Lan Phi Điệp là dòng thân thòng, mọc theo hướng đổ xuống trông như một thác nước đang chảy rất đặc trưng và độc đáo. Thân cây mọng nước, kích thước chỉ bằng ngón tay út với chiều dài trung bình khoảng 80cm đến 1,7m.
Lá của lan Phi Điệp mọc so le có chiều dài khoảng 10-12cm và rộng khoảng 4-8cm có một chấm tím trên thân tơ. Hoa của Phi Điệp mọc ở phần ngọn ở các đốt xung quanh. Lan Phi Điệp có nhiều màu sắc nhưng đặc trưng nhất là màu trắng và tím. Hoa có mùi thơm dịu nhẹ, lan tỏa xa, độ bền khoảng nửa tháng đến một tháng tùy thời tiết và điều kiện phát triển.
Anh Tiến nhận định để có thể chăm sóc được hoa lan Phi Điệp đúng cách thì phải hiểu được những đặc tính phát triển và sinh trưởng của cây, từ đó có phương pháp chăm sóc cụ thể.
Tốc độ sinh trưởng của lan Phi Điệp ở mức ổn định, ưa sáng, phát triển tốt nhất ở nhiệt độ từ 23 đến 28 độ C. Hoa sinh trưởng và phát triển nở vào cuối mùa xuân, đầu mùa hạ. Thời gian hoa nở nhiều, đẹp là vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 trong năm.
Hoa Phi Điệp có một đặc tính mà theo anh Tiến, nhiều người mới trồng không biết và hay lo lắng khi thấy hiện tượng này. Đó là trước khi ra hoa, thân của Phi Điệp sẽ bị khô dần, chuyển từ màu xanh sang màu vàng hoặc màu tím nhạt, lá bắt đầu rụng dần, mọi dưỡng chất lúc này tập trung vào hoa để có thể phát triển và nở ra đẹp nhất. Vậy nên nếu thấy hiện tượng này, người trồng không cần quá lo lắng.
Anh Tiến bắt đầu tìm hiểu và trồng lan từ đầu năm 2019, đến nay đã được hơn 2 năm. Những kinh nghiệm của anh đều được đúc rút từ thực tiễn trồng lan của chính anh, vậy nên theo anh Tiến mỗi loại lan thì sẽ có cách trồng và chăm sóc khác nhau, mọi chia sẻ chỉ mang tính chất tham khảo, người trồng nên tích lũy cho mình kinh nghiệm, sau đó chắt lọc để áp dụng vào vườn lan của mình sao cho phù hợp.
Để trồng lan Phi Điệp đúng cách, anh Tiến nhấn mạnh một số những lưu ý sau:
Thời điểm trồng lan Phi Điệp tốt nhất là vào mùa đông khoảng từ tháng 11 cho đến tháng 2 của năm sau. Khi đó cây đang trong mùa ngủ, lá rụng trơ trụi, chúng tích dưỡng chất để chờ mầm nảy nở ở gốc.
Trồng lan Phi Điệp trong chậu sẽ tăng thêm vẻ đẹp, tính thẩm mỹ cho cây lan Phi Điệp của bạn.
Anh Tiến nói chọn lan giống cũng rất quan trọng. Bạn có thể chọn mua cây non mọc ra từ thân già về và tiếp tục chăm sóc. Tuy nhiên phương pháp này cần có kỹ thuật, tay nghề tốt, đảm bảo sự thay đổi môi trường không làm lan bị ảnh hưởng. Với người mới chơi, mua lan đã trưởng thành sẽ giảm bớt rủi ro hơn và cũng nhanh được tận hưởng thành quả hơn.
Lan Phi Điệp rất dễ trồng, giá thể nào cũng có thể trồng được, lưu ý đất trồng hoa lan Phi Điệp có thể trộn một số loại chất như xơ dừa, trùn quế, than củi cùng đất để tăng độ tơi xốp và dinh dưỡng trong đất, giúp cây phát triển tốt hơn.
Một trong những kỹ thuật rất quan trọng khi trồng lan đó chính là nhân giống. Anh Tiến chia sẻ việc nhân giống cần chuẩn bị tốt các khâu để đảm bảo cây con khỏe mạnh. Bước đầu tiên là cây được chọn làm giống cần đảm bảo thân to, khỏe mạnh, mập mạp không bệnh tật. Cách nhân giống bước đầu cắt thân cây thành các đoạn dài cỡ 28 -30cm. Thao tác cắt dứt khoát, không để cây bị dập nát. Bước tiếp theo xử lý thân cây bằng dung dịch atonik 2cc và b1 hòa tan. Tiếp đó là bước ươm cây theo kỹ thuật được hướng dẫn chi tiết. Các khâu chăm sóc tiếp theo cũng cần được chú ý đảm bảo cho cây phát triển tốt và khỏe mạnh.
Đam mê với hoa lan, anh Tiến đang sở hữu cho mình một vườn lan với diện tích 100m² cùng nhiều giống hoa lan đẹp, độc, lạ như Phú Thọ, Hiển Oanh, Hồng Yên Thủy, Hồng Xòe, Hồng Trinh Nữ, Hồng Mỹ Nhân, Hồng Minh Châu, 5ct Bạch Tuyết, 5ct Jolie, 5ct Bảo Duy. Với phương châm sống hạnh phúc là cho đi, anh Tiến vẫn luôn nhiệt tình chia sẻ đến những người có cùng chung niềm đam mê trồng lan các kinh nghiệm của bản thân mình để cùng nhau phát triển ngành nghề trồng hoa lan vươn lên một tầm cao hơn nữa.
Để tìm hiểu thêm về các cách trồng và chăm sóc hoa lan cùng anh Tiến hãy truy cập:
https://www.facebook.com/quylunhp.phan