Phóng viên đã có mặt tại Bắc Giang trước ngày xét xử để chuyển tải thông tin liên quan đến vụ án…
Lê Văn Luyện chỉ có chút ám ảnh về tội ác của mình
Sau hơn bốn tháng bắt giam để điều tra và chờ ngày xét xử, Lê Văn Luyện béo hơn nhiều so với ngày bị bắt mặc dù đã có nhiều đêm mất ngủ và ám ảnh về tội lỗi mình gây ra. Theo luật sư Nguyễn Bá Ngọc, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo đã có cuộc tiếp xúc cuối cùng với Luyện vào ngày cuối tuần qua thì: Trước ngày "hầu" tòa, sức khỏe và tinh thần tương đối ổn định. Bởi đến thời điểm này, Luyện cũng đã biết mình được hưởng rất nhiều tình tiết giảm nhẹ, và đặc biệt Luyện chưa đủ tuổi thành niên nên sẽ không bị xử tử hình. Chính vì vậy, Luyện cũng đã nói nhiều hơn và dường như vui vẻ hơn.
Tính đến thời điểm này, chưa có bất kỳ thông tin nào về chuyện gia đình cháu Bích có yêu cầu đền bù thiệt hại hay không. Tuy nhiên nếu trong phiên tòa tới đây, yêu cầu này được đưa ra thì tòa sẽ xem xét và khoản bồi thường có thể sẽ không hề nhỏ. Luyện chưa đủ 18 tuổi tại thời điểm gây án, nhưng khả năng Luyện bị tuyên 18 năm tù (mức án cao nhất đối với người phạm tội khi chưa đủ 16-18 tuổi) là rất cao.
Nhiều tình tiết mới
Thẩm phán Thân Quốc Hùng, chủ tọa phiên tòa cho biết, vụ án sẽ được xét xử công khai, mọi công tác chuẩn bị cho phiên tòa đã tương đối hoàn tất. Trong phiên tòa này, Lê Văn Luyện sẽ bị truy tố về các tội "Giết người", "Cướp tài sản" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Theo đó, tháng 3-2011, Lê Văn Luyện đi làm thợ xây tại địa bàn huyện Từ Liêm và quận Ba Đình, Hà Nội. Luyện cùng làm với anh Trương Văn Nhị, SN 1975, là chú họ Luyện và một số người ở cùng thôn. Khoảng 8g ngày 12-8-2011, Luyện hỏi anh Nhị cho mượn chiếc xe máy BKS 98N4-7155 mục đích để về quê chơi. Luyện nói dối anh Nhị mượn xe máy để đi đo khối lượng công trình. Nghe vậy, anh Nhị đã đồng ý và cho Luyện mượn xe. Sau khi mượn được xe, Luyện đi xe máy đèo Vũ Văn Quân, SN 1993, ở cùng thôn là thợ xây cùng làm với Luyện đi từ Hà Nội về Lục Nam. Khi về đến phố Sàn, thuộc xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, Quân xuống xe vào quán chơi điện tử, còn Luyện đi xe máy về nhà. Sau khi ăn cơm trưa, Luyện đi xe máy của chú từ nhà mục đích đến xã Vô Tranh, huyện Lục Nam chơi. Trên đường đi, Luyện nảy sinh ý định đem chiếc xe máy của anh Nhị đi cắm lấy tiền tiêu xài. Nghĩ là làm, Luyện đi xe máy đến hiệu cầm đồ của gia đình chị Ngô Thị Nga, SN 1985, ở xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam cắm được 5,5 triệu đồng. Sau khi cắm xe, Luyện rủ Lê Văn Điệp, SN1993 (là bạn ở cùng thôn đang làm thợ xây ở Hà Nội) đến nhà chị Nguyễn Thị Huyền, SN 1986, là người quen của Luyện ở thôn Thượng, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội chơi. Đến ngày 14-8-2011, Điệp đi về quê trước còn Luyện tiếp tục ở lại nhà chị Huyền chơi. Ngày 15-8-2011, Luyện đón xe khách về Bắc Giang đi chơi lang thang và vào các quán chơi điện tử tại địa bàn huyện Lục Nam và TP Bắc Giang. Khi tiêu hết số tiền cắm xe, hắn ta đã nảy sinh ý định cướp tiệm vàng...
Ngày 20-8-2011, Luyện đến nhà Tạ Văn Giang, SN 1993, là bạn của Luyện ở thôn Đồng Trắng, xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn chơi. Luyện nhờ Giang đưa đến chợ thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn để mua dao và chuẩn bị hung khí và chọn thời cơ ra tay sát hại cả gia đình tiệm vàng Ngọc Bích để cướp vàng.
