Chuyện kể của người tháo ngòi nổ
Đại tá Nguyễn Văn Quyền - Trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự CATP Hà Nội cho biết: Gói thuốc nổ mà hung thủ gây án - Tạ Văn Thanh (SN 1987), ở huyện Yên Dũng, Bắc Giang xách vào cửa hàng vàng Hoàng Tín, sau đó bị nhân viên ở đây ném ra ngoài, trọng lượng khoảng hơn 1kg, đã được đối tượng kích nổ bằng điều khiển từ xa trên đường tháo chạy. Khối thuốc thứ hai chưa kịp phát nổ, đã bị cơ quan công an vô hiệu hóa. “So với khối thuốc nổ đã gây thương vong cho 14 người, quả nổ thứ 2 nguy hiểm và được chế tạo tinh vi hơn”.
Những ngày qua, PV đã trở lại hiện trường xảy ra vụ việc, hỏi nhiều nhân chứng có mặt thời điểm đó, tìm kiếm những có thông tin ít ỏi để có thể gặp được người cán bộ công an này. Người dũng cảm tháo ngòi quả nổ có sức công phá gấp nhiều lần quả “mìn” mà Tạ Văn Thanh kích hoạt, và có lẽ đã cứu mạng nhiều người dân hôm đó, là một chiến sỹ thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội (xin giấu tên).
Anh kể: Cuối giờ sáng 21/6, đơn vị nhận lệnh điều động từ Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, xuất 2 xe chữa cháy cứu chữa vụ nổ gas ở 124 Nguyễn Thái Học. Khi xe đến ngã ba đường Giảng Võ - Nguyễn Thái Học thì đường kẹt cứng, hàng trăm người dân hiếu kỳ từ nhiều nơi đổ về xem. “Tôi cùng một số đồng đội nhảy xuống xe, chạy bộ đến hiện trường nắm tình hình thì biết không phải nổ gas” - anh nhớ lại. Những người bị thương đã được đưa đi cấp cứu, xung quanh hiện trường vương vãi nhiều mảnh vỡ. Vỉa hè - nơi quả “mìn” đầu tiên phát nổ bị xé toác, khoét sâu xuống lòng gần 30cm. Nhân viên bảo vệ chỉ ra ngoài đường Nguyễn Thái Học, cách quả “mìn” phát nổ hơn 1m hoảng hốt: “Còn một quả “mìn” chưa nổ ở đằng kia”.
Bất chấp nỗ lực ngăn cản của số ít cán bộ công an có mặt ở hiện trường những phút đầu, cả trăm người dân hiếu kỳ từ đâu đổ xuống lòng đường, đoạn trước cửa hàng vàng Hoàng Tín. “Dù nhiều người trong họ biết có kẻ vừa đặt mìn cướp hiệu vàng, nhưng dường như không ai sợ sệt, cứ vây quanh chúng tôi”. Gói thuốc nổ thứ 2 được hung thủ buộc chặt bằng nilon, lớp ngoài bọc giấy, to bằng 2 bát tô úp ngược vào nhau, trọng lượng trên 2 kg. “Khối thuốc nổ lộ ra 4 sợi dây điện, 2 sợi đã tuốt vỏ. Một sợi gắn cố định vào cực âm của viên pin con thỏ, đầu dây kia rời ra cực dương viên pin chừng 1cm” - chiến sỹ PCCC kể. Hiện trường lúc đó rất đông người. Nếu ai đó hét lên có mìn chắc sẽ làm nhân dân sợ hãi, dẫm đạp lên nhau mà chạy. Một mặt kêu gọi người dân tránh xa khu vực nguy hiểm, anh chỉ đạo cho 2 xe chữa cháy xếp dọc giữa đường Nguyễn Thái Học, mục đích tạo lớp “áo giáp” ngăn cách người dân và quả nổ, phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.
“Hai kíp nổ được gắn chặt vào bên trong khối thuốc không thể giật ra, trong khi tôi chưa rõ cơ cấu điều khiển, kích nổ quả “mìn” lớn này” - anh cho biết. Nói dại nếu mìn nổ, không chỉ anh em cảnh sát có mặt ở tại vòng trong, mà nhiều người dân vây xung quanh chắc khó tránh khỏi thương tích. Anh hô hào đồng đội di tản người dân ra xa khu vực các xe chữa cháy, rồi quyết định… “tháo ngòi”. Cơ hội lúc này là 50/50. Nếu cứ để thời gian trôi tự do, không may đối tượng kích nổ mìn thì tai họa sẽ khôn lường. Sau ít phút quan sát tỉ mỉ cách thức chế tạo, đấu nối dây, kíp nổ, lắp đặt khối mìn, anh bình tĩnh tách rời phần dây điện khỏi cực dương viên pin, nhẹ nhàng gỡ bỏ cục pin nhỏ được gắn cố định.
“Chỉ 2 thao tác ấy thôi mà khi quyết định làm cũng khiến tôi vã mồ hôi” - anh nhớ lại. Dù được đào tạo chuyên ngành về PCCC, bản thân được học các kỹ năng xử lý mìn, lựu đạn, nhưng đây là lần đầu tiên anh “va” với thực tế. Hiện trường không phải bãi đất trống như lúc học, mà có cả trăm người xung quanh”. Khi đã vô hiệu quả nổ, anh loạng choạng đứng dậy do quá căng thẳng, lấy một miếng nhựa che lên trên khối thuốc, bàn giao cho lực lượng công an cơ sở phong tỏa.
Có hay không đồng phạm thứ ba?
