TIN TỨC » Dòng sự kiện

Người thừa kế ông Phương "khói lửa" sẽ phải bồi thường vụ nổ

Thứ ba, 26/02/2013 16:15

Một ngày sau vụ nổ kinh hoàng tại hẻm 384 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.8, Q.3, TP.HCM) làm 10 người chết và sập 3 căn nhà bên cạnh vào ngày 24/2, dư luận vẫn chưa khỏi bàng hoàng.

Chủ nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật) cho biết dựa trên những thông tin ban đầu từ các cơ quan chức năng, tai nạn này có thể xuất phát từ một lượng lớn thuốc pháo chứa trong nhà ông Phương. Như vậy theo quy định, trách nhiệm bồi thường trong vụ án thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Cụ thể là do chất nổ, chất cháy gây nên.

Hiện trường vụ nổ làm 10 người tử nạn tại TP.HCM.

Theo khoản 2, 3 điều 623 bộ luật Dân sự năm 2005, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, ngay cả khi không có lỗi. Trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết. Đối chiếu trong trường hợp này loại trừ khả năng vụ việc nằm trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.

“Do vậy, chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại gồm toàn bộ các thiệt hại về người (ngoài gia đình ông Phương), căn nhà ông thuê và các nhà lân cận ngay cả khi không có lỗi”, luật sư Công nói.

Nguồn tài sản sử dụng để bồi thường là phần di sản của ông Phương còn lại. Hiện nay ông Phương và toàn bộ gia đình (vợ, con) đều đã qua đời nên hàng thừa kế thứ nhất của ông sẽ là cha mẹ ruột (hoặc các hàng thừa kế thứ hai, ba) sẽ nhận phần thừa kế này để thực hiện việc bồi thường thiệt hại. Trường hợp phần bồi thường vượt quá số di sản để lại thì chỉ thanh toán đến hết phần di sản này mà thôi (điều 637, 674,  683 bộ luật Dân sự).

Tự bảo vệ mình và tài sản của người khác

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng trong vụ này không chỉ có gia đình ông Phương đau buồn mà các căn nhà lân cận bị sập và 4 nạn nhân xấu số khác là bị hại của nguồn nguy hiểm cao độ mà ông Phương tích trữ. Đại diện hợp pháp của những nạn nhân xấu số này được yêu cầu đòi bồi thường. Tuy nhiên, nếu ông Phương không còn tài sản gì thì rõ ràng gia đình các nạn nhân này vừa thiệt đơn vừa thiệt kép vì nhà thì sập, còn người thân thiệt mạng.

Theo luật sư Tuấn, cũng là nguồn nguy hiểm cao độ, nhưng bảo hiểm xe là bảo hiểm bắt buộc, còn bảo hiểm cháy nổ là tự nguyện, hiện chỉ có các công ty xí nghiệp quan tâm, vì nhiều người dân thấy chi phí bỏ ra mua bảo hiểm cháy nổ còn cao trong khi rủi ro thì năm thì mười họa mới xảy ra. Nhưng khi xảy ra những hậu quả như trên mà có bảo hiểm sẽ giảm được phần nào thiệt hại. Như vậy, nếu trong trường hợp này, ông Phương hoặc các hộ dân bị ảnh hưởng có mua bảo hiểm thì những thiệt hại ngoài ý muốn, không do con người trực tiếp gây ra để trục lợi bảo hiểm sẽ được đảm bảo quyền lợi theo mệnh giá bảo hiểm. 

Khởi tố không giải quyết được vấn đề!

Tối 7/4/2012, tại khu nhà trọ thuộc KP.1B, P.An Phú, TX.Thuận An (Bình Dương) xảy ra vụ nổ khí gas làm 7 người chết. Theo Sở Cảnh sát PCCC Bình Dương, vụ việc do Lê Minh Việt (31 tuổi, quê Đồng Tháp, là người ở trọ) thực hiện sang chiết gas trái phép từ bình lớn sang các bình mini đã làm rò rỉ khí và gây cháy nổ. Vụ cháy lan ra tổng cộng 8 phòng trọ lân cận làm 10 người bị bỏng nặng được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu. Sau đó, có 7 nạn nhân đã tử vong, trong đó có cả vợ chồng Lê Minh Việt.

