12 năm trước, cũng vào một ngày hè nắng nóng, Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984, trú tại phường Lãm Hà, quận Kiến An, TP. Hải Phòng) từ quê nhà rình rang mũ áo lên Thủ đô, hân hoan ghi danh vào một trong những ngôi trường danh giá bậc nhất cả nước, đại học Ngoại thương Hà Nội. 12 năm sau, ngày 23/7/2014, Nghĩa đã phải thi hành án tử, trả giá bởi tội ác man rợ gây ra năm 2010.
Cái giá phải trả
Sau gần bốn năm bị tuyên án tử với tội ác man rợ gây ra vào tháng 5/2010, cuối giờ chiều ngày 22/7, tại trại giam số 1 (Công an Hà Nội), tử tù Nguyễn Đức Nghĩa đã bị Hội đồng thi hành án (gồm đại diện TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, cục Thi hành án, lãnh đạo trại giam số 1) thi hành bản án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Sau đó, xác tử tù này được lưu giữ tại nhà xác bệnh viện 19-8 (bộ Công an), trước khi cho phép người nhà đến nhận về.
Ngay trong đêm 22/7, bà Phạm Thị Chuân (mẹ Nguyễn Đức Nghĩa) cùng nhiều người thân trong gia đình đã túc trực tại bệnh viện, chờ đến giờ được phép đưa xác Nghĩa về quê chôn cất.
Sáng sớm 23/7, theo quan sát của PV, đứng trước phòng lạnh của Nhà tang lễ bệnh viện 19-8, bà Chuân héo hắt và gầy guộc, lặng lẽ nhìn thi thể con được đưa đến với đôi mắt đỏ hoe. Đến 9g sáng cùng ngày, sau khi hoàn thành một số thủ tục cần thiết, rất nhanh chóng, xác Nghĩa được chuyển ra một chiếc xe chuyên dụng chờ sẵn phía ngoài. Ít phút sau, chiếc xe lặng lẽ lăn bánh theo đường vành đai 3 hướng về quốc lộ 1A. Thi thể của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa được đưa thẳng về Thái Bình (quê nội Nghĩa) để chôn cất bên cạnh mộ bố là ông Nguyễn Đức Hùng.
Chiều 23/7, căn nhà tại phường Lãm Hà, quận Kiến An, TP. Hải Phòng – nơi Nghĩa sinh ra và lớn lên - vẫn đóng cửa im ỉm, cổng khóa chặt, vắng lặng. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy căn nhà vừa được ai đó dọn dẹp. Ngày 24/7, bà Chuân đưa di ảnh Nguyễn Đức Nghĩa về nhà và làm đám tang cho con trai.
Tâm sự với PV, bà C. (hàng xóm) trầm giọng kể: “Tâm trạng đâu mà rình rang hả chú. Gọi là có chút thủ tục báo lễ, kẻo thằng Nghĩa dưới ấy tủi thân. Kể từ sau khi ông Hùng mất, bà Chuân lên Hà Nội sống với cô con gái. Nhà cửa, vườn tược bà ấy đều gửi gắm hàng xóm nhờ trông nom. Nghĩ cũng thương bà Chuân, hai ông bà đều sống hiền lành, tử tế được cả xóm quý mến. Ai ngờ, tai họa ập đến. Giờ chồng chết, con bị tử hình... không biết bà ấy sống sao đây?”.
Sự trùng hợp “lạnh người” giữa hai gia đình
Hơn bốn năm đã trôi qua, với ông Nguyễn Văn Ba - bố nạn nhân Nguyễn Phương L., quãng thời gian dài vừa qua ít nhiều đã giúp ông và gia đình lấy lại thăng bằng trong cuộc sống.
Tâm sự với PV, ông Ba nói mình không thể nào quen được với cảm giác thiếu vắng con gái trong bữa cơm gia đình. Giá lúc đó có một điều ước, người cha sẽ nguyện ước cho con gái ông được trở về dương gian, ngồi ăn cơm ở vị trí quen thuộc, xới bát cơm nóng cho bố mẹ ấm lòng. Mất cô con gái đầu lòng ngoan hiền, vợ chồng ông Ba dành hết tình thương vào cậu con trai thứ hai.
