Từng nghĩ đến chuyện xin giảm án Phiên tòa xét xử tướng cướp Hồ Duy Trúc và đồng bọn đã kết thúc, trong đó, kẻ cầm đầu bị tuyên án tử. Đây được xem là mức án hiếm hoi đối với những vụ án cướp tài sản nhưng lại được sự đồng tình của dư luận. Có lẽ, phiên tòa này sẽ kết thúc như hàng trăm, hàng triệu vụ án khác, nếu người nhà bị cáo không “quậy tưng” tòa, dùng nhiều lời, hành động sỉ nhục những người bảo vệ pháp luật. Đặc biệt, trong lúc tức giận, người nhà tướng cướp lớn giọng: “Nếu tao biết thằng Trúc bị tử hình thì tao đã đem theo dao chém chết con Thúy” (chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy, nạn nhân nặng nhất trong vụ án). Phiên tòa kết thúc nhưng sức nóng của vụ án vẫn không thôi sôi sùng sục. Sau phiên xử, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với chị Thúy. Nét mặt bàng hoàng, chị cho biết: “Tôi không ngờ gia đình các bị cáo lại hành động dữ dằn như thế”. Chị cho hay, hình ảnh vụ cướp kinh hoàng vẫn không thôi ám ảnh. Người thân bận rộn, khó khăn lắm, chị mới điều khiển chiếc xe máy đến phiên tòa. Tiếng chuông chưa reo, các bị cáo vẫn chưa được dẫn ra nhưng trái tim chị đã đập rất mạnh vì sợ hãi.
Khi các bị cáo được dẫn ra, chị Thúy không dám nhìn vào lưng bọn chúng. Lâu lâu, chị chỉ dám liếc nhìn. Mặc dù từ phía sau, nhưng người phụ nữ này vẫn nhận ra kẻ dùng dao chặt tay mình là ai trong đám đông ấy. Nghe các bị cáo khai nhận tội, chị run rẩy, bởi những hình ảnh cách đây một năm lại hiện về. Lắm khi, chị có ý định ra khỏi khán phòng nhưng chẳng hiểu vì sao vẫn ngồi im tại chỗ. Khi chủ tọa gọi lên thẩm vấn, chị Thúy lấy hết bình tĩnh, bước đến nhưng vẫn không dám nhìn vào các bị cáo. Những lúc như thế, trong thâm tâm, chị mong chúng sẽ bị pháp luật trừng trị một cách anh minh. Ngày xử đầu tiên kết thúc, chị Thúy ra về mà tay chân run rẩy. Tuy nhiên, thấy mẹ của Trúc khóc vật vã, lòng chị lại xót xa. Lúc này, nhiều người hỏi và chị trả lời thực lòng: “Tôi vẫn còn 15 ngày kể từ khi phiên tòa để suy nghĩ lại. Các bị cáo gây tội thì phải nhận lấy mức án tương xứng. Tuy nhiên, cũng là một người mẹ, thấy mẹ của Trúc như thế tôi chịu không nổi. Tôi nghĩ mình sẽ xin giảm án cho các bị cáo”. Tức giận trước thái độ của người thân các bị cáo Chiều hôm sau, chị đến tòa án để nghe tuyên án. Người thân các bị cáo đến gặp chị với vẻ hung dữ. Họ từng khuyên chị nên xin làm đơn bãi nại cho con họ được giảm án. Tuy nhiên, lúc đó, chị không đồng ý, bởi cuộc đời chị đã trở nên tàn phế. Bên cạnh đó, còn hơn 10 nạn nhân khác cũng rơi vào hoàn cảnh giống chị. Sau ngày xét xử đầu tiên, chị đã nghĩ suy lại, nhưng người nhà các nạn nhân giáp mặt chị lại không thôi dùng lời lẽ để miệt thị, xỉ vả. “Họ cho rằng, chính tôi đâm đơn kiện nên con họ mới bị viện kiểm sát đề nghị mức án cao, tôi thấy bất an trong lòng lắm". Thấy thái độ hung dữ của người nhà các bị cáo, ngay trước khi phần tuyên án diễn ra, công an đã đến gặp riêng chị và khuyên: “Chị nên ra về trước khi phiên tòa kết thúc để tránh những điều không hay”. Khi đứng nghe tuyên án, chị vẫn hy vọng, các bị cáo sẽ bị tuyên mức án nhẹ hơn viện kiểm sát đề nghị và kẻ cầm đầu sẽ giữ được mạng sống. Chị giật nảy mình khi vị chủ tọa tuyên: “Bị cáo Trúc mức án tử hình”. Lúc đó, tim chị như nhảy ra khỏi lồng ngực bởi tiếng la hét, cầu cứu của mẹ Trúc. Chị cảm thấy xót lòng, thương cảm. Chị vẫn giữ nguyên ý định sẽ suy nghĩ lại về việc kháng cáo xin giảm án, bởi gã còn quá trẻ. Thế nhưng, do được sự khuyên nhủ của công an từ trước, chị sợ, mức án này sẽ khiến người nhà bức xúc mà tấn công mình. Trong lúc đám đông lộn xộn, chị run rẩy lẻn ra bãi lấy xe ra về mà vẫn không thôi run rẩy. Đến tối cùng ngày, chị đọc báo trên mạng mới hay phía gia đình của các bị cáo “quậy tưng” tòa. Không chỉ thế, người nhà lại còn dùng nhiều lời chửi bới, đổ vấy tội, bởi chị giàu, đeo nhiều vàng, hột xoàn nên mới là “con mồi” của các bị cáo. Không chỉ thế, họ còn dọa dẫm tìm chị để “xử”. Lúc này, chị giận lắm, bởi lòng tốt của mình được “đền đáp” bằng sự hành xử thiếu văn hóa. Chị cho biết, hiện chưa quyết định việc có xin giảm án cho Trúc hay không nhưng sẽ bàn tính với gia đình và những bị hại khác. “Trước khi án được tuyên, tất cả các bị hại đã trò chuyện và nghĩ sẽ viết đơn kháng cáo xin giảm án. Riêng chị Thúy, trong thâm tâm không hề muốn tướng cướp bị tử hình vì tuổi đời hắn còn quá trẻ và nếu còn sống thì gã mới có thể ngẫm nghĩ, hối hận về hành vi mình gây ra", nạn nhân vụ án này nói. Đưa cánh tay đầy sẹo lên cho chúng tôi xem, chị Thúy cho biết, do cuộc sống vợ chồng không được hạnh phúc, ly dị từ khi con gái chưa biết đi. Chị đưa con về sống chung với cha mẹ ruột. Hàng ngày, đi làm thuê để kiếm tiền nuôi con. Từ khi vụ án xảy ra, chị dốc hết tiền để trải qua hai cuộc phẫu thuật, nhưng cánh tay “tàn phế” không cầm, nắm được bất kỳ thứ gì. Thậm chí, lắm khi thương con nhưng chị cũng không thể ôm vào lòng. Bác sĩ khuyên chị Thúy nên đến trung tâm phục hồi chức năng để tập luyện cánh tay. Ban đầu cũng đến, nhưng thời gian gần đây, tiền đã hết, lại không có người chở đi nên chị chỉ ở nhà. Điều chị mong ước nhất hiện nay là phía các bị cáo sẽ bồi thường tiền để chị có chi phí tiếp tục chữa trị, lấy lại được phần đó chức năng của cánh tay. “Đó là mong ước của tôi, chứ cũng khó xảy ra lắm. Vì gia đình đều nghèo, các bị cáo lại bị tuyên mức án khá cao nên người nhà sẽ khó có thiện chí bồi thường”, chị chia sẻ.