Hình ảnh ông Tây xắn quần, không ngại bẩn dọn cống thối ở phố Nguyễn Khang những ngày qua gây xôn xao dư luận. Ông tây ở tận nước nào mà sao ông lại móc cống ở đây?
Hình ảnh ông Tây dọn cống thối ở phố Nguyễn Khang, Hà Nội.
Lãnh đạo chính quyền địa phương cũng đã lên tiếng về hành động này của những ông Tây. Tuy nhiên, phát biểu của Chủ tịch phường Yên Hòa mang tính bao biện và cũng khó “lọt tai”, rằng, con mương trên vẫn được phường thường xuyên quan tâm dọn dẹp chứ không phải đến lúc những “ông Tây” kia lội xuống chính quyền mới quan tâm… Và cuối cùng là việc Chủ tịch TP Hà Nội đã biểu dương hành động của ông Tây, đồng thời yêu cầu vị chủ tịch phường Yên Hòa phải xin lỗi.
Những tranh cãi xung quanh hành động của ông Tây và nhóm bạn đã tạm khép lại, nhưng chứa sau nó là muôn điều người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng phải suy ngẫm.
Bao nhiêu năm qua, người Hà Nội luôn hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố “xanh – sạch – đẹp”. Nhưng xem ra, những mục tiêu này quá khó thực hiện khi mà cả thành phố đi chỗ nào cũng đầy bụi-rác. Rác ở đâu ra? Từ sinh hoạt, từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, từ các công trường xây dựng… Những nguồn rác này chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được để giữ môi trường sống trong sạch nhưng thật đáng tiếc, thói làm ăn bừa bãi, luộm thuộm, không vì cộng đồng của đa số người Việt đã hành hạ chính người Việt. Xả rác bừa bãi lại ít người dọn dẹp nên đi đâu cũng thấy rác, cũng thấy ô nhiễm.
Còn nhớ, Hà Nội chỉ cách nay vài năm, nhiều tổ dân phố vẫn kêu gọi người dân dọn dẹp những nơi công cộng, hè đường, lối xóm, khơi thông cống rãnh… Nhưng lâu nay, thói quen này đã bị bỏ quên.
Nhiều tuyến phố Hà Nội được phân công cho “phụ nữ tự quản”, thanh niên tự quản… nhưng rác vẫn ngập đường, người dân vẫn sống ngập trong rác. Một hình ảnh không khó kiếm giữa phố phường Hà Nội là ngay dưới tấm biển ghi “Cấm đổ rác” thì rác chất đầy; dưới tấm biển “cấm đái bậy” thì liên tục gặp các ông đứng úp mặt vào tường… Nhiều quán ăn, thượng đế ngồi trên rác nhưng vẫn thưởng thức ngon lành.
Thói quen vứt rác bừa bãi, khạc nhổ lung tung… của nhiều người đã khiến hình ảnh của người Hà Nội trở nên xấu xí, bộ mặt thủ đô trở nên nhếch nhác, thiếu thiện cảm. Đến Hà Nội, ấn tượng lớn nhất của du khách là gì? Là tắc đường, là những dòng sông ô nhiễm đen kịt, bốc mùi hôi thối. Vì đâu nên nỗi như vậy? Mọi thứ đều do “tích tiểu thành đại”. Một túi rác hôm nay được một người vô ý thức đặt lại, ngày mai, lại thêm một kẻ vô ý thức nữa ném thêm rác vào… Vì là chỗ công cộng nên chẳng ai quan tâm dọn dẹp, chẳng mấy lúc giữa khu dân cư đông đúc, nhộn nhịp mọc lên một bãi rác. Đến lúc đó lại hô hào, kêu gọi chính quyền can thiệp, hội đoàn ra tay, tổ dân phố họp lên họp xuống vẫn không thể di dời được đống rác. Một hình ảnh dễ thấy ở Hà Nội và các thành phố lớn là sau mỗi dịp lễ hội hay liên hoan như Trung thu, lễ tốt nghiệp của học sinh cấp 3, sinh viên đại học… chỉ sau một đêm nhiều bãi cỏ, công viên trở nên ngập ngụa rác, thức ăn vất bừa bãi. Công nhân môi trường phải dọn dẹp vài ngày mới xong.
Chúng ta đề ra chương trình nọ, chính sách kia về môi trường sống rất “hoành tráng” và tốn kém tiền của, nhưng những gì xung quanh ta, gắn bó với ta hằng ngày mà chẳng ai quan tâm. Đơn giản như cái cống thối ở phố Nguyễn Khang, ai đi qua cũng phải bịt mũi; người dân sống ở đây phải chịu cảnh ô nhiễm kéo dài… mà chẳng ai trong số cư dân ở đây đứng ra phát động dọn dẹp, khơi thông cái cống. Để đến khi ông Tây xắn tay vào làm thì lại chỉ chỏ, xôn xao. Chất lượng cuộc sống đâu phải tìm kiếm đâu xa, mà ở chính mỗi người với mỗi cử chỉ, hành động có ý thức với bản thân và cộng đồng. Và trên đất nước mình, đang còn rất nhiều chỗ cần ông Tây vào cuộc.