Nạn nhân chết trước hay sau khi bị ném xuống sông?
Khi xác chị Huyền mới được tìm thấy, nhiều độc giả đưa ra giả thuyết khi bị ném xuống sông, chị Huyền vẫn còn sống? Có thể lúc đó chị bất tỉnh, nhưng do bị bê tông kéo xuống nên không thể ngoi lên.
Một độc giả gợi ý: "Muốn kiểm chứng cũng không khó. Cứ kiểm tra kỹ phổi nạn nhân có cát vào hay không là biết. Vấn đề còn lại chỉ là nên khép hung thủ vào tội danh nào mà thôi".
Lập luận này bị bác bỏ bởi có bạn đọc cho rằng sau 300 ngày nằm dưới sông, phổi nạn nhân không còn nguyên vẹn để kiểm tra. Chỉ có thể phân tích phần xương và điều tra quá trình gây án của kẻ thủ ác.
Ngược lại, nhiều độc giả phân tích, có đến 2 bác sĩ tham gia cấp cứu xác nhận chị Huyền đã chết, và việc ông Tường cùng bảo vệ Khánh mua túi nilon đen trên đường phi tang xác chứng tỏ chị đã chết trước khi bị ném xuống sông.
Tại sao đến giờ xác chị Huyền mới nổi?
Không bằng lòng với phân tích của chuyên gia, rằng có thể do xác bị mắc dưới đáy sông hay bị cát vùi, nhiều độc giả đặt giả thiết có một kịch bản giấu xác khác chưa được lộ ra ánh sáng.
Bạn đọc Miu Huỳnh đặt câu hỏi: “Có khi nào bác sĩ Tường giấu xác chị Huyền ở đâu đó (như tủ đông) cho cơ thể nguyên vẹn, rồi khai giả là đã ném xuống sông. Đợi khi nào mọi người tuyệt vọng không tìm kiếm nữa sẽ vứt xuống sông, vài ngày sau xác phân hủy và nổi lên”.
Cùng ý kiến bác sĩ Tường giấu xác ở một nơi khác nhưng một bạn đọc khác lại cho rằng thi thể của chị Huyền không để trong tủ đông mà bị chôn xuống đất.
Vì sao thân thể nạn nhân không toàn vẹn?
Việc bao đựng xác chị Huyền có dấu vết của bê tông, cũng như thân thể nạn nhân bị thiếu đầu, chân tay cũng đặt ra nhiều nghi vấn. Liệu có hay không chuyện bác sĩ Tường đã cố tình chặt xác phi tang, hay do quá trình phân hủy gây ra?
"Nếu như cái xác bị phân hủy cũng không thể nào bị phân hủy có tổ chức như vậy - tức là phân hủy mất những khu vực quan trọng. Tôi nghĩ chắc là một sự sắp đặt gây khó khăn cho việc khám nghiệm và nhận diện tử thi", một bạn đọc lập luận.
Một ý kiến khác nhận được nhiều sự ủng hộ của người đọc vì phân tích tỉ mỉ dưới góc độ của một người có hiểu biết về giải phẫu học: "Xác chị Huyền không đầu, không tay và chân, 3 bộ phận này nối liền với cơ thể bởi các khớp xương, còn gọi là khớp động giúp cho đầu tay, chân cử động dễ dàng.
Bên ngoài khớp động là những dây chằng dai và đàn hồi, nối từ đầu xương này qua đầu xương kia làm thành bao kín để bọc và giữ 2 đầu xương lại. Trong trường hợp xác người bị ngâm trong nước thời gian dài, dây chằng giữ cho các khớp xương không rơi ra. Ngoài xương và tóc, dây chằng dai là đơn vị bị bã mục sau cùng.
Cái khó để xác định "thời gian dài" là bao nhiêu? 290 ngày có đủ để đầu, tay và chân bị rơi ra hay không? Về mặt lý thuyết đã có số liệu, nhưng còn có những yếu tố môi trường cá biệt như nhiệt độ của nước, vận tốc của dòng chảy, xác bị cột chặt, lôi kéo, va đập...
Tình huống Tường dùng dao để chặt rời các chi thì sẽ để lại trên xương dấu dao chặt mẻ xương rất rõ. Tình huống không chặt mà tháo rời khớp của các chi thì vẫn phải dùng dao nhỏ và sắc nên vẫn để lại dấu dao khứa trên xương. Nhưng nếu bằng mắt thường sẽ khó nhận ra, phải dùng kính hiển vi phóng đại. Tổ giám định sinh học, Viện Khoa học hình sự sẽ có câu trả lời chính xác".