Vụ trộm ấn vàng và gia đình “12 con giáp”
Vào một ngày cuối tháng 6/1961, Bảo tàng Lịch sử phát hiện một số hiện vật trưng bày bị mất, trong đó có chiếc ấn vàng của Hoàng hậu nhà Nguyễn nặng 4,9kg và 1 hộp vàng khác nặng 0,5kg. Đây là chiếc ấn đẹp, tinh xảo nhất trong số 32 chiếc ấn bảo tàng đang lưu giữ.
Vụ án hết sức nghiêm trọng được Bộ Công an tiếp nhận nhưng khá “tắc” vì hiện trường vụ án không giữ lại được, không ai xác định được thời điểm mất ấn. Nửa năm sau, Sở Công an Hà Nội nhận tin báo vụ trộm thứ 2 ở bảo tàng này. Đồ bị mất là chiếc ấn “Cao đức Thái hoàng Thái hậu” bằng bạc mà vàng và 2 quyển kim sách cũng bằng bạc mạ vàng khắc chữ “Bảo long”, “Khải Định thập niên”.
Hiện trường vụ án lập tức được tiếp cận, bảo vệ. Công an thu được nhiều dấu vết, trong đó có 1 lá thư bị xé rách làm 4 mảnh của người có tên Đỗ Mộng Dần (xã viên một lò gạch nào đó) viết thư hỏi thăm các em là Ất, Mão, Giáp (đang học ở một lớp hàm thụ), có các con hoặc cháu có tên Trung, Phong, Thanh…
Ban chuyên án tung lượng lớn trinh sát điều tra ở khắp 11 tỉnh thành miền Bắc, kiểm tra từng nhân khẩu trong sổ điều tra dân số đến cấc lớp học hàm thụ của 15 bộ, 17 tổng cục, 25 sở, rà khắp các lò gạch lân cận Hà Nội… để truy tìm những người trong 1 gia đình đặt tên theo năm sinh.
Theo hướng điều tra này nhưng cũng phải 5 tháng sau, một trinh sát mới phát hiện ở Kim Bảng (Hà Nam) có người tên Đỗ Mộng Dần, có con là Ất làm thợ nề ở một công trường ở Bạch Mai (Hà Nội). Nét chữ của người này hoàn toàn trùng khớp nét chữ trên bức thư thu giữ được ở hiện trường vụ trộm ấn tại bảo tàng.
Trinh sát sau đó xác định được Ất có mối quan hệ với một số đối tượng nghi vấn tiêu thụ nhiều vàng và truy ra đối tượng Nguyễn Văn Thợi có vân tay trùng khớp dấu vân để lại hiện trường. Qua đấu tranh, xét hỏi, Thợi đã khai nhận mình chính là thủ phạm vụ trộm ấn thứ nhất tại Bảo tàng Lịch sử.
Xóa xổ băng cướp đường gieo kinh hoàng trên quốc lộ
Giữa năm 1989, dư luận khắp khu vực từ miền Trung (Quảng Bình) ra đến biên giới phía bắc (Hà Bắc, Quảng Ninh) rất căng thẳng, hoang mang vì liên tiếp những vụ án bọn cướp dùng súng, chặn xe cướp tài sản trên các tuyến quốc lộ. Tất cả các vụ án đều do một băng cướp tự xưng là Bạch Hải Đường gây ra. Nhóm cướp có 3 tên là Nguyễn Văn Phái, Vũ Văn Huy (tự Lý Tử Long, Đinh Phong Ba), Nguyễn Văn Huy, đều ở Quảng Ninh.
Tổng Cục cảnh sát lập chuyên án, cử Phó Tổng Cục trưởng Đỗ Hùng phụ trách việc phá án, tiêu diệt băng cướp. Cuối tháng 8/1989, công an bắt được Nguyễn Văn Huy tại Hưng Yên. Huy khai nhận cùng Khái (tướng cướp băng Bạch Hải Đường) dùng súng AK và lựu đạn chặn cướp 2 ô tô tại chân đèo Họa My, phía Hoành Bồ, Quảng Ninh gần 2 tháng trước đó.
Khi công an đang tích cực truy tìm ở các tỉnh phía bắc, tháng 11 năm đó, một loại vụ dùng súng chặn cướp xe lại xảy ra ở Đèo Ngang (phía Quảng Bình). 2 tên cướp mang “chó lửa” cứ xe nào không chịu dừng là bắn thẳng vào xe. Một đêm, nhóm cướp đã chặn 3 xe vào Nam, 2 xe ra Bắc, nổ súng vào 2 xe, làm chết 2 người, bị thương nhiều người khác.
Nhóm cướp sau đó chạy vào rừng. Công an Quảng Bình đã triển khai nhanh, truy bắt được 1 tên chính là Vũ Văn Huy. “Tướng cướp Bạch Hải Đường” chạy thoát.