Trong vụ án này còn có 6 bị can là người nhà của Luyện cũng bị đưa ra xét xử trong phiên tòa, đó là Lê Văn Miên (bố Luyện), Trương Thanh Hồng (anh họ), Trương Thị Định (cô ruột), Trương Văn Nghi (chú rể), ông Trương Văn Hợp (bác họ) và bà Dương Thị Lược (vợ Trương Văn Hợp). Những người này bị truy tố về các tội danh che giấu và không tố giác tội phạm.
Phỏng vấn Thẩm phán, Chủ tọa Thân Quốc Hùng Phiên tòa sẽ thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước. Trước ngày phiên tòa khai mạc, PV đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với Thẩm phán Thân Quốc Hùng, Phó Chánh tòa hình sự TAND tỉnh Bắc Giang, Chủ tọa phiên tòa.
PV: Chỉ còn hai ngày nữa, phiên tòa xét xử Lê Văn Luyện sẽ diễn ra, vậy công tác chuẩn bị đối với phiên tòa này đến nay ra sao, thưa thẩm phán? Công tác chuẩn bị cho phiên xử Lê Văn Luyện vào ngày 10 và 11-1-2012 tới đã được hoàn tất. Dự kiến phiên tòa sẽ thu hút rất nhiều người dân cũng như dư luận quan tâm nên lãnh đạo TAND tỉnh Bắc Giang đã bố trí xét xử vụ án tại Hội trường số 2. Công tác bảo vệ an ninh phiên tòa sẽ do lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp CA tỉnh Bắc Giang phụ trách. PV: Qua tiếp nhận và đọc hồ sơ, thẩm phán thấy vụ án Lê Văn Luyện có gì nổi cộm và khác so với các vụ án hình sự khác? Qua công tác tiếp nhận cũng như đọc hồ sơ cho thấy rằng vụ án của Lê Văn Luyện là đặc biệt nghiêm trọng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết ba người và bị thương một người. Bên cạnh đó, bị cáo của vụ án này lại là người chưa thành niên, bởi vậy dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. PV: Có ý kiến cho rằng, mức án xử Lê Văn Luyện tối đa chỉ có 18 năm. Theo thẩm phán, người giữ cương vị chủ tọa phiên tòa, ông nghĩ như thế nào về điều này? Theo quy định của pháp luật, người chưa thành niên phạm tội được hưởng chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định tại các Điều 68, 69, 74, 75 BLHS. TAND tỉnh Bắc Giang sẽ xét xử đúng theo quy định của pháp luật. PV: Tội ác của Lê Văn Luyện đã rõ, vậy theo thẩm phán có điều khoản nào để áp dụng tuyên án vượt mức 18 năm hay không? Phán quyết phải dựa trên cơ sở xét xử công khai tại phiên tòa và trên cơ sở đánh giá toàn diện chứng cứ tại phiên tòa. Mức án như thế nào là do HĐXX quyết định áp dụng theo quy định của pháp luật. PV: Vụ án này đặc biệt nghiêm trọng. Thành viên HĐXX được lựa chọn như thế nào, thưa thẩm phán? Những người tham gia HĐXX vụ án này được Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang phân công. Chúng tôi là thẩm phán được giao nhiệm vụ thì sẽ thực hiện đúng trách nhiệm cũng như quyền hạn của mình tại phiên tòa. Còn lựa chọn như thế nào thì điều này do Chánh án quyết định. PV: Vụ án Lê Văn Luyện đặc biệt nghiêm trọng và thu hút rất nhiều người dân cũng như dư luận quan tâm. Là chủ tọa điều hành phiên tòa, thẩm phán có bị áp lực không? Khi tham gia xét xử vụ án Lê Văn Luyện, tôi khẳng định sẽ không có một áp lực nào. Bởi đây là công việc thường nhật mà bất cứ thẩm phán nào được giao nhiệm vụ cũng có thể làm được. Là một thẩm phán, đối với bất kỳ vụ án nào khi tôi nhận được hồ sơ thì cũng nghiên cứu kỹ những tình tiết trong hồ sơ vụ án cũng như quá trình xét xử để đưa ra phán quyết đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, không làm oan và không bỏ lọt tội phạm. Và vụ án này cũng không nằm ngoài quy trình chung đó. PV: Xin cảm ơn thẩm phán!