Trong câu chuyện, Dung luôn tỏ ra sợ hãi và không dám nhìn thẳng vào ai. Em luôn cúi gằm mặt như vẫn hiện hữu sự mặc cảm tự ti về ngoại hình, đôi mắt luôn đỏ hoe như sắp khóc. Khuôn mặt em cháy sém, một bên tai bị cắt vì đã hỏng hoàn toàn. Trong khi đó, đôi bàn tay bị căng cứng, không còn hoạt động được các khớp ngón tay.
Hình ảnh trước đây của Dung
Mẹ em cho biết từ ngày ở bệnh viện về, em chỉ ru rú trong nhà chứ không dám bước ra khỏi cửa vì sợ những tiếng xì xèo của người đời. Mọi sinh hoạt, từ những sinh hoạt nhỏ nhất cũng do một tay bà Duyên chăm sóc.
Nhìn dáng người người đàn bà đã gần 60 tuổi, lưng đã yếu, đôi chân đã chẳng còn đứng vững chăm con gái từng miếng ăn giấc ngủ khiến ai nhìn thấy cũng nghèn nghẹn trong cổ họng.
“Từ sinh hoạt hàng ngày, tới việc nặng, việc nhẹ, một mình tôi làm hết. Tay chân cái Dung như thế thì làm gì được. Nhưng từ mấy năm nay, chân tôi đau quá, đi lại cũng rất khó khăn”, bà Duyên tất tả bón cho con gái ăn cơm trắng với lèo tèo vài cọng rau.
Kể từ hôm đi viện cho đến nay, hai đứa con nhỏ của Dung được ông bà bên nội chăm bẵm. Nỗi nhớ con cứ cồn cào ruột gan, thế nhưng đến các con cũng không nhận ra mẹ.
Nói đến đây Dung khóc: “Con lớn mới đầu nhìn thấy mẹ thì sợ nhưng giờ bạo dạn hơn. Em chỉ thương bé út, mỗi lần nhìn thấy mẹ là lại khóc ré lên, chạy đi vì sợ. Từ đó người nhà nội không cho em gặp con nữa. Nhớ con, em chỉ biết cầm điện thoại để xem lại ảnh con”.
Từ ngày Dung về, chồng chỉ lên thăm 2, 3 lần. Nhưng vì vẫn còn uất ức nên Dung cũng không tiếp. Gia đình lúc đó nghĩ rằng: “Vợ như vậy mà chồng đi tù, thì 2 con để cho ai chăm” nên 2 bên quyết định giải quyết tình cảm".
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, gia đình nhà chồng gần như bặt vô âm tín, bỏ rơi cô và không có bất kì lời hỏi thăm nào.
Đến bây giờ, ai nhìn Dung cũng đều bị 'sốc'
“Nhà đó thể hiện vô trách nhiệm, bỏ mặc con gái tôi như thế này. Nhà tôi thì nghèo, nhà họ thì khá giả hơn nhưng rồi họ cũng mặc kệ con tôi sống chết.
“Bác sĩ bảo phải có tiền mới chỉnh hình được hết khuôn mặt, nhưng giờ đây tôi chỉ mong chữa được cho con đôi tay để có thể tự chăm sóc được cho chính mình đã. Tôi già yếu rồi không biết còn sống được bao nhiêu nữa. Tôi chỉ sợ khi tôi chết đi sẽ không có người chăm con”, bà Duyên rơi những giọt nước mắt nghĩ về tương lai không xa.
Được biết, bà Duyên từ bao đời nay sinh sống bằng mấy sào ruộng. Nhưng từ khi con gái bị như vậy, đất ruộng bà cũng đã bát hết. Đến căn nhà cấp 4, bà Duyên cũng định bán nốt để chữa bệnh cho con.
“Hằng ngày tôi đi vót đũa thuê, mỗi ngày cũng được 10 – 20 ngàn đồng để mua ít gạo cho 2 mẹ con”, bà Duyên nói.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Quỳnh (người cùng làng) xúc động: “Chuyện nhà cái Dung, ai cũng biết. Ai cũng thương nó vì trẻ người không may lấy phải gã chồng không ra gì. Nhưng chuyện đã qua rồi, còn hiện tại, chỉ mong chữa cho em khỏi đôi tay để em có thể tự làm mọi thứ”.
Chị Quỳnh thở dài: “Bà Duyên sống cũng không còn được mấy. Trong khi Dung nó còn quá trẻ. Nhìn nó như vậy, ai mà chẳng xót”.
Trao đổi thêm với PV, ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng công an xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội xác nhận: "Bà Phí Thị Duyên có hộ khẩu thường trú tại xã. Trước đó như các hộ khác trong xã, gia đình bà Duyên có một mẹ một con nên kinh tế thuộc mức trung bình, làm chỉ đủ ăn".
Bà Duyên - mẹ Dung nay đã già, chẳng còn mấy sức mà để chăm sóc cô.
“Còn sự việc của Dung xảy ra bên Quốc Oai không phải xảy ra bên này nên chúng tôi không nắm được thông tin. Sau khi chữa trị, hiện tại Dung về nhà mẹ đẻ để mẹ chăm sóc. Và đến tận thời điểm đó chúng tôi mới biết sự việc đau lòng nói trên. Các chi hội phụ nữ trong thôn, trong xã biết tin cũng đã kêu gọi sự quyên góp gửi đến cho gia đình của em”, ông Huấn cho biết thêm.
Về phía người vợ xinh đẹp phải gánh chịu từ người chồng vũ phu, bạo lực, Dung mới nhận ra sự bồng bột của tuổi trẻ đã khiến tương lai của cô rơi vào vực thẳm, bế tắc. Thế nhưng vì hai con cô vẫn tiếp tục phải sống và cô mong muốn được sống: “Em muốn gặp con để con không phải sợ mẹ ruột của nó nhưng sao khó khăn quá chừng”...