu khiển.
Có cần một lời van xin rằng, hiện nay văn hóa của chúng ta đã gần như bão hòa những điều lố lăng, từ “lộ hàng”, “chat sex”, “ngôn ngữ quái dị”, “thảm họa âm nhạc”, “thảm họa quảng cáo”… để rồi giờ đây lại phải đón thêm một tạp âm vào cái bản đàn hỗn độn ấy không? Đối với tôi, điều này còn nghiêm trọng hơn, vì cái trào lưu mới kia lại gắn với một tội ác đáng ghê tởm, nhưng người ta lại coi đó là một thú vui mới.