Tổng Cục cảnh sát đã chỉ đạo Công an các tỉnh Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh huy động tối đa lực lượng trinh sát vào việc truy bắt “tướng cướp” tại các cửa khẩu, đường tiểu ngạch qua biên giới, bờ biển, hóa trang mật phục giăng bẫy, in ảnh truy nã khắp nơi.
Lùng khắp khu vực Quảng Ninh (quê Phái), Thanh Sơn, Sơn Động (Hà Bắc) – nơi vợ hai của Phía trú ngụ, mật phục ngày đêm mà không có kết quả, trinh sát sau đó mới dò la được tin từ Đèo Ngang, “tướng cướp” băng rừng, theo đường sắt ra ga Đồng Hới, nhảy tài ra Hà Nội rồi đi tiếp lên Thái Nguyên trốn chạy. Cuối tháng 2/1990 công an tỉnh này bắt được Phái.
“Tướng cướp Bạch Hải Đường” bị kết án tử hình cùng đồng bọn Vũ Văn Huy. Tên cướp đầu tiên sa lưới nhận án 15 năm tù. Băng cướp Bạch Hải Đường gieo rắc nỗi kinh hoàng trên các tuyến quốc lộ bị xóa sổ.
Khánh “trắng” và nhóm xã hội đen "nổi danh" đất Bắc
Cuối tháng 5/1996, trên phố Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội xảy ra vụ cướp tài sản rất táo bạo, trắng trợn. Bọn cướp gần 40 tên đi trên 4 xe tải đến đập phá, lấy đi tài sản của 2 gia đình, trị giá 300 triệu đồng.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ (Bộ Công an bây giờ) quyết định lập chuyên án, xác định kẻ cầm đầu, chỉ huy đàn em đến cướp đoạt, “xiết nợ” là Dương Văn Khánh (Khánh “trắng”). 4 giờ sau khi có quyết định phá án, hàng chục tay chân đắc lực của Khánh “trắng” đã bị bắt ở các địa điểm khác nhau. Khánh cũng bị bắt ít ngày sau đó.
Không thiếu chứng cứ quy kết Khánh “trắng” trong vụ này nhưng mục tiêu của ban chuyên án là đấu tranh làm rõ nhiều vụ trọng án khác xảy ra 5 năm trước. Nhân thân của Khánh được dựng lại: một tay lưu manh đã 5 lần bị bắt, phạt tù. Mãn hạn, Khánh đạp xích lô kiếm sống tại gầm cầu Long Biên, tập hợp xung quanh nhiều đàn em có tiền án, tiền sự.
Năm 1991, Khánh “trắng” được phép lập đội trật tự - dịch vụ bốc xếp tự quản thâu tóm toàn bộ địa bàn chợ Đồng Xuân, Bắc Qua và khu vực xung quanh. Tiếp đó, Khánh được cấp giấy phéo kinh doanh bốc xếp, thành lập nghiệp đoàn bốc xếp – một tổ chức công đoàn ngoài quốc doanh đầu tiên, vào loại lớn nhất Hà Nội với quân số lên đến 500 người, hơn 300 là đoàn viên công đoàn.
Với danh nghĩa này, Khánh tổ chức nhiều vụ giết người, cướp, cưỡng đoạt tài sản... Khắp khu vực chợ Đồng Xuân, Long Biên ai cũng sợ hãi, không ai dám tố giác.
Công an lật lại vụ án giết người cuối tháng 3/1991, làm rõ Khánh “trắng” là người đâm chết 1 người khách trên xe xích lô của mình tại phố Hàng Chiếu và dàn xếp cho đàn em là Vũ Quốc Dũng nhận tội thay. Dũng sau đó chỉ nhận án 1 năm tù giam về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ.
Động viên Dũng và nhiều đối tượng khác khai báo, cùng tài liệu giám định thương tích, giám định pháp y, thực nghiệm điều tra lại, cơ quan điều tra đã có đủ căn cứ kết luận Dũng chỉ là “tốt thí”. Chính Khánh “trắng” là người dùng con dao lấy được của Dũng đâm người khách trên xích lô 3 nhát sau khi đã khóa chân nạn nhân trên chiếc xe này.
Trong quá trình lật lại vụ án này, ban chuyên án cũng cử điều tra viên cùng lúc đến 6 trại giam ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa lấy lời khai hàng chục phạm nhân để làm rõ vụ 1 bị can bị đánh chết tại buồng giam 15A (trại giam Hà Nội) năm 1994. Khai thác mở rộng, Công an xác định được thủ phạm là Nguyễn Tiến Thắng (Thắng “trố”) - em cùng mẹ khác cha với Khánh “trắng” và Đặng Đức Thắng (Thắng “ngựa”) là thủ phạm chính.
Toàn bộ chuyên án đã khởi tố, phục hồi điều tra 9 vụ án khác với 48 bị can liên quan nhóm của Khánh “trắng”. 2 anh em Khánh “trắng” và Thắng “trố” bị kết án tử hình sau đó.