Người chồng khát con trai "chống gậy"
Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo của huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tuổi thơ của tôi đã trải qua rất nhiều đổ vỡ, mất mát khi bố mẹ chia tay nhau, tôi sống trong thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Đến năm 1982, tôi lập gia đình khi vừa tròn 19 tuổi. Người đàn ông mà tôi nguyện gắn bó suốt đời là anh Nguyễn Quốc Ngạn, nhiều hơn tôi đến 9 tuổi. Đó là một cuộc hôn nhân không tình yêu, thấy đủ tin tưởng thì cưới, với lại thời bấy giờ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, gái đến tuổi trưởng thành thường được cha mẹ chọn chỗ để gả bán. Nói như thế không có nghĩa là gần 30 năm chung sống với nhau, chúng tôi không hạnh phúc. Ngược lại, tình cảm vợ chồng vẫn mặn nồng, hai vợ chồng vẫn ăn ở, chiều chuộng nhau cũng chẳng khác gì những cặp vợ chồng đã "thề non hẹn biển".
Năm 1983, tôi sinh con gái đầu lòng, niềm hạnh phúc được nhân lên gấp bội. Hồi đó, cuộc sống vợ chồng cũng không mấy là khá giả, tôi lấy chồng sớm nên ở nhà làm ruộng, còn chồng xin đi làm được tại một công ty gạch ở trên thành phố Vinh. Vài năm sau, kinh tế của vợ chồng cũng dần ổn định và có của ăn của để.
Năm 1988, tôi lại tiếp tục sinh thêm một cô con gái thứ 2. Những tưởng cuộc sống có bát cơm ăn, có tiếng cười của trẻ nhỏ trong nhà đã là viên mãn, thế nhưng bản thân tôi không ngờ rằng, khi cô con gái thứ hai chào đời cũng là lúc tình cảm vợ chồng bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt chỉ vì Ngạn thích con trai hơn con gái.
Chồng tôi lúc đầu còn giữ kẽ, nhưng khi thấy đứa thứ hai vẫn là gái, anh ấy đã tuyên bố thẳng thừng là muốn có thằng cu để nối dõi tông đường, "chống gậy" và thờ cúng tổ tiên. Sau những lần bị bạn bè châm chọc, về nhà Ngạn ép vợ phải sinh bằng được con trai cho bằng bạn bằng bè. Tuy nhiên, đến lần sinh thứ ba tôi vẫn cho ra đời một công chúa nữa. Chồng tôi từ hi vọng trở nên chán nản rồi sinh ra rượu chè, cờ bạc và thậm chí là bê tha công việc nên đã bị xí nghiệp gạch nơi anh đang công tác đuổi viêc. Dù không đồng tình với hành động của chồng, nhưng để gia đình yên ấm, tôi vẫn nín nhịn, ngon ngọt dỗ dành.
Từ khi tôi chuyển sang chạy chợ buôn bán tôm cá thì chồng cùng phụ giúp chở hàng, nên cuộc sống vợ chồng cũng bớt đi được nhiều căng thẳng trong cuộc sống. Đến năm 1996, hai vợ chồng quyết tâm thử vận may lần nữa, nhưng kết cục là vẫn thêm một "hoàn châu cách cách" ra đời. Sau khi sinh cô con gái thứ 4, cuộc sống gia đình địa ngục bắt đầu giáng xuống đời tôi. Mặc cho con còn đỏ hỏn, Ngạn bỏ 4 mẹ con tôi ở lại với nhau rồi bắt xe vào Đắk Lắk, mãi đến 3 năm sau mới trở về.
