Năm Cam được biết đến là “bố già” trong giới tội phạm Sài Gòn và cũng là ông trùm nổi tiếng đa tình. Sinh thời, bên cạnh ông trùm này lúc nào cũng dập dìu những bóng hồng. Cho đến nay, với những người ruột thịt và đệ tử thân tín “thống kê” thì Năm Cam có 2 người vợ có hôn thú, 1 người vợ không có hôn thú, 4 tình nhân công khai sống với nhau kiểu “già nhân ngãi non vợ chồng” và hàng chục bồ nhí khác. Và ở đâu có chuyện chồng chung thì ở đó chắc chắn có ghen tuông. Chỉ có điều là chuyện ghen tuông của những “bà trùm” có nhiều chuyện vượt trí tưởng tượng của người thường. Nhưng sau những tranh giành, kết quả cuối cùng mà những người phụ nữ đi qua cuộc đời ông trùm này đều là sự khổ đau.
Hơn 40 năm trước, người dân trên đường Tôn Đản (Q.4, TP.HCM) từng chứng kiến cuộc hôn nhân vội vàng của Trương Văn Cam và cô gái cùng tuổi - Mai Thị Nguyệt. Tiếc thay, hạnh phúc này chỉ kéo dài được gần hai năm thì tan vỡ. Và suốt những quãng đời còn lại, người con gái được coi là “mối tình đầu” của Năm Cam phải chấp nhận cuộc sống cô độc. Đến tận khi bóng xế chiều tàn, mỗi khi nhắc lại cuộc tình vội vàng vì trót “trao thân” cho ông trùm giang hồ, bà Nguyệt lại ngậm ngùi, mắt rưng rưng tiếc nuối cho một thời trẻ dại.
Tình duyên trẻ dại
Sài Gòn những năm đầu thập kỷ 1950, trong ký ức đã bạc màu thời gian của nhiều người dân từng bám trụ nơi trục đường Tôn Đản (Q.4), là một vùng đất thưa người, hoang vắng. Thuở ấy, con kênh chạy dài từ đầu Cầu Quay đến tận Chợ Lớn còn sạch lắm. Nước lên xuống theo thủy triều và đủ để cho lũ trẻ con ở truồng nhồng nhỗng lặn hụp suốt ngày chơi trò thủy chiến. Quận 4, nơi sinh ra và lớn lên của Trương Văn Cam – lúc ấy là mảnh ruộng đồng đầy ao vũng, sình lầy và lắm muỗi mòng. Còn nhớ, cho đến tận những năm đầu thế kỷ, nơi này còn có cả lũ cá sấu hoa cà dữ tợn từ Rừng Sác - Cần Giờ tìm về gây họa.
Những khu xóm lụp xụp tối tăm, ban đêm được soi bằng những bóng đèn dầu hột vịt hoặc tệ hơn, bằng ánh trăng huyền hoặc. Năm Cam đã trưởng thành từ nơi khốn khó, sau này gã luôn nuôi một tham vọng đổi đời bất chấp mọi thủ đoạn để giành thắng lợi. Để phụ giúp gia đình, Năm Cam theo bạn bè gia nhập đội ngũ những kẻ bán xà bông bột quanh chợ Bến Thành. Mỗi bịch xà bông bán chỉ được mười xu lãi nhưng nếu chịu khó đi cho đến cặp chân mỏi rũ rượi, Năm Cam cũng có thể mang về nhà được hơn chục đồng bạc.
Năm Cam thời đó tuy là một đứa trẻ con loắt choắt vì thiếu ăn và phải bươn chải nhưng gã đã thực sự trưởng thành theo cách nhìn của bọn giang hồ lưu manh từ năm 14 tuổi. Tầm tuổi đó, gã đã theo chân các ông anh trong xóm ổ chuột ở khu Cống Lấp (Q. 4) tìm đến vài điểm vui chơi tìm gái mại dâm. Sau những lần “tìm hiểu” đàn bà đầu tiên trong đời, Năm Cam trở nên dạn dĩ, sẵn sàng đi một mình khi thấy rủng rỉnh ít tiền trong túi.
Khi gặp Mai Thị Nguyệt - cô gái hơn hắn một tuổi, Năm Cam đã nuôi ý đồ đen tối. Nguyệt quê gốc ở huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre), gia đình thuộc diện khá giả, buôn bán làm ăn ở Sài Gòn. Lúc nhỏ, cha mẹ cưng chiều cô như lá ngọc cành vàng. Năm 15 tuổi, qua vài người bạn, cô gặp gỡ Năm Cam. Trong ký ức của Nguyệt, thời điểm đó Cam trông ốm nhách nhưng được cái nói năng lẻo mép. Qua những lần trò chuyện, lại được anh trai ruột - vốn là bạn thân với Năm Cam tác động, Nguyệt xiêu lòng trước gã lúc nào chẳng hay. Từ đó, Nguyệt luôn tranh thủ cơ hội để “bày trò” với Năm Cam.
