Siêu bão là gì?
GS.TS Lê Đình Quang, Phó giám đốc Trung tâm KH - CN Khí tượng và Thủy văn cho biết: Siêu bão là cách quy định của các Trung tâm khí tượng vùng hoặc khu vào nào đó đặt ra để chỉ cường độ rất mạnh của bão (thường vượt quá cường độ trung bình của các cơn bão bình thường).
Theo qui định chung ở Tây Thái Bình Dương (khu vực có VN), khi sức gió không quá 63km/giờ thì người ta gọi đó là áp thấp nhiệt đới (tropical depression), từ 63-88km/giờ: bão nhiệt đới (tropical storm); từ 89-117km/giờ: bão nhiệt đới dữ dội (severe tropical storm) và từ 118km/giờ trở lên: bão lớn (typhoon).
Cũng là vùng Tây Thái Bình Dương nhưng theo qui định của Trung tâm Cảnh báo bão chung hải quân Mỹ đặt tại Guam, khi bão đạt mức gió trên 115knot (213km/giờ) gọi là siêu bão (super typhoon).
Đối với thang xếp hạng Saffir-Simpson dành cho vùng Đại Tây Dương và Đông Thái Bình Dương, khi bão ở mức trên 117km/giờ thì được phân chia theo năm cấp về sức gió. Theo đó, ở cấp 1 sức gió tối đa trong khoảng 118 - 153km/giờ, cấp 2 (154-177km/giờ), cấp 3 (178-209km/giờ), cấp 4 (210-249km/giờ), và cấp 5 (trên 250km/giờ) thì được gọi là “siêu bão” vì sức gió vượt quá 249km/giờ. Một qui định khác là khi áp suất đạt dưới 920 HPA thì được xếp vào hàng siêu bão.
Những trận siêu bão kinh điển
Siêu bão Vera tháng 9/1959 - Bão mạnh nhất
Đây là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử Nhật Bản đã từ biển tiến vào vùng lãnh thổ phía Đông Nam đất nước Mặt trời mọc, gây ra những hậu quả kinh hoàng. Không dừng lại ở đó, cơn bão tiếp tục quét thẳng về phía Đông Bắc và gần như phá nát thành phố đông đúc Nagoya. Thống kê thiệt hại sau cơn bão khiến không ít người bàng hoàng, khi 5.098 người thiệt mạng và 38.000 người khác bị thương.
Bão Bhola tháng 12/1970 - Bão gây thiệt hại lớn nhất
Bão Bhola gây thiệt hại lớn nhất. Ảnh wiki
Gây thiệt hại về người lớn nhất trong lịch sử là trận bão Bhola năm 1970 tại Bangladesh. Cơn bão hủy diệt này đã cướp đi sinh mạng của 500.000 người dân, làm 100.000 người mất tích, xóa sổ nhiều làng mạc, nhà cửa, khiến hàng chục nghìn gia đình rơi vào cảnh tang thương, hàng trăm nghìn người mất người thân và trở nên vô gia cư, không nơi nương tựa. Bão Bhola được ghi nhận là cơn bão có sức hủy diệt gây ra hậu quả nặng nề nhất trong lịch sử hiện đại của nhân loại.
Siêu bão Nina tháng 8/1975
Là một trong những cơn bão nguy hiểm nhất châu Á được lịch sử ghi nhận, bão Nina hoành hành chỉ trong thời gian rất ngắn nhưng vô cùng mạnh mẽ ở Trung Quốc, đã cướp đi mạng sống của khoảng 100.000 người. Cơn bão đã khiến tổng số 62 con đập bị vỡ, trong đó có đập Banquiao ở tỉnh Hà Nam, khiến hàng ngàn người bị nước lũ cuốn trôi và nhiều triệu người khác lâm vào tình cảnh mất nhà cửa.
Siêu bão ở Hải Phòng tháng 10/1881
Có lẽ ít người Việt Nam biết về cơn bão này, bởi nó hiếm khi được các phương tiện truyền thông đại chúng nhắc đến. Tuy nhiên, nó đã gây ra những hậu quả vô cùng lớn về người. Nếu tính theo thang bậc hiện tại, cơn bão đổ bộ vào Hải Phòng tháng 10/1881 chỉ đạt sức gió ở cấp 13-14, chưa là gì so với những siêu bão ngày nay. Thế nhưng, cơn bão đó đã cướp đi sinh mạng của khoảng 300.000 người dân ở Hải Phòng. Số liệu này được một tờ báo uy tín của Việt Nam kiểm chứng qua Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương. Họ trả lời rằng không thể xác định được con số chính xác, nhưng cũng không phủ nhận.
Bão Forrest tháng 9/1983 - Bão tăng cường độ nhanh nhất
Đó là bão Forrest ở Tây Bắc Thái Bình Dương hồi tháng 9/1983. Nó giảm áp từ 976hPa (đơn vị áp suất bão) xuống còn 876hPa trong chưa đầy 24 giờ để đẩy sức gió từ 120 lên 285km/h.
Bão John từ 11/8 đến 10/9 năm 1994 - Bão có đường đi dài nhất
Bão John năm 1994 ở Thái Bình Dương giữ 2 kỷ lục về đường đi dài nhất và thời gian hoạt động lâu nhất. Bão hình thành từ ngày 11/8 và đến ngày 10/9 mới tan, di chuyển trên một quãng đường dài 13.000km, từ Đông sang Tây và quay về vùng trung tâm Thái Bình Dương.
Siêu bão Morakot tháng 8/2009
Cơn bão đã gây ra lượng mưa kỉ lục tại Đài Loan, khiến lũ lụt xảy ra trên diện rộng kèm theo lở đất, làm khoảng 600 người thiệt mạng. Sau siêu bão Morakot, chính phủ Đài Loan đã cảnh giác cao độ trong công tác phòng chống thiên tai. Mùa hè năm 2011, nước này đã thành công trong công tác ứng phó với cơn bão Nanmadol, khi lập tức sơ tán 8.000 dân và huy động 22.000 binh sĩ sẵn sàng làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả do bão.
Siêu bão Marie tháng 9/1954
Cơn bão này đổ bộ vào Nhật Bản tháng 9/1954 với sức tàn phá vô cùng lớn. Cơn bão tràn qua hòn đảo Hokkaido nằm ở cực bắc Nhật Bản, và là nguyên nhân đánh đắm con tàu Toya Maru, làm khoảng 1.153 người có mặt trên tàu thiệt mạng. Theo các nhà chức trách, con tàu bị đắm trên eo biển Hokkaido khu vực ở giữa hai hòn đảo Hokkaido và Honshu. Tổng số người thiệt mạng bởi siêu bão Marie là 1.361 người, ngoài ra còn có 400 người khác mất tích.
Siêu bão Utor tháng 8/2013
Mới đây nhất là siêu Utor đang tiến vào Biển Đông với sức gió giật cấp 16, cấp 17. Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hồi 01 giờ ngày 12/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 122,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam đảo Lu – Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183km một giờ), giật cấp 16, cấp 17. Tại Philippines, siêu bão Utor gần phía Đông Bắc Phillipine đã khiến ít nhất 47 ngư dân mất tích và hơn 7.500 hành khách bị kẹt lại các bến tàu.