Tìm đến cái chết vì ân hận giày vò
Cũng từ đấy, tôi phát hiện ra chồng mình thường xuyên tìm đến gái mại dâm ở các quán cắt tóc, gội đầu trá hình để tìm vui. Biết, nhưng tôi vẫn nín nhịn. Từ khi chồng vào làm ở ban an ninh xóm, tôi có đôi ba lần khuyên giải đừng nên đến những chỗ bẩn thỉu ấy nữa, người ta nhìn vào sẽ không hay nhưng Ngạn cứ gạt phắt đi, chứng nào vẫn tật nấy. Đến trưa ngày 17/8/2009, sau khi ăn cơm, uống rượu với bạn bè tại nhà xong, hai vợ chồng lên ngủ tại giường ở phòng khách, lúc này các con đi vắng cả nên tôi lại một lần nữa lựa lời nhắc chồng về chuyện chồng đi ăn chả, ăn nem ở ngoài. Sẵn có hơi men, nên Ngạn nổi đóa chửi tôi, trong lúc tức giận, tôi cũng chửi lại chồng, gọi chồng là đồ con chó.
Bị xúc phạm, chồng thò tay xuống gầm giường lấy chiếc búa thợ xây giơ lên đánh vào đầu tôi, nhưng tôi đã kịp vớ chiếc gối đỡ được. Không dừng lại ở đó, Ngạn tiếp tục vung búa đánh tôi thêm nhát nữa nhưng vô tình chiếc búa vướng vào màn làm đứt dây và chiếc màn rơi xuống trùm lên người Ngạn.
Thấy vậy, máu nóng trong người sôi lên, tôi chẳng còn nghĩ ngợi được gì ngoài hai từ "trả thù", đòi lại những gì mà chồng đã phũ phàng giáng xuống đầu tôi một cách vô cớ trong cả chục năm qua. Tôi nhảy xuống đất lấy một chiếc rìu ở gầm giường chém liên tiếp vào người, đầu làm chồng ngã ra giường. Sau khi chém chết chồng, không hiểu sao, tôi thấy đầu óc trống rỗng, không chút thương xót, sợ hãi. Tôi cầm búa, rìu đi xuống bếp, mang ra giếng rửa vết máu rồi mang vứt xuống ao. Sau đó, tôi vào nhà thay quần áo và đạp xe đi sang nhà bạn chơi để đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Đầu giờ chiều cùng ngày, con gái đi học về và phát hiện ra bố đã chết và hô hoán mọi người. Biết không thể trốn tránh pháp luật, 2 ngày sau khi gây án, tôi đã lên cơ quan công an đầu thú. Sau này tôi mới biết, chồng tôi chết do vỡ hộp sọ, rách dập não, với 15 nhát chém ác nghiệt.
Sau khi bi bắt và khởi tố về tội "Giết người", do có nhân thân tốt, nạn nhân lại là chồng nên cơ quan điều tra đã cho phép tôi được tại ngoại 3 ngày để lo ma chay cho chồng. Bị mang cái tiếng là ác phu, những ngày ở nhà chịu tang chồng và cả khi bị bắt tạm giam, họ hàng bên nhà chồng cũng không ai thèm đoái hoài. Đứa con gái thứ hai mấy lần có vào nhà tạm giữ thăm thì suốt cuộc thăm nuôi chỉ hỏi chuyện tiền, sổ tiết kiệm, và bìa đỏ để ở đâu. Những ngày nằm trong trại tạm giam, nghĩ lại cuộc đời 28 năm đi làm dâu chưa một lần để lại điều tiếng xấu cho nhà chồng, nay chỉ vì cơ sự này mà bỗng nhiên bị khinh ghét, coi như người ngoài xã hội, ngẫm thấy cay đắng cho bản thân, nên trong đầu tôi bắt đầu xuất hiện những luồng tư tưởng tiêu cực và muốn tìm đến cái chết để tự giải thoát cho bản thân. Một đêm, tôi viết một bức thư dài 3 trang giấy gửi các con, rồi lấy chiếc khăn tang buộc lên cửa sổ treo cổ tự sát nhưng đã bị phát hiện. Do vẫn phải sống trong sự dằn vặt của bản thân nên tôi tiếp tục nuôi ý định tự sát.
