TIN TỨC » Dòng sự kiện

Người đàn ông đi tù oan hơn 10 năm sẽ được bồi thường ra sao?

Thứ ba, 05/11/2013 07:30

"Hiện tại chưa thể khẳng định mức bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn là bao nhiêu khi hai bên chưa có quyết định cuối cùng...", Luật sư Truyền cho hay.

Liên quan đến vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (lĩnh án chung thân vì tội giết người) vừa được Viện KSND Tối cao trao quyết định trả tự do sau hơn 10 năm ngồi tù oan, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty luật hợp danh Thiên Thanh - về vụ việc này.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết: “Đây là một việc buồn trong hệ thống pháp luật của chúng ta. Việc điều tra, khởi tố, truy tố, kết án ẩu đã dẫn đến oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn”.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền

Về việc bồi thường oan sai, luật sư Truyền cho rằng: Tinh thần Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 về bồi thường oan sai. Tại mục 3 của nghị quyết này quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cụ thể như sau:

“Điều 10. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

1. Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã ra quyết định khởi tố bị can có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội.

2. Cơ quan đã ra lệnh tạm giữ, tạm giam có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp việc tạm giữ bị huỷ bỏ vì người bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật hoặc việc tạm giam bị huỷ bỏ vì người bị tạm giam không thực hiện hành vi phạm tội; nếu việc tạm giữ, tạm giam có phê chuẩn của Viện kiểm sát, thì Viện kiểm sát đã phê chuẩn có trách nhiệm bồi thường.

3. Viện kiểm sát đã ra quyết định truy tố có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

a) Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội và bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật;

b) Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội;

c) Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội và sau đó Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn giữ nguyên bản án, quyết định của Toà án phúc thẩm tuyên bị cáo không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.

4. Toà án cấp sơ thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

a) Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo có tội nhưng Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội hoặc huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội hoặc huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên bố là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội;

b) Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo có tội, bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

c) Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo có tội, bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội;

d) Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo có tội, bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên bố là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.

5. Toà án cấp phúc thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

a) Toà án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo có tội, nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

b) Toà án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo có tội, nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội;

c) Toà án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo có tội, nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên bố là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.

…”.

Luật sư Truyền cũng nói thêm: "Quy định là như vậy nhưng thực tế thực hiện như thế nào còn tùy thuộc vào ý chí nguyện vọng của cả hai bên. Nói đến vấn đề đền bù cho người bị oan, trong Nghị quyết 388 quy định rất rõ việc bồi thường thiệt hại được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại với người bị oan; nếu không thương lượng được thì người bị oan có quyền yêu cầu toà án giải quyết.

Thương lượng như thế nào khi việc đã rồi, hay chỉ công khai xin lỗi, điều đó phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Hiện tại chưa thể khẳng định mức bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn là bao nhiêu khi hai bên chưa có quyết định cuối cùng đó là thương lượng hay bằng bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Vấn đề này chúng ta phải đợi".

“Còn những sai phạm của điều tra viên, kiểm sát viên liên quan đến vụ án oan sai dẫn đến hậu quả lớn như thế này sẽ được Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật” - luật sư Truyền chia sẻ.

Theo Dân Việt