Nghe tin cơ quan thẩm quyền thi hành bản án tử hình Nguyễn Đức Nghĩa, ông Ba lặng người trong ít phút rồi nói, giọng chậm rãi: “Bố mẹ nào cũng thương con, đau xót khi có sự mất mát nhưng mọi thứ đã quá lâu rồi, Chủ tịch nước cũng đã bác đơn xin ân xá tội tử hình và Nghĩa phải trả giá cho những tội lỗi mà mình đã gây ra cho không chỉ gia đình tôi mà cho toàn xã hội. Nghĩa đã làm những việc sai trái và cơ quan chức năng thi hành án tử hình là điều hoàn toàn đúng pháp luật nhằm giữ nghiêm kỷ cương...", ông Ba nói.
Ông Ba cũng bày tỏ, mọi việc có thế nào thì cũng diễn ra rồi nên có mong muốn, có thù hận cũng chẳng thể giải quyết được gì. Cùng với đó, ông Ba cũng mong muốn được gửi một vài lời chia sẻ, động viên đến người mẹ già của Nghĩa.
Cũng trong buổi nói chuyện, ông Ba đã kể về một bí mật mà ông giấu kín suốt bốn năm qua. Theo lời ông, đó thực sự là một câu chuyện kỳ lạ mà ông thấy rõ ràng có sự trùng hợp giữa gia đình ông và gia đình Nguyễn Đức Nghĩa. “Chỉ trước hôm ông Hùng mất vì tai nạn giao thông vài ngày, tôi cũng bị tai nạn giao thông khá nặng, nhưng may mắn qua khỏi” – ông Ba nói.
Theo lời ông Ba, hôm đó, ông đang đi xe máy trên đường, do đau buồn chuyện của con gái nên đã đâm vào dải phân cách, ông bị bất tỉnh giữa đường. “Rất may tôi được người đi đường đưa vào cấp cứu tại bệnh viện E, các bác sỹ đã chữa trị tận tình, tôi mới tai qua nạn khỏi”. Như muốn minh chứng cho lời nói của mình, ông Ba chỉ tay lên vết sẹo dài trên trán đã được lớp tóc mái che đi ít nhiều.
Như một sự trùng hợp, sau đó ít lâu, bố Nguyễn Đức Nghĩa trong một lần tham gia giao thông bằng xe máy đã bị tai nạn bỏ mạng giữa đường. Cũng chỉ vì mải suy nghĩ, lo lắng cho con trai.
Kết thúc buổi trò chuyện, ông Ba nước mắt rưng rưng, trải lòng: “Tôi đã quên hết những chuyện đau buồn trước đây. Quá khứ tang thương đã khép lại, tôi không muốn nghĩ đến nó nữa rồi”.
Bí ẩn những dòng thư cuối
Được biết, trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, có lẽ do linh cảm được cái chết cận kề, Nguyễn Đức Nghĩa bỗng thay tính đổi nết, trở nên rất cục cằn và cũng không ít lần đập đầu vào tường, song sắt hòng tự tử. Để đảm bảo an toàn cho Nghĩa, vài ngày trước khi thi hành án tử hình, cán bộ trại tạm giam số 1 đã chuyển tử tù này tới một buồng giam đặc biệt. Phòng giam này tứ bề được che kín bằng xốp và chăn bông để ngăn anh ta làm liều.
Trong thời khắc chờ thi hành án, Nghĩa đã viết vài dòng gửi về cho gia đình. Trong khổ giấy ngang với 8 dòng chữ, tử tù 30 tuổi viết những lời rỉ máu: “Mẹ, anh chị và các con thân yêu. Vậy là sau hơn bốn năm dài chờ đợi, cuối cùng cũng đến ngày con được trở về bên gia đình. Mọi người hãy mừng cho con nhé”. Bằng nét chữ run rẩy, Nghĩa cũng bảo: “Yêu mẹ, anh, các chị và các con vô cùng”. Cuối thư, cựu sinh viên đại học Ngoại thương viết: “Con của mẹ - Nguyễn Đức Nghĩa”. Lá thư trên được Nghĩa viết lúc 17g30 ngày 22/7. Dừng bút, Nguyễn Đức Nghĩa được cán bộ quản giáo bê cho bát phở gà nhưng anh ta cũng chỉ ăn được vài gắp rồi buông đũa.
Lá thư khiến không ít những người được tiếp cận tỏ ra bất ngờ khi ngoài mẹ và anh chị, tử tù này còn gửi cho “các con”. Nhiều người cho rằng “các con” ở đây là “các cháu” của Nghĩa, tuy nhiên theo tìm hiểu, lề thói của người Thái Bình (quê nội Nghĩa), người Hải Phòng (nơi Nghĩa sinh ra và lớn lên) hay người Hà Nội (nơi Nghĩa đã sinh sống 12 năm) đều không nơi nào gọi cháu là con.