Nhiếp ảnh gia Na Sơn từng tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế Tp HCM và đã từng làm việc trong ngành dầu khí, nhưng Na Sơn lại không tiếp tục đi theo con đường ấy. Đối với anh, nhiếp ảnh có lẽ là niềm đam mê lớn hơn. Mặc dù không thuộc biên chế của một tờ báo nào nhưng ảnh của Na Sơn lại có mặt trên nhiều ấn phẩm trong và ngoài nước. Đặc biệt, hiện anh đang chịu trách nhiệm chính về ảnh cho Hãng thông tấn AP tại ViệtNam. Các bức ảnh của Na Sơn đã được đăng tải trên nhiều tờ báo và tạp chí nước ngoài như USA Today, Washington Post, BBC, Asies Magazine…
Xin hỏi anh, cảm xúc của anh khi tham gia tác nghiệp tại lễ tang Đại tướng như thế nào?
Tôi từng có dịp được chụp cố Đại Tướng Võ Nguyên Giáp cách đây 5 năm đúng ngày sinh nhật ông tại tư gia ở một cự ly rất gần. Tôi được gia đình cho phép đến chụp từ sáng sớm, khi chưa có một đoàn khách nào của nhà nước đến thăm hỏi, mới chỉ có họ hàng, người thân hay đoàn của nhân dân Quảng Bình đến chúc sinh nhật ông. Đấy là một kỷ niệm khó quên trong đời cầm máy của tôi.
Tôi nghĩ không riêng gì với tôi, mà với hầu hết con dân nước Việt này, Đại tướng là vị anh hùng dân tộc vĩ đại, một con người không chỉ có đầy đủ nhất 6 chữ "Nhân-Trí- Dũng- Tín- Liêm- Trung" như như mọi người vẫn thường nói mà ông còn có thêm một chữ "Tâm" sáng ngời đầy đủ ngữ nghĩa nhất của từ này.
Tin ông ra đi như một cú sốc với tất cả chúng ta. Với tôi, tôi cảm thấy mất mát như thể người thân của mình ra đi vậy. Chính buổi tối 4/10 khi phóng viên viết bài đưa tin ông mất, tôi biết trong kho tư liệu ảnh của hãng AP có rất nhiều hình ảnh chụp ông từ trước tới giờ nhưng tôi vẫn chủ động viết thư cho biên tập ngỏ ý muốn đóng góp 1 tấm ảnh tôi chụp ông năm 2008, một trong những bức chân dung ưng ý nhất tôi từng chụp, trong ảnh ông ngồi trầm ngâm trong phòng, phía sau lưng là bức tranh vẽ ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh đang bàn luận và còn một bức thư pháp vẽ một chữ "Tâm" rất đẹp. Tôi viết cho biên tập rằng: "Đây là bức ảnh tôi cực kỳ tâm đắc khi chụp Tướng Giáp với tất cả sự kính yêu tôi dành cho ông. Tôi muốn chia sẻ một góc nhìn và không có chuyện tiền nong ở đây. Tôi đơn giản chỉ muốn một hình ảnh đẹp của ông được mọi người biết đến". Và tấm ảnh đó cùng lô ảnh tư liệu khác của hãng đã xuất hiện trên khắp thế giới hôm sau. Đấy là cách tôi tỏ lòng tôn kính với Đại tướng.
Tôi kể lại câu chuyện để thấy rằng ngoài việc đóng vai trò của một người phóng viên ảnh tôi còn mang trong lòng một tình yêu lớn, một niềm thương tiếc khó tả hết khi đi làm sự kiện này. Hãng yêu cầu tôi làm mấy ngày đầu và 2 ngày lễ tang nhưng thực tế suốt hơn 1 tuần, ngày nào tôi cũng chụp, từ sáng đến khuya. Tôi muốn ghi nhận lại tất cả mọi cung bậc cảm xúc của mọi người dành cho ông và tôi chia sẻ những hình ảnh ấy cho mọi người, nhất là những người ở xa được biết. Không ai bắt tôi làm việc đó cả.
Còn động lực nào khiến anh nhiệt tình, hăng say ghi khoảnh khắc linh thiêng lễ tang Đại tướng như vậy?
Ngoài lý do rất cá nhân là tình cảm tôi dành riêng cho Đại tướng như đã nói ở trên. Tôi nghĩ người chụp ảnh mang một phần trách nhiệm một người ghi chép lại lịch sử, thay vì viết thì người phóng viên ảnh cầm máy ghi lại. Và quan trọng, tôi nhìn thấy tình cảm, cảm xúc của tôi phản ánh trên hàng ngàn những gương mặt tôi bắt gặp khắp nơi kia. Tất cả chúng ta đều đau chung nỗi đau của dân tộc. Lâu rồi, chúng ta không có dịp như thế. Tôi cứ nhìn mãi hàng người lặng lẽ xếp hàng trật tự cả cây số từ 30 Hoàng Diệu ra tận Lăng Bác, ai ai cũng mang trên người một chữ "Nhẫn" đẹp đẽ, tình cảm.
Anh cảm thấy thế nào khi bị cộng đồng “ném đá” khi nhắc nhở một người dân " phá hỏng khuôn hình?"
