Tin rằng các hài nhi đều có linh hồn
Trải qua 6 năm của hành trình đi nhặt xác hài nhi khắp đất Hà Nội, bà Nguyễn Thị Ninh 56 tuổi - Thành viên nhóm thiện nguyện "Bảo vệ sự sống" (Thôn Từ Châu – Liên Châu – Thanh Oai, Hà Nội) vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ về những kỷ niệm khó quên.
Có những lúc tận tay tắm, khâu người các sinh linh bé bỏng lại mà bà không thể cầm được nước mắt. Với bà Ninh và nhiều thành viên khác thì nước mắt dành cho các em dù có rơi nhiều đến thế nào cũng không thể nói hết được nỗi đau, nỗi xót xa mà 6 năm qua họ phải chịu đựng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Ninh cho hay: “Nhìn các em nằm trong vòng tay chúng tôi mà tội lắm, không thể hiểu được tại sao các bậc làm cha mẹ lại tước bỏ sự sống của các cháu đi”.
Nhớ lại lần đi nhặt hài nhi về, bà kể: “Lần đầu tiên tôi tiến hành đi mang các em về là năm 2008, trước khi đi tôi còn báo cáo với trưởng nhóm: Hôm nay tôi đi mang các em về với các anh chị tại ‘Ngôi nhà chung’ thì trưởng nhóm nói: Ừ, bà đi đi, các em đang chờ bà mang các em về đấy”.
“Hôm ấy tôi đi với 1 thành viên nữa và phải đạp xe với quãng đường 29km lên tận Hà Nội để mang các em về. Đi đến nhiều phòng khám, bệnh viện số hài nhi mà tôi thu thập được ngót nghét lên tới con số 40, vì lượng hài nhi lớn nên buộc tôi phải cho vào thùng xốp để người ngồi sau ôm, còn tôi đạp xe”, bà Ninh nhớ lại.
Thời gian đó đúng vào dịp Hà Nội bị ngập lụt, đê sông Nhuệ nước dâng cao. Trong khi tay lái bà yếu, đường trơn, ngập nước, gần về đến nhà thì có mùi hôi thối bốc lên trong chiếc thùng xốp chứa đựng xác hài nhi, lập tức bà Ninh xuống xe và nói với các sinh linh bé bỏng: “Các em ơi, các em đừng trêu bà nhé, các em mà trêu nữa thì bà sẽ bị lao xe xuống sông và nước lũ sẽ cuốn các em cùng bà đi đấy, bà không thể mang các em về chung sống với các anh chị nữa đâu”.
Nói xong, bà lên xe đạp tiếp, đi khoảng được 100m thì người ngồi sau nói rằng các hài nhi không phát ra mùi hôi thối nữa. Dù trời mưa như trút nước, đường trơn và chiếc xe có thể lao xuống sông bất cứ lúc nào nhưng cuối cùng bà đã đưa thành công các hài nhi về để kịp chôn cất.
Lại một lần đi khác, tại một phòng khám, bà bàng hoàng khi thấy một hài nhi khoảng 6-7 tháng tuổi, đã có đầy đủ hình hài nhưng vẫn bị cha mẹ nhẫn tâm chối bỏ, bị tước đoạt quyền sống. Bà chỉ biết lẳng lặng mang xác em về chôn cất với niềm xót thương vô hạn.
Tôi đã phải quỳ xuống xin cô gái giữ lại cái thai
Trong quá trình đi làm việc, các thành viên không chỉ mang hàng ngàn xác hài nhi về chôn cất mà còn làm nhiệm vụ khuyên nhủ, ngăn cản với những người có ý định vứt bỏ giọt máu của mình.
“Trong quá trình đi làm, nếu bắt gặp trường hợp nào có ý định phá thai, chúng tôi đều tìm cách tiếp cận rồi hỏi han tình hình, rồi khuyên bảo người ta. Với những trường hợp có thể giữ lại mà người đó không có điều kiện thì tôi sẽ tìm cách đưa cả 2 mẹ con về chăm sóc, bố trí nơi ăn chốn ở, đợi đến ngày sinh nở mà không phải mất bất cứ một đồng nào. Dù 40 thành viên đều nghèo nhưng chúng tôi vẫn lo được cho nhiều người”.
Năm 2009, trong một lần đi mang xác các em tại viện C thì bà Ninh gặp một trường hợp rất lạ. Khi trò chuyện thì biết cô gái ấy đã lập gia đình, đã có 1 cháu trai và lần này không may có con ngoài ý muốn. Do không tiện sinh đẻ vì công việc và khoảng cách giữa 2 cháu không phù hợp nên cô ấy đã lén chồng đi phá.
Sau khi khám, bác sĩ đưa cho cô ấy một viên thuốc. Ngay lập tức bà Ninh đã khuyên người con gái không nên phá thai. Nhưng rồi dường như người con gái kia nhất quyết không nghe lời, chẳng thể làm thế nào được bà đành phải quỳ xuống trước mặt cô gái trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người.
Nhớ lại chuyện bà nói: “Chẳng biết phải làm thế nào cả, tôi đành phải quỳ và van xin cô ấy ừng uống thuốc và luôn miệng nói: Xin đừng giết đứa bé…”.
May mắn sao, cô gái đã vứt viên thuốc xuống đất, ngay lập tức bà Ninh vội vàng nhặt viên thuốc lên và nói: “Các ông bà hãy nhìn đây, nhỡ kế hoạch cũng không việc gì phải giết một đứa bé vô tội cả”.
Khi cô gái đi về, bà Ninh không quên dúi vào tay cô số điện thoại của mình. Và ít ngày sau, cô gái đã gọi điện ríu rít cảm ơn bà rằng: “Cháu là người ở viện C đây ạ, cháu cảm ơn bà vì nếu không có bà, chồng cháu sẽ đuổi cháu ra khỏi nhà nếu biết chuyện cháu đi phá thai”.
Vừa kể với tôi bà Ninh không giấu được niềm vui: “Ít tháng sau, đứa bé sinh ra nặng 3,6kg trong sự vui mừng của gia đình, bây giờ thi thoảng 2 vợ chồng mang cháu đến chơi với tôi đấy”.
Không chỉ thế, bà Ninh cùng nhiều thành viên khác đã bắt gặp nhiều ông bố bà mẹ đến đây mang hoa quả, sữa, bỉm, bim bim cho các cháu rồi khóc lóc. Bà nhớ có một chị còn rất trẻ đang quỳ trước mộ nói: “Bà ơi, con biết tội của mình rồi, chính con đã tự tay giết con mình, bây giờ con lập gia đình nhưng suốt mấy năm trời không thể có con được. Biết con mình đã được các cô bác mang về đây chôn cất, mai tang con đã đến và thắp hương cũng như tạ lỗi với con mình, muốn con mình phù hộ cho con để con có em bé trở lại”.
Lúc đó bà nói với cô gái: “Ừ, giá như ngày xưa con suy nghĩ chín chắn hơn thì không phải dằn vặt, bây giờ đã biết tội rồi thì thỉnh thoảng về đây hương khói cho con, sẽ được nó phù hộ cho". Bà tiếp lời: "Ít tháng sau cô ấy lại đến và thông báo tin mừng với tôi là đã có em bé".
“Ngôi nhà chung” gần 25 nghìn sinh linh bé bỏng đang nằm cạnh nhau trong sự yêu thương, đùm bọc của những tình nguyện viên. Hàng ngày họ trồng hoa, hương khói, mang sữa, bim bim cho các em và chúng tôi biết rằng ở đó các em sẽ được yên nghỉ trong cõi vĩnh hằng…