TIN TỨC » Dòng sự kiện

Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Trung chia sẻ “tuyệt chiêu” trồng và chăm sóc hoa phong lan

Thứ ba, 30/03/2021 13:58

Hoa phong lan vốn là loài hoa sống chủ yếu trong tự nhiên, vì vậy khi bạn muốn đem loài hoa về trồng ở một môi trường mới thì cần phải hết sức lưu ý và cẩn thận trong việc chăm sóc chúng.

Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, nghệ nhân Nguyễn Tuấn Trung đã có những chia sẻ hữu ích về cách trồng và chăm sóc hoa phong lan sao cho đạt hiệu quả.

Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Trung bên vườn lan của mình

Phong lan là loài hoa mọc ở trên cao, bám vào các cây thân gỗ khác để đón nắng, gió, hấp thụ khí trời giúp cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Đây là loài hoa được những người trong giới chơi lan vô cùng yêu thích bởi vẻ đẹp nhẹ nhàng, thuần khiết và vô cùng thanh tao.

Trong suốt 7 năm trồng và nghiên cứu hàng trăm giống lan khác nhau, nghệ nhân Nguyễn Tuấn Trung đã có những chia sẻ thiết thực về cách chăm sóc loài hoa đặc biệt này đến người yêu lan trên toàn quốc.

Lựa chọn cách thức trồng phong lan

Theo anh Trung, để có một chậu lan đẹp và sinh trưởng tốt thì chậu trồng và giá thể chính là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây hoa sau này.Thông thường sẽ có 3 cách trồng hoa phong lan bao gồm trồng lan trong chậu, trồng trên thân cây khác và trồng trong vỏ dừa khô.

Đối với lan trồng trong chậu: anh Trung khuyên các bạn nên lựa chọn chậu đất nung có lỗ thoát nước sẽ giúp phong lan phát triển tốt hơn. Trước khi trồng hoa, bạn phải rửa sạch chậu. Bạn cũng nên chọn vỏ cây, đất nung, than, dớn…để làm giá thể và đảm bảo ngâm giá thể trong khoảng 4-7 ngày nhằm loại bỏ vi khuẩn, nấm gây hại cho cây.

Trồng ghép trên thân cây khác: người trồng lan có thể chọn giữa ghép lan trên thân cây sống và thân cây gỗ. Với ghép trên thân cây sống bạn cần tỉa bớt tán nhánh của thân cây, chỉ ghép hoa phong lan ở phía ánh sáng ban mai chiếu vào và cách trồng này thích hợp cho hầu hết các giống lan, đặc biệt là lan rừng.

Ghép trên thân cây gỗ, anh Trung thường phải cắt thân cây thành khúc ngắn để dễ treo và chọn những cây mục rồi bóc lớp vỏ ngoài để phá hủy nơi trú ẩn của côn trùng gây bệnh hại cho phong lan. Sau cùng anh buộc một miếng xơ dừa vào thân cây để giữ ẩm rồi buộc vào gốc cây.

Còn đối với trồng lan trong vỏ dừa khô, bạn nên chọn vỏ của những quả dừa già và khô rồi xé thành từng mảnh to bằng nửa bàn tay. Đặt các mảnh sát nhau thành băng dài trên giàn gỗ/tre và cố định bằng 2 thanh nẹp tre. Sau khoảng 2 – 3 năm nên thay vỏ dừa một lần để tránh sự cư ngụ của các mầm bệnh”, anh Trung cho biết thêm.

Những lưu ý khi chăm sóc phong lan

Phong lan là cây dễ chăm sóc nếu đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển.

Thứ nhất là ánh sáng, tùy thuộc vào từng loại phong lan mà nhu cầu về ánh sáng của chúng sẽ khác nhau. Bạn nên đặt các chậu phong lan theo hướng Tây -Nam để hấp thụ ánh sáng đầy đủ nhất, treo các chậu lan vào sáng sớm trong khoảng từ 6 giờ đến 9 giờ nếu để chúng quá lâu dưới ánh mặt trời sẽ làm cây bị khô, cháy lá thậm chí là chết do sốc nhiệt.

Bón phân là yếu tố ảnh hưởng đến các sự phát triển của cây, anh Trung chia sẻ rằng “khi lan đầy đủ dinh dưỡng cây tươi tốt và cho ra nhiều hoa. Ngược lại khi thiếu dinh dưỡng cây còi cọc, kém phát triển, không hoặc ít có hoa. Phong lan cần phân bón chứa đầy đủ 13 nguyên tố dinh dưỡng ở mức vừa phải, tùy vào giai đoạn phát triển người chơi cần cung cấp nồng độ nguyên tố khác nhau. Chẳng hạn vào thời kỳ sinh trưởng thân lá mạnh cần đạm cao, lân và kali thấp, khi cây ra hoa lại cần đạm thấp, lân và kali cao…”.

Thứ 3 là chế độ tưới nước, là loài hoa ưa ẩm nên bạn phải thường xuyên giữ độ ẩm trong chậu ở mức ổn định. Nguồn nước tưới phải sạch, không quá mặn, phèn hay clo và có pH dao động 5 – 6, thời điểm tưới thích hợp cho phong lan thương vào sáng sớm hoặc chiều mát. Đặc biệt, không tưới vào buổi trưa khi trời đang nắng gắt.

Cuối cùng bạn cần phải phòng trừ sâu bệnh cho lan theo định kỳ, vì phong lan rất dễ bị sâu bệnh, nhất là trong điều kiện chăm sóc kém, điều kiện môi trường không thuận lợi. Tùy theo từng loại sâu bệnh mà dùng các loại thuốc thích hợp. Liều lượng và nồng độ phun cần theo đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.

Chính những vấp ngã từ những ngày đầu trồng lan, anh Nguyễn Tuấn Trung đã tự rút ra những kinh nghiệm quý báu và giờ đây anh đã sở hữu cho mình một vườn lan rộng hơn 200 m² với nhiều giống quý. Anh Trung hy vọng với những chia sẻ của mình sẽ giúp những người chơi lan có thêm những kiến thức hay, bổ ích nhằm duy trì và bảo tồn những giống lan quý trên cả nước.

Để nhận được chia sẻ nhiều hơn về cách chăm sóc hoa lan đạt hiệu quả cao, bạn đọc có thể liên hệ với anh Tuấn Trung qua Facebook: https://www.facebook.com/lan.minh.nhat.trung

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới