TIN TỨC » Dòng sự kiện

Những "nữ xe ôm" vùng sông nước

Thứ hai, 19/09/2011 17:08

Họ có sổ đò, trả phí đò như người ta cần giấy đăng kí xe máy, phí gửi xe trên đất liền, họ chở mọi thứ từ gạo, nước, cá mắm, và khi khách có nhu cầu muốn thăm quan làng chài, họ sẵn sàng đưa đón với cái giá rất bình dân.

Xóm chài xinh xắn nằm dưới chân núi Bài Thơ, sát chợ Hạ Long I. Mưu sinh trên xóm chài không chỉ những gia đình đánh cá, nuôi cá trên bè mà còn có những nữ chèo đò, như những “nữ xe ôm” trên biển.

Một ngày của những “nữ xe ôm” bắt đầu từ 3 rưỡi sáng, khi tàu cá ngoài khơi đã về, và kết thúc lúc 7 giờ tối, khi xóm chài đã nghi ngút khói cơm chiều. Người ta sẽ thuê các chị chèo cá, tôm, mực từ tàu, bè cá vào bờ, hoặc chở người từ bờ ra ngoài tàu lấy hàng. Xong hàng cho giờ chợ sáng, những nữ chèo đò chở hàng theo nhu cầu của những người ngoài bè nổi, bao gạo, mớ rau, két nước. Mỗi chuyến đò có giá từ 10-30 ngàn.

Những chiếc đò tập kết ở sát chợ Hạ Long, chờ đến “lốt” của mình.
Một phụ nữ mải miết với chiếc mủng - phương tiện mưu sinh mỗi ngày.
Một chuyến đò chở khách ra bè cá.
Thi thoảng trên bến cũng có những chiếc đò máy, chở hàng nhanh hơn, nhàn hơn.

Mùa du lịch, hoặc ngày cuối tuần, những chuyến đò của các “nữ xe ôm” bận rộn hơn với những chuyến chở khách ra ngoài vịnh thăm quan cuộc sống trên những bè nổi. Tùy thời gian đi, số lượng khách và đối tượng khách du lịch, các cô ra giá khác nhau, nhưng nhìn chung rất bình dân. Học sinh, sinh viên xuống đò, có khi chỉ  mấy chục ngàn, cũng được tận tình đưa đón.

Đò trên xóm chài Hạ Long có cả đò máy, thuyền nan, nhưng nhiều hơn cả vẫn là thuyền nan. “Khách du lịch có khi thích thuyền nan hơn vì độc đáo” - cô Bình - một nữ chèo đò cho biết. Trên chiếc thuyền nan, mỗi “nữ xe ôm sóng nước” còn kiêm cả hướng dẫn viên cho những tò mò của du khách về các loại thuyền, các loại cá và cuộc sống trên bè nổi. “Để chở hàng, hay chở khách, cũng như làm ăn trên bờ thôi, phải theo “lốt”, không phải muốn chèo là chèo đâu, thế thì giàu to” - “nữ xe ôm” Bình cười lớn.

Quần áo dài, nón che, nụ cười, giọng nói sang sảng, nước da bánh mật, ấy là đặc điểm chung của những “nữ xe ôm sóng nước”. Trẻ tuổi nhất là 35, lớn tuổi nhất đã 55, những phụ nữ này đều sinh ra, lớn lên gần biển Hạ Long. Họ ở trên bờ vùng Cao Xanh, Cọc 5, hoặc có nhà nổi ngay trên vịnh, chồng, con đánh cá, vợ chèo đò. Những năm gần đây, nhiều người đàn ông thôi nghề cá đi làm thợ xây, mỏ than để có thu nhập ổn định hơn.

Những “nữ xe ôm sóng nước” mong muốn gặp những chuyến chở khách du lịch để có thu nhập cao hơn.
Quét lại hắc ín cho chiếc mủng- công việc thường xuyên của những nữ chèo đò.
Cô Đỗ Thị Hằng, 51 tuổi- đã 17 năm cầm mái chèo mưu sinh trên làng chài Hạ Long. Trên đầu con đò là ít cá tranh thủ phơi nắng gió cho bữa cơm đạm bạc.

Cô Đỗ Thị Hằng, 51 tuổi (phường Cao Xanh - TP Hạ Long) - làm “xe ôm sóng nước” đã được 17 năm. Cô cho biết “ban đầu mới vào nghề, chèo đau tay, đau lưng lắm, nhưng sau dần quen, không đi chèo là thấy nhớ”! Mỗi ngày cô Hằng kiếm được trung bình hơn 100 ngàn tiền chở hàng, chở khách. “Nếu gặp may có nhiều khách du lịch, vừa nhàn, lại kiếm được đến hơn 300 một ngày”.

Mưa bão cũng như khi biển bình yên, trong dông gió, những chiếc thuyền nan vẫn ngày ngày neo đậu trên bến cá chợ Hạ Long sát chân núi Bài Thơ, chờ những tiếng gọi “đò ơi”. “Những nữ xe ôm sóng nước” bao năm qua vẫn tần tảo với mái tóc khét nắng, bàn tay to bè cầm mái chèo. Hạnh phúc nhỏ bé của họ là thấy con cái được học hành đàng hoàng, có công việc không phải lênh đênh sóng nước…

Báo Lao động