Trước thông tin cho rằng bà Phan Thị Oanh (kỹ thuật viên trưởng Khoa Xét nghiệm) là người tổ chức "nhân bản" kết quả xét nghiệm, chiều 12-8, bà phân tích: "Tôi chỉ là kỹ thuật viên trưởng thì làm sao có thể yêu cầu nhân viên của khoa làm việc đó? Về chuyên môn, khi thấy sai sót, tôi đề nghị kỹ thuật viên phải tuân thủ quy trình nhưng họ không thực hiện. Ngay cả việc mượn máy xét nghiệm của chính nhà thầu cung cấp hóa chất xét nghiệm cũng là chủ trương của giám đốc BV, tôi không được quyền quyết định".
Một số cá nhân tố cáo gian lận kết quả xét nghiệm cũng cho biết họ tiếp tục bị những người tham gia "nhân bản" quy "tội" sao chép hồ sơ bệnh án sai nguyên tắc (tiết lộ hồ sơ bệnh nhân). Tuy nhiên, một luật sư cho rằng việc sao chép hồ sơ bệnh án vì động cơ cá nhân mới là sai. Trong trường hợp này, sao chép để vạch trần sai trái là việc làm cần khuyến khích.
Trong khi đó, Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về chỉ đạo xử lý vi phạm tại BVĐK Hoài Đức. Theo đó, yêu cầu xử lý gấp, nghiêm minh đối với các tập thể và cá nhân sai phạm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân có thành tích, dũng cảm đấu tranh, tố cáo các hành vi sai trái, tiêu cực trong công tác quản lý, tổ chức khám, chữa bệnh tại BVĐK Hoài Đức.
Thường trực Thành ủy Hà Nội giao trách nhiệm cho các cơ quan liên quan có biện pháp bảo vệ để người tố cáo không bị trù dập, trả thù. Công an TP Hà Nội sớm có kết luận điều tra vụ án, bảo đảm khách quan. Tổ chức, cá nhân nào có liên quan đến sai phạm đều bị xử lý nghiêm...
Nhiều nhân viên trẻ sa vào tiêu cực Chưa hết mệt mỏi sau nhiều ngày bị khủng bố tinh thần, chị Hoàng Thị Nguyệt, người đứng đơn tố cáo sai phạm tại BVĐK Hoài Đức, cho biết: "Trong những người bị tố cáo có nhiều nhân viên trẻ. Họ không biết gì, mọi việc do giám đốc làm hỏng. Tôi đã giải thích hậu quả của những việc làm sai trái ấy nhưng các cháu không nghe, chỉ nghe lời giám đốc. Ngay cả chị trưởng Khoa Xét nghiệm, tôi cũng đã nhắc nhở nhiều lần trong các buổi giao ban nhưng đều bị bỏ ngoài tai". |