Cuộc tình vụng dại mới diễn ra ít lâu thì Nguyệt có thai. Cô giấu biệt tác giả của cái thai với gia đình vì biết khó lòng thuyết phục được mọi người thân đồng ý với “cuộc tình” trái khoáy của cô với Năm Cam! Nhưng rồi “cái kim trong bọc lâu ngày lòi ra”, gia đình đôi bên đều biết và người lớn vội vàng làm lễ ăn hỏi qua quýt ra mắt đôi trẻ với họ hàng lấy lệ. Ngày ấy, Nguyệt vốnquen sống trong nhung lụa nên khi phải lẽo đẽo theo về ở với gia đình Năm Cam, cô cảm thấy vô cùng bức bí, ngột ngạt. “Đó là một sai lầm của thời tuổi trẻ. Do quá bồng bột, thiếu suy nghĩ nên tôi mới bị lừa tình. Dù có ân hận và căm tức kẻ lừa phỉnh, phụ bạc nhưng tôi cố nén nỗi đau lại để sống. Bao năm qua, tôi vẫn âm thầm một mình với nỗi đau thực tại của một thời lầm lỗi”- bà Nguyệt nói.
Đến năm 16 tuổi, Nguyệt sinh đứa con trai đầu tiên, đặt tên là Trương Văn Hùng. Cùng thời điểm này Năm Cam bị bắt đi tù vì tội giết người. Trước áp lực gia đình và một phần vì cô, vốn là một phụ nữ xinh đẹp, làm sao có thể chấp nhận lấy một người như Năm Cam nên cô không thể tiếp tục quan hệ chung sống, chờ đợi người chồng tù tội trở về. Sau khi bàn giao đứa bé cho gia đình nhà Năm Cam, Nguyệt ôm đồ đạc bỏ đi phiêu bạt, tập cuộc sống tự lập.
Nữ nhi phiêu bạt giang hồ
Cả tuổi trẻ sai lầm trong cuộc tình lạc lối khiến Nguyệt ôm hận không dám nhìn mặt người thân. Ngay khi vừa đặt chân rời khỏi gia đình Năm Cam, Nguyệt bỗng nhiên rơi vào cảnh “sảy nhà ra thất nghiệp” đúng nghĩa. Không nghề nghiệp, có chốn dung thân nhưng chẳng dám về, cô gái một thời sắc nước hương trời đành cắn răng bám dựa vào nghề “buôn thúng bán mẹt” với gánh hoa quả khắp các quận nội thành Sài Gòn.
Nghề bán dạo tuy thu nhập chẳng là bao nhưng cũng để Nguyệt trang trải các chi phí hàng ngày. Sài Gòn những năm 1960, thời cuộc còn loạn lạc, lính Mỹ - Ngụy xuất hiện lố nhố khắp các quận, huyện nội thành. Dĩ nhiên, “gái một con trông mòn con mắt” như Nguyệt đã thu hút được rất nhiều kẻ háo sắc buông lời tán tỉnh. Vậy nhưng, sau cuộc tình đầu tiên đổ vỡ, Nguyệt cảm thấy sợ đàn ông và cô luôn tìm mọi cách né tránh. Vì thế, những người từng quen biết với cô đều nhận xét rằng, không hiểu vì sao, một cô gái xinh đẹp như vậy lại chỉ mải lao đầu vào công việc, chẳng thèm ngó ngàng đến lời ong tiếng ve của lũ đàn ông vây quanh.
Khi chúng tôi hỏi lại điều này, bà Nguyệt trải lòng: “Tôi khi đó như con chim sợ cành cong, một lần đau đớn đã khiến bản thân rất sợ phải mở lòng thêm với bất cứ ai. Cho đến bây giờ, dù ông ấy (Năm Cam- PV) đã mất nhưng tôi vẫn còn hận. Mối hận này cả đời này tôi vẫn không bao giờ nuốt trôi”. Theo lời kể của bà Nguyệt thì từ việc bỏ gia đình Năm Cam đến việc ruồng rẫy luôn đứa con ruột Trương Văn Hùng, bà coi đó như sự trốn chạy quá khứ. Có một thời gian dài, bà thậm chí còn căm hận tất cả đàn ông. Tuy nhiên, điều bà không thể lý giải được là vì sao, đối với Năm Cam - dù ngàn lần căm giận nhưng bà vẫn thỉnh thoảng hỏi thăm về cuộc đời của mối tình đầu này.
Trong căn nhà nằm sâu cuối một con hẻm trên trục đường Tôn Đản, ngồi trò chuyện cùng người viết, kể lại những tháng ngày bão tố cuộc đời, bà Nguyệt đôi lúc giọng trầm buồn. Bà bảo: “Sau quãng thời gian sống bằng nghề buôn bán vặt, do va chạm nhiều với các đối tượng cộm cán, các tay anh chị từ giang hồ vặt vãnh đến những kẻ có số má, tôi bỗng dưng thích làm “đàn chị””. Giai đoạn này, bà chán đời nhất, tuyệt vọng nhất và cũng mất hết tất cả niềm tin vào cuộc sống nên quyết định gia nhập giới giang hồ và lãnh đạo một đội quân chuyên cướp giật trên đường phố Sài Gòn. Dưới trướng, bà từng quy tụ hàng chục đàn em có số má trong giới giang hồ Sài Gòn vùng Chợ Lớn. Thời điểm đó, bà vừa tròn 20 tuổi và chính thức đặt chân vào giới du đãng Sài Gòn những năm chế độ cũ.
Từ một cô gái xinh đẹp, con nhà gia giáo, Nguyệt trở thành một nữ quái đúng nghĩa. Một thời gian dài, người đàn bà này từng gây ra nỗi khiếp đảm cho người dân ở nội thành Sài Gòn.