Những ngày qua, sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam khiến hàng triệu triệu người dân trên cả nước xót thương. Trong cuộc đời 103 năm của mình, Đại tướng đã để lại trong lớp lớp những người dân Việt những ấn tượng tốt đẹp về một vị tướng tài giỏi, phong thái giản dị, gần gũi, thương dân…
Đại tướng có hai người vợ, người vợ đầu là liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (em gái của nữ sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai). Nhiều năm sau khi Quang Thái hy sinh khi bị bắt giam, Đại tướng lập gia đình với bàĐặng Bích Hà (con của cố Giáo sư Đặng Thai Mai – một người anh em, đồng chí thân thiết của Võ Nguyên Giáp thời trẻ).
Vào năm 1931, khi Võ Nguyên Giáp vừa tròn 20 tuổi, trên tuyến xe lửa từ Vinh (Nghệ An) đi Huế, “anh Văn” gặp một thiếu nữ có đôi mắt “thăm thẳm, mênh mang như nước mặt hồ", người đó chính là Quang Thái. Cũng trong năm đó, ông gặp lại người thiếu nữ trên chuyến xe lửa ngày nào tại nhà giam (khi ấy cả Võ Nguyên Giáp và Đặng Thai Mai, Nguyễn Thị Quang Thái bị thực dân pháp bắt, bà Quang Thái khi ấy mới 16 tuổi).
Sau khi được thả, trong lần ra Vinh cùng người anh, người bạn Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp gặp lại Quang Thái. Tình cảm giữa hai người bắt đầu nảy nở. Thế nhưng, khi vừa yêu nhau, cả hai lại phải xa cách. Những cánh thư như là cầu nối nuôi dưỡng tình cảm giữa hai người.
Lần Võ Nguyên Giáp lên tàu ra Hà Nội, trong một bức thư, bà Quang Thái bộc lộ sự nhớ mong và tình cảm chưa nói thành lời: “… trăm nghìn điều chưa nói. Những chuyện muốn nói với G trước khi G ra Hà Nội cũng chưa nói, viết chưa xong được… Mỗi lần đọc được lại thơ của G là TH lại phải nghĩ, phải áy náy, xốn xang lạ lùng…”.
Dù vậy, khi ở Hà Nội, công việc và học hành bận bịu nên Võ Nguyên Giáp ít có thời gian viết thư cho Quang Thái. Ở quê, lúc này có một số người lời ra tiếng vào không hay nên Quang Thái đã viết thư cho người thương. Bức thư đề ngày 1/5/1934 nói về sự tin tưởng tuyệt đối dành cho người yêu: “Liễu (một người bạn của Thái – Giáp) nghi ngờ về tư cách của G. Than ôi, Liễu ơi, có biết rằng nói ra như vậy sẽ làm cho G đau lòng. G yêu Th, Th yêu G; yêu nhau tức là hiểu nhau, tin nhau… Th không biết G ngày nay có khác G ngày xưa hay không, chỉ biết G yêu Th mà Th yêu G được thì Th yêu mà thôi…”.
Trong một bức thư khác, nữ liệt sĩ có viết: “… Th nhớ G lắm… ngồi đây, Th nhớ về một độ G mới về Vinh, Th với G nói chuyện rất lâu từ hơn 7 giờ đến 12 giờ đêm ở chỗ bàn tròn này bên mấy tập thơ G có nhớ không? Nhớ lại xem nào! Đêm ấy thật đáng ghi vào “thiên tình sử” của chúng ta…”.
Sau thời gian yêu nhau, vào tháng 9/1935 Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái nên duyên vợ chồng. Lễ cưới diễn ra khá gấp bởi lúc này bà ngoại của Quang Thái đột nhiên ngã bệnh, khó lòng qua khỏi.
Mỗi khi người yêu – người chồng đi xa, người vợ trẻ lúc ấy lại bồi hồi lo lắng: “Giáp đi phen này, Thái ở nhà nỗi nhớ nhung khó lòng khuây khỏa lắm…”. Có lúc tình cảm dâng lên mãnh liệt: “Nhờ 6 ngày nay mà Thái hiểu Giáp hơn và có ái tình mật thiết hơn xưa. Bây giờ mới đúng là ái tình chứ không phải ái tình 6 tháng trước kia…”.
Khi sinh con đầu lòng là Hồng Anh, bức thư gửi chồng của bà còn kể thêm những câu chuyện về con. Song mỗi bức thư bà gửi luôn chất chứa những nỗi buồn thương: “... Con anh đã ngủ từ lúc 8h. Nó vừa giở mình nằm nghiêng như người lớn… Giáp có biết lúc ở ga về Thái nghĩ gì không?... Nhớ những lần Thái tiễn Giáp ở Vinh ra Hà Nội, vừa đi như đi “trong mộng”. Thái không biết ai đi chung quanh mình nữa. Về ẵm con, tắm cho con rồi Thái bế nó đi rong trong nhà mãi. Nhà vắng, trời chiều, mẹ bế con rươm rướm nước mắt”.
Suốt gần mười năm tình nghĩa vợ chồng nhưng khoảng thời gian họ bên nhau thường ngắn ngủi. Tuy vậy, sự xa cách không làm cho tình cảm giữa hai người mờ nhạt mà họ càng trân trọng nhau hơn. Quang Thái vẫn một lòng chung thủy, hướng về chồng: “Tương lai với chúng mình khổ ư? Chúng ta có như ai mà mê giàu sang? Tinh thần, lý tưởng thì quyết bền vững, không như những thứ ái tình xốc nổi, yêu vì danh, lợi, tài, sắc”.
Có một điều đặc biệt là hầu như các bức thư gửi người người yêu, sau này là chồng, bà Quang Thái đều xưng tên “Giáp” và “Thái”. Chỉ một số ít bức thư bà xưng “anh”, “em” nhưng tình cảm vẫn mặn nồng, son sắt qua từng con chữ.
Hơn 100 bức thư của nữ liệt sĩ gửi chồng đều được Đại tá Nguyễn Huy Văn (Ban liên lạc Việt Nam Giải phóng quân) lưu giữ cẩn thận, bản gốc được gửi cho Giáo sư Hồng Anh (con gái đầu của Đại tướng và liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái, đã qua đời năm 2009).