Chiều 25/2/2013, bà Nguyễn Thị Kim Thu, Trưởng phòng Lao động - Thương binh - Xã hội TX.Thuận An, cho biết: "Sau khi vụ nổ xảy ra, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương đã không khởi tố vụ án vì cả hai vợ chồng người gây ra vụ cháy nổ đã tử vong. Con của chủ nhà trọ cũng tử vong trong vụ tai nạn này. Như vậy có khởi tố cũng không giải quyết được vấn đề”.

Mối nguy an toàn cháy nổ trường quay

Tai nạn xảy ra đối với cascadeur từ những vụ cháy nổ trong phim lâu nay không ít, từ trực tiếp khi trộn thuốc nổ đến gián tiếp do sức ép quá lớn mà chuyên viên không lường trước được (diễn viên quần chúng hoặc cascadeur rách da là chuyện thường, nặng hơn là may gần 20 chục mũi như trong phim Hồng hải tặc, do nắp ca pô của xe hơi văng lên 20 m rồi rớt xuống; hoặc bị hỏng một mắt trong Đô la trắng do vỡ kính đeo mắt của diễn viên).

Sau vụ nổ kinh hoàng vừa qua, đạo diễn Trần Cảnh Đôn đề xuất nên giao cho công ty thuộc Bộ Công an làm dịch vụ cháy nổ cho các cảnh quay. Ông cho rằng “có thể doanh thu ít nhưng lợi ích thì rất nhiều, vì đây cũng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, và nhu cầu là có thật. Chỉ có Bộ Công an mới quản lý về chuyên môn một cách an toàn nhất, lại có kho bãi riêng, dễ dàng kiểm soát, và quan trọng là hợp pháp…”. Ông nói “nếu cứ làm theo cách hiện nay thì an toàn là không có rồi”.

Lâu nay, để thực hiện những pha cháy nổ, các chuyên viên hầu như đều làm theo cách dùng thuốc nổ TNT hoặc trộn với hỗn hợp khác theo công thức tự chế. Và với từng đạo diễn khi làm phim chiến tranh hoặc có cháy nổ, ngoài ê kíp phụ trách khói lửa, tùy mối quan hệ sẽ kết hợp hoặc nhờ bên quân đội hỗ trợ thêm.

Từng là diễn viên đóng thế cho nhiều phim hợp tác với nước ngoài, cascadeur Lữ Đắc Long cho biết cách làm cháy nổ của mình và của họ khác nhau trời vực. “Cùng cho nổ xe hơi nhưng nếu ở mình, chỉ cần để thuốc nổ vô xe và cho nổ, mảnh vỡ văng sao mặc kệ (thường chỉ được tính theo quán tính), thì họ lại kỹ đến từng chi tiết: từ cưa xe, tháo các cửa, trần xe và cột vào dây cáp để khi nổ chỉ văng trong bán kính được tính toán sẵn, đặt kíp nổ trong xe theo hướng nào… (như trong Người Mỹ trầm lặng). Trước đây, khi làm Kế hoạch 99, chuyên viên khói lửa VN không dám cho nổ xác xe hơi của Lý Hùng (tham gia phim), thì ê kíp khói lửa của Đài Loan đã ra tay. Thay vì đào đất chôn thuốc nổ rồi cho nổ như chuyên viên mình (dự định) làm khi đó, họ làm một chậu sắt, để thuốc nổ vào rồi chôn dưới hố, phủ lên lớp bột xi măng dày, và nổ, cả xe lẫn người đều an toàn.

Với sự tiến bộ của kỹ thuật và công nghệ, ngày nay đa số những đoàn phim trên thế giới đều tạo hiệu ứng cháy nổ trên màn bạc nhờ vào kỹ xảo từ máy tính kết hợp với tạo khói trên phim trường bằng đá khô. Theo trang tin chemistry.about.com thì nhiều nhà sản xuất phim sử dụng cách tạo hiệu ứng lửa màu xanh lá cây (được tạo nên bằng các hợp chất hóa học, không gây ra sức nóng hay sát thương diễn viên). Máy tính sẽ làm phần còn lại, tức là thay đổi màu sắc của khói lửa để phù hợp với từng bối cảnh phim.

 

Thanh Niên