The Telegraph ngày 14.10 (giờ Việt Nam) dẫn xác nhận từ gia đình nạn nhân rằng người Mỹ đầu tiên nhiễm Ebola trong nước là cô Nina Pham, 26 tuổi, đến từ Fort Worth, bang Texas. Các bác sĩ miêu tả tình trạng của Nina hiện nay là "ổn định về lâm sàng". Các điều tra viên về bệnh dịch đang xem xét làm thế nào Nina lại bị nhiễm bệnh trong khi cô đã mặc đầy đủ quần áo bảo hộ lúc chăm sóc Thomas Eric Duncan.
Theo The Telegraph, Nina Pham sinh ra trong một gia đình người Việt Nam nhập cư, cô tốt nghiệp đại học Texas Christian và trở thành y tá năm 2010.
Nina Pham có dấu hiệu sốt nhẹ vào tối 11.10 và được cách ly để tiến hành các xét nghiệm. “Chúng tôi biết trước ca thứ hai mắc Ebola có thể là hiện thực và chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho khả năng này”, bác sĩ David Lakey, ủy viên Sở Y tế bang Texas ngày 12.10 cho biết.
Trước đó, bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm Ebola ở Mỹ, ông Thomas Eric Duncan đã tử vong vào ngày 8.10, sau nhiều ngày cách ly trong bệnh viện ở bang Texas.
Ông Duncan từ Liberia – một quốc gia đang bị dịch bệnh Ebola hoành hành – đến thành phố Dallas (bang Texas) vào ngày 20.9 để thăm gia đình và mắc bệnh vài ngày sau đó. Ông được đưa đến bệnh viện cách ly kể từ ngày 28.9.
Các quan chức y tế Dallas quan ngại 10 người tiếp xúc trực tiếp với ông Duncan có nguy cơ nhiễm Ebola. Trước đó, các quan chức y tế bang Texas cho biết họ theo dõi khoảng 100 người đã tiếp xúc với ông Duncan.
Hiện vẫn chưa có vắc xin hoặc bất kỳ loại thuốc nào điều trị Ebola ngoại trừ các loại thuốc thử nghiệm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11.10 cho biết đã có 4.033 người chết vì dịch bệnh Ebola và tổng cộng 8.399 ca nhiễm Ebola ở 7 quốc gia kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Tây Phi.
Các quốc gia trên thế giới đang tăng cường các biện pháp đề phòng dịch bệnh Ebola, kiểm tra sức khỏe tại các sân bay và chạy đua phát triển vắc xin, thuốc điều trị Ebola.