Một lần, một người bạn đến thăm nhét cho 1 triệu đồng, tôi nén mang về phòng giấu xuống dưới gối. Để thực hiện ý định tự sát, tôi đã mua một chiếc bật lửa gas với giá 200 nghìn đồng của một nhân viên vệ sinh trong trại tạm giam. Tầm 2 giờ sáng của một đêm cuối năm, khi các phạm nhân khác đã ngủ hết, tôi liền lấy chiếc màn ra ngồi khóc và châm lửa đốt tự sát nhưng vẫn không chết được. Sau lần ấy, tôi từ bỏ ý định dại dột này.
Đau đớn khi con cái quay lưng
Cho đến bây giờ, sau hơn 3 năm sống trong trại giam, mỗi khi nghĩ về ngày đứng trước vành móng ngựa, trái tim tôi vẫn còn đau nhói. Đó là ngày 22/9/2009. Trong khi những người hàng xóm đứng ra chia sẻ, bảo vệ cho tôi vì phải chịu cuộc sống quá áp bức dẫn đến hành động giết chồng, thì đứa con gái thứ 2 bất ngờ đã đứng dậy yêu cầu "nợ máu phải trả bằng máu" và đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt mẹ mình với mức án cao nhất. Nghe con nói vậy, trái tim tôi như vỡ tung ra vì đau đớn. Đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra, nuôi nấng khôn lớn không ngờ lại quay lưng như thế với mẹ nó. Dù biết rằng, hành vi của tôi đáng phải nhận hình phạt như thế, nhưng điều đó đến quá bất ngờ, và ngoài sức tưởng tượng của người mẹ.
Cũng chính vì hận con, giận người nhà chồng nên sau khi chuyển lên trại giam số 6, tôi nhất quyết không gặp hay nhận quà thăm nuôi của bất kể đứa con nào, hay gia đình bên nội, trừ bên ngoại mang đồ tiếp tế lên. Với bản án chung thân, nếu có cải tạo tốt thì cũng phải 70 tuổi, tôi mới được trở về. Liệu chắc gì đã sống được tới lúc đó, có lẽ đây sẽ là nơi gắn bó với tôi trong những ngày tháng còn lại, tôi xác định sẽ sống ở trong này chứ không về nhà nữa.
Qua những người thân của mình mỗi lần lên thăm nuôi, tôi cũng thấy đỡ áy náy phần nào khi được biết, trong số 4 cô con gái của mình thì đã có 3 cô con gái lấy chồng, đứa con út thì hiện đang học cấp 3. Trong đó, cô con gái thứ hai là đứa làm cho tôi đau nhất hiện đang mang thai đứa con đầu lòng, chuẩn bị sinh nở. Tiền nhân bảo, gieo nhân nào thì át gặt quả nấy, ngẫm vào đời mình, nhiều lúc tôi thấy bạc bẽo quá. Từ bé đến lớn, tôi là một người bất hạnh, sống một đời khổ hạnh, nhẫn nhịn vì chồng, vì con. Để rồi, cái kết hôm nay tôi nhận được là sự ghẻ lạnh của chồng, bạc bẽo của con cái. Cũng chỉ vì không kiềm chế được, cả đời tôi đã mang tiếng ác là giết chồng tàn bạo.
Giờ, tôi đã xác định, phần đời còn lại tôi sẽ sống trong trại giam, dù có được về với xã hội đi chăng nữa thì tôi cũng xin được sống thác nơi này, để không đối diện với thực tại là những lời thị phi ác ý, nhất là với chính những đứa con chính tôi đã dứt ruột đẻ ra. Kết cục của ngày hôm nay, là do tôi tự tạo ra tất cả, tôi phải đối diện với điều đó để tu tâm, cải tạo tốt. Bản án lương tâm cũng chính là bản án đời người mà tôi phải lãnh nhận, sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời, ngay cả trong bữa ăn, giấc ngũ và giữa cơn mê dài mỏi mệt.
Ghi theo lời kể của phạm nhân Bùi Thị Dung - Trại giam số 6