Chiều 16-8, ông Hồ Văn Thanh được chuyển từ Trung tâm y tế huyện Tây Trà đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Ông Hồ Văn Lang, người con trai cùng ông chung sống giữa rừng, kiên quyết bám theo cha dù mình đang sốt.
Ông Châu Nguyễn Thương - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Trà - tâm sự: “Chưa ai thương nhau như cha con ông ấy! Anh Lang một mực vùng vẫy theo cha vì sợ mất người thân. Đi cùng đi, ở lại họ cùng ở. Xót quá, chúng tôi không cầm lòng”. Chiếc xe ca từ từ rời bệnh viện. Ông Lang bám riết lấy cha mình. Tay ôm cha, mắt vẫn liếc về hướng núi nơi ông lớn lên từ đó.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông Hồ Văn Thanh bắt đầu ngồi dậy nhìn ngó xung quanh, khuôn mặt nhăn nheo với mái tóc rối bời cột túm đuôi gà sau gáy. Với ông, con người không xa lạ, nhưng việc giao tiếp gần như chỉ là những ánh nhìn ngơ ngác. Bà Dung, vợ ông Tri, ngồi hàng giờ bên giường bệnh, cố giữ ông khỏi bứt dây truyền nước biển, tránh cho máu chảy ngược ra ngoài. Người kéo đến thăm ngày một đông, người hiếu kỳ đến đây cũng không ít.
Ngày chúng tôi đến, ở Trung tâm y tế huyện, ông Thanh chỉ liếc nhìn rồi cúi mặt. Một tay ông nắm chặt thành giường, mặc cho máu trong ống dịch chảy ngược ra ngoài. Bà Dung vội vã đi gọi bác sĩ. Trong khi đó, ông Hồ Văn Lang vẫn trong cơn sốt mê man.
Ông Hồ Văn Tri, em trai ông Lang, lo lắng: “Anh ấy vẫn còn sợ người lạ. Anh rất hiền, cho gì ăn nấy. Ăn rồi nhưng nhà báo cứ bảo ăn tiếp để chụp ảnh, anh vẫn ăn. Ngày đầu thấy thương, tôi mua tô bún bò về anh ăn không được, bảo hôi. Ngày sau vợ tôi phải mua đồ về tự nấu mà không bỏ tỏi, tiêu vào”.
Những ngày đầu ông Lang không chịu mặc áo quần vì sợ cha đổ thừa quần áo bị ngứa. Nhưng rồi sau đó vẫn ngoan ngoãn nghe theo.
“Bây giờ nói gì Lang cũng làm theo. Mang khúc củi to đùng ra sân nhờ anh chẻ. Anh cầm cái rìu phăng một lúc là xong. Thèm thuốc nhưng ai cho anh không dám lấy vì sợ ông già” - ông Tri kể.
Ngược lại với người con, ông già Hồ Văn Thanh cự tuyệt ăn uống. Ông không nói, không ăn, chỉ nhìn xa xa về hướng núi rồi lặng lẽ kéo vạt áo lau nước mắt.
“Cháo ông không ăn. Tôi đút cơm trắng ông lắc đầu. Cơm gạo rẫy ông nhấm nháp được vài muỗng” - ông Tri nói. Việc chia nhau canh giữ để ông già khỏi trốn viện và người anh trai không chạy mất vào rừng sâu khiến gia đình ông Tri trở nên nặng nề. Thương cha và anh nhưng mọi việc dường như đã quá sức.
Chỉ những người con nhỏ của ông Hồ Văn Lâm mới làm ông Lang thích thú. “Anh ấy theo lũ trẻ bắn ná cả ngày. Rất thích người khác chở đi xe máy. Anh ôm rất chặt. Cũng thích nghe nhạc rồi nhảy múa như lũ trẻ. Đặc biệt anh thích uống nước ngọt!” - ông Tri kể lại.
Buổi tối trước hành lang bệnh viện, hai cha con dìu nhau ra trước hàng ghế đá dành cho bệnh nhân ngồi. Miệng bỏm bẻm nhai trầu, ánh mắt hai người đàn ông nhíu mày khó chịu khi một chiếc xe máy pha ánh sáng từ cổng vào hành lang.
Ánh đèn điện cùng dòng người nói cười lao xao khiến những đôi mắt như mệt mỏi, rã rời vì căng thẳng. Gần một giờ ở ghế, cũng chỉ một tư thế ngồi, họ gần như bất động. “Bình thường ở núi giờ này ông già chong đèn đan lát hoặc đã ngủ một giấc dài rồi. Ở đây náo nhiệt chắc ổng mệt” - ông Hồ Văn Lâm nói.
Ông Lâm nhớ lại cách đây hơn 10 năm, hai cha con ông mỗi năm thường mang áo quần, dao, rựa... lên cho ông Thanh. Ông Thanh nhận nhưng cất giữ chứ không bao giờ dùng đồ của người xuôi. Vật dụng của mình, ông tự chế tác bằng những mảnh bom nhặt trong rừng.
“Nhưng khi được con mang hay con nai chú thường làm khô, để ở bếp bảo cha tôi mang về. Mật ong, ớt xanh và rau quả ông đều cho cha tôi. Ông cho mà không nhận. Rồi ông dạy thằng Lang cũng vậy, không nhận, không ăn cái gì của người xuôi. Đến giờ tôi cũng không biết bí ẩn câu chuyện này” - ông Lâm nói.
Có lẽ khi bị đưa về làng, cha con ông Hồ Văn Thanh không còn sự lựa chọn trong cách sống “cho mà không nhận” của mình. Những phong bì của các đoàn thăm viếng, ông Lang và già Thanh đều đưa hết cho vợ chồng ông Tri.
“Chẳng ai biết tiền. Người ta cho tiền, ông già chỉ lật qua lật lại nhìn thật kỹ hình ảnh Bác Hồ rồi đưa tờ tiền cho tôi. Ông quên biệt! Có hôm đang ngủ ông già chui xuống gầm giường kêu ú ớ như con thú. Bác sĩ, y tá nháo nhào đỡ ông dậy” - ông Tri kể.
Không ít lần ông Lang mang ống nứa đựng thuốc lá và vôi ăn trầu, cầm rựa lặng lẽ rời nhà ông Lâm tìm đường vào rừng. Những đứa trẻ trong làng phát hiện và người thân lại dỗ dành đưa về nhà.
Nhiều bệnh nhân ở Trung tâm y tế huyện Tây Trà quen với cảnh chiều chiều hai cha con dìu nhau ra trước sân, ngồi đúng chiếc ghế cũ, nhìn về dãy Apon xa mờ mây núi. Bây giờ, ở thành phố Quảng Ngãi, Tây Trà đã xa khuất hàng trăm cây số, dãy núi Apon cũng biệt tăm theo hướng nhìn, nỗi nhớ rừng núi của hai cha con chẳng ai hay biết.