“Bị cáo là người dân tộc Mường, ít hiểu biết pháp luật lại bị kích động mạnh nên đã hành động như vậy. Xin tòa xem xét giảm án cho bị cáo” - Đinh Văn Trường (SN 1992, quê tỉnh Phú Thọ) trình bày tại phiên phúc thẩm do Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xét xử.
Hạnh phúc ngắn ngủi
Cha mất sớm, mẹ con Trường chuyển vào huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai làm thuê kiếm sống. Trong những ngày làm rẫy thuê, Trường quen biết P.T.K.D (SN 1995), ở gần nơi Trường trọ. D. có thai, đám cưới diễn ra khi cái thai đã gần 5 tháng. Cưới nhau không bao lâu, vợ chồng trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” thường xuyên cãi nhau vì những chuyện không đâu. D. đòi ly hôn, Trường không đồng ý vì còn thương vợ. Ngày 26-3-2013, vợ chồng lại cãi nhau, D. lại cương quyết ly hôn. Trường tức giận viết đơn ký luôn rồi đưa cho vợ, đồng thời xé giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. D. đưa con gái (cháu Đ.T.T.C) mới 23 ngày tuổi về nhà cha mẹ ở gần đó.
22 giờ ngày hôm sau, Trường đến đón vợ con về, D. không chịu và vẫn đòi ly hôn. Bị Trường tát vào mặt, D. khóc, nói: “Tao không cần mày và con nữa” rồi giận dỗi đưa cháu C. cho Trường. Bồng con về nhà, Trường cho con ngủ rồi bỏ ra ngoài hút thuốc. Nhớ đến những lời nói và thái độ bất cần của vợ, Trường tức giận, nảy sinh ý định giết con để trả thù. Trường xuống bếp lấy cây kéo đâm vào ngực cháu C. nhiều nhát. Gây án xong, Trường đến cơ quan công an tự thú.
Theo kết quả giám định pháp y, cháu C. bị tổng cộng 7 vết đâm ở vùng ngực trái, tử vong do sốc mất máu vì đa chấn thương vùng ngực, rách thùy phổi, thủng gan, đứt động mạch gan.
Bản án lương tâm
“Bị cáo nói bị kích động mạnh, vậy bị cáo kích động với ai? Con bị cáo mới 23 ngày tuổi, đứa trẻ có làm gì nên tội không?” - vị chủ tọa lớn tiếng hỏi. Trường líu ríu trả lời: “Do bị vợ đòi ly hôn và nói không cần con nữa, bị cáo tức giận quá nên đã không suy nghĩ gì…”.
“Bị cáo giận vợ mà đâm con 7 nhát. Bị cáo thấy mình có tàn nhẫn không? Có xứng đáng làm một người cha không? Người ta nói “hổ dữ không ăn thịt con”, vậy mà bị cáo đâm chết chính con của mình. Cháu bé mới 23 ngày tuổi mà chết oan uổng vì sự ích kỷ, tàn nhẫn của bị cáo…” - vị chủ tọa nói. Trường cúi mặt câm lặng.
Với tư cách đại diện hợp pháp của người bị hại, D. lầm lũi đến dự phiên tòa phúc thẩm. Cô xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho chồng vì mức án tù chung thân quá nặng, bị cáo là người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa thiếu hiểu biết pháp luật, tinh thần bị kích động… Những lý do này nhanh chóng bị đại diện VKSND bác bỏ.
“Dù bị cáo là người dân tộc nhưng đã sống ở Đồng Nai suốt nhiều năm, không thể nói là thiếu hiểu biết. Vì giận vợ mà giết con, hành động này thể hiện tính côn đồ, độc ác. Khi hai người đã đủ tuổi thành niên, dựng vợ gả chồng đồng nghĩa với việc đã trưởng thành và phải chịu trách nhiệm với cuộc sống, hành vi của mình, không thể nói là nông nổi được. Sao bị cáo có thể trút cơn giận vợ lên đứa con vô tội mới 23 ngày tuổi? Bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt thì tòa sẽ xem xét nhưng bản án này chưa đau bằng bản án lương tâm sẽ dằn vặt bị cáo suốt đời” - vị công tố viên phân tích.
Quay sang D., vị công tố hỏi: “Trong vụ án này, chị thấy mình cũng có lỗi không? Giận chồng mà con mới 23 ngày tuổi đã nói không cần nữa. Sao lại có thể thốt lên những lời vô trách nhiệm đến vậy? Một người mẹ không cần con thì cần cái gì?”. D. lặng người, đôi mắt rưng rưng.
Trao đổi với chúng tôi trong giờ nghị án, mẹ D. bảo những gì Trường khai chưa chính xác. Vợ chồng Trường thường xuyên cãi nhau nhưng D. không đòi ly hôn như Trường nói. “Do những ngày cận sinh và ở cữ, tôi dặn con gái phải kiêng khem chuyện chăn gối. Không ngờ vì chuyện này mà Trường luôn tìm cách gây sự với vợ, đòi ly hôn. Lá đơn Trường viết và ký tên còn nằm trong hồ sơ vụ án. Đứa trẻ đã mất không thể sống lại, D. xin giảm án cho Trường để trọn tình trọn nghĩa chứ tình cảm đã hết từ lâu. Sắp tới, D. sẽ chính thức nộp đơn xin ly hôn ra tòa” - mẹ D. cho biết. Đôi mắt bà buồn vời vợi khi nói về cuộc hôn nhân vội vàng và nhanh chóng tan vỡ cũng như bi kịch của gia đình con gái.