Tôi cũng thấy bực chứ, nhưng mà cảm giác ấy cũng trôi qua rất nhanh vì tôi cũng khá quen với những sự hiểu lầm, ganh ghét, đố kị rồi. Những thứ đó chỉ làm cho chính bản thân họ - những "nhà đạo đức bàn phím" phiền lòng thôi. Cuộc sống có bao điều phải lo toan phải làm mà họ dành quá nhiều "tâm tư tình cảm" cho mình thì chính họ mới thiệt.
Nhưng tôi rất buồn, không phải vì tôi bị oan mà vì mới 1 ngày thôi, khi tất cả chúng ta vẫn còn chưa hết xót xa, bàng hoàng khi tiễn ông ra đi thì cái đám đông ấy lại nhảy dựng lên, hung hãn với tất cả những lời lẽ kinh khủng hăng hái tuôn ra từ bàn phím - thứ mà chính họ vừa dùng để gõ ra những lời tốt đẹp về sự đau thương, sự xót xa về vị anh hùng dân tộc của chúng ta. Chính họ cũng có người xuống đường đưa tiễn ông cũng nên. Tôi buồn vì lẽ đó.
Anh có thể kể lại chi tiết hành động khi đó không?
Sau khi chụp ở Nhà tang lễ và ở Lăng Bác, tôi bắt xe ôm chạy ra khu vực Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, nơi tôi biết là sẽ có rất đông đảo nhân dân ra tiễn linh cữu. Tôi vào được phía trong vòng được bảo vệ, phía giữa đường do có thẻ tác nghiệp. Tôi chụp vài kiểu rồi thấy đoàn xe bắt đầu tới. Lúc đó thì có một bác lớn tuổi rất xúc động đã sụp xuống và khóc nấc lên rất thương cảm.
Tôi chạy đến và chụp, cùng với tôi có 1 bạn phóng viên ảnh trẻ cũng mới chạy từ số 5 Trần Thánh Tông về. Tôi nép sát hàng người chụp ra vì tôi muốn lấy hậu cảnh là đoàn xe, cậu ấy ngồi phía ngoài tôi một chút. Đột nhiên thì có một bác từ trong hàng người lao ra phía đối diện, cầm máy ảnh du lịch nhỏ chụp. Công an họ đang phải quay lưng ra phía ngoài chào đoàn xe nên không kiểm soát được. Tôi kêu lên: "Bác vào phía trong hộ tôi với, bác chắn hết rồi". Cả bạn kia cũng kêu thế.
Đoàn xe thì vẫn đi. Tôi nhớ bọn tôi nhắc bác ta gần chục lần nhưng bác ta vẫn đứng đó, lom khom chụp, cách hàng rào phải gần 2m, ra hẳn phía đường. Tôi chạy lại nắm cánh tay bác ta kéo về phía hàng người và nói "Chỗ của bác trong này, sao bác cứ nhảy tận ra đó thì ai còn làm được nữa" và tôi trở lại ngay, tất cả chỉ diễn ra trong vòng độ 5s và tôi chụp tiếp. Chuyện có vậy thôi. Tôi chả xô đẩy bác ấy làm gì cả, tôi mà xô thật thì bác ta đã bắn vào hàng rồi và cũng sẽ chẳng để yên đấy đâu. Chuyện ấy vẫn thường xảy ra khi bọn tôi đi làm, đang quay, chụp thì nhiều người nhảy vào hậu cảnh, làm sai biệt nội dung ban đầu chúng tôi muốn chuyển tải. Hơn nữa, tôi không muốn người ta nhìn vào cảnh chụp lễ tiễn linh cữu mà lại có người thì đang cảm xúc khóc thảm thiết trong khi một người lom khom chụp ảnh - người nước ngoài nhìn vào sẽ nghĩ gì?
Quay về chuyện chuyên môn nghề, tấm ảnh tôi chụp được chọn là ảnh trong ngày, nó được chụp trước khi người đàn ông kia nhảy ra. Đấy là một cảnh chân thực, việc bác ấy vào ảnh chính là làm sai lệch sự thật ấy. Nó là thực tế nhưng không phải sự thật tôi đang chuyển tải. Vậy thì là người trong nghề bạn thử nghĩ xem: sự thật nào mới là sự thật???
Mặt khác, cũng có người sẽ lý luận là đấy mới là sự thật vì thực tế nó diễn ra đúng thế, tôi không được can thiệp. Đây chả phải vấn đề can thiệp làm sai lệch nội dung. Nội dung, sự thật là một người đang khóc thương Đại tướng. Đấy là sự thật chứ không phải cảnh kia, vì nó không phản ảnh đúng thứ tôi nhìn thấy.
Anh có hình ảnh, nhân chứng nào có thể nói rõ vấn đề này không?
Tất nhiên là có bao nhiêu người ở đó biết, có cả bạn phóng viên ảnh Minh Hoàng ở đó cùng tôi mà. Bạn đọc những gì cậu ấy viết trên FB thì rõ. Hình ảnh, nhân chứng thực sự chứ không phải mấy cái nick ảo trên mạng vu cáo người khác chửi rủa, có quay clip mà mãi chả có cái clip nào trưng ra được. Nhưng mà thôi, chuyện này nhắc lại một lần thôi. Tôi coi như tai nạn nghề nghiệp và sẽ để ý hơn những lần sau thôi.
Xin cảm ơn anh!