Theo lời khai ban đầu của Tạ Văn Thanh tại cơ quan công an, 2 quả nổ đều do anh ta trực tiếp chế tạo, qua sự hướng dẫn của bạn bè làm nghề khai thác đá ở Lạng Sơn. Tuy vậy, nghiên cứu về cơ chế, kích hoạt quả nổ của các chuyên gia Kỹ thuật hình sự cho thấy, trong 2 quả nổ đối tượng mang theo, một quả kích nổ bằng điều khiển từ xa, quả kia bằng điện thoại di động. Liệu một đối tượng bỏ học, sống lang thang, làm phụ hồ, công nhân lâu nay, không chút kiến thức hóa học, điện tử, vi mạch…, có thể một mình chế tạo, đấu nối thành công được những quả nổ “hiện đại”, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối này hay không - câu hỏi rất cần được cơ quan công an làm sáng tỏ.
Qua tìm hiểu của PV, tại các mỏ đá hiện nay, thợ khai thác vẫn nổ mìn theo cách phổ thông (dòng dây điện dài rồi kích nổ), mà chưa kích nổ tự động giống như cách làm của Tạ Văn Thanh.
Theo ghi nhận của chúng tôi, cuối năm 2009, CATP Hồ Chí Minh cũng từng bắt giữ một đối tượng đặt mìn tự chế trong khu vực nhà vệ sinh bên trong khách sạn Legend Sài Gòn, hòng tống tiền 20.000 USD. Qua đấu tranh, thủ phạm Võ Anh Tuấn (22 tuổi), trú ở quận 5, TP Hồ Chí Minh khai, y đã nghiên cứu cách thức chế tạo mìn hoàn toàn trên mạng Internet. Sau khi vụ việc trên xảy ra, trên cơ sở kiểm tra thực tế và lời khai của đối tượng, CATP đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xóa sổ một số trang web tiếng Việt, có nội dung hướng dẫn cách chế tạo vật liệu nổ. Song theo khảo sát của PV, những ngày qua trên trang tìm kiếm “Google”, vẫn còn một số trang web hướng dẫn tỉ mỉ cách thức chế tạo mìn, quả nổ.
Lỏng lẻo quản lý thuốc nổ công nghiệp
Đại tá Đào Thanh Hải - Trưởng Phòng CSHS CATP Hà Nội thông tin: Trên địa bàn Hà Nội thời gian qua cũng xảy ra một số vụ nổ mìn, nhưng trọng lượng quả nổ nhỏ, trung bình 200 gam - 300 gam, nhằm đe dọa, dằn mặt nhau. “Thực tế trên cho thấy, công tác quản lý vật liệu nổ, đặc biệt là thuốc nổ công nghiệp còn lỏng lẻo, dù chúng tôi đã kiến nghị các cơ quan liên quan nhiều lần” - chỉ huy Phòng CSHS khẳng định.
Thông tin với PV, một cán bộ Bộ Công an, am hiểu các bước chế tạo mìn tự tạo nói: Sau khi mở rộng địa giới hành chính, ngoại thành Hà Nội có một số mỏ khai thác đá, có dùng mìn phá dỡ. Việc quản lý thuốc nổ công nghiệp dù được pháp luật quy định chặt chẽ, song nhiều nơi chỉ chấp hành trên giấy tờ. Cán bộ này dẫn chứng: Giả định, để phá một khối đá lớn, doanh nghiệp phá dỡ dùng 10kg thuốc nổ. Nhưng với những thợ phá đá lành nghề, họ có thủ thuật khoan, nhét…, phá dỡ lượng đá đó chỉ với 8kg thuốc. 2kg còn lại bằng cách nào đó được những người này tuồn ra ngoài bán kiếm lời. Đây chính là lý do thuốc nổ đang được mua bán dễ dàng trên thị trường.
Không chỉ thuốc nổ, nếu việc quản lý hóa chất cũng lỏng lẻo như ở Hà Nội hiện nay, các đối tượng xấu, hiểu biết về hóa học có thể dễ dàng nhào trộn hóa chất để chế tạo các quả nổ - cán bộ này cảnh báo. Cũng theo ghi nhận của phóng viên, công thức, tỷ lệ nhào trộn các hóa chất chế tạo quả nổ đang được nhiều người chia sẻ công khai trên mạng Internet, nhưng sau vụ việc ở hiệu vàng Hoàng Tín, chưa có cơ quan quản lý nào quan tâm hơn tới vấn đề này.
Giằng co, ném mìn của đối tượng là nguy hiểm Nếu quả mìn của Tạ Văn Thanh hôm đó được chế tạo theo cơ chế hiện đại hơn, thì khi nhân viên cửa hàng vàng Hoàng Tín chỉ cần nhấc lên, chưa kịp ném ra ngoài vụ nổ đã xảy ra - một cán bộ PCCC cho biết. Theo lời khai ban đầu của đối tượng chủ mưu, sau khi mang túi xách chứa mìn vào cửa hàng vàng và bị bảo vệ ở đây ném ra ngoài, anh ta hô to: “Trong có mìn, cẩn thận nổ”. Việc trên cho thấy bản thân đối tượng cũng sợ hãi trước việc làm liều lĩnh này. Bằng chứng là ngay sau đó, Tạ Văn Thanh đã từ bỏ ý định gây án, tháo chạy ra bên ngoài, dù lúc đó đối tượng còn một quả mìn dự phòng. Nói về tình huống này, đại diện cơ quan công an khuyến cáo: Nếu không may đối mặt với tình huống trên, người dân phải bình tĩnh, tuyệt đối không làm gì để đối tượng bị kích động, tìm cách thoát ra ngoài và báo cho cơ quan công an, tuyệt đối không giằng co, ném mìn ra ngoài như trường hợp trên. Nếu hôm đó, mìn được ném ra giữa đường, nơi có nhiều xe máy lưu thông; nếu quả mìn phát nổ không có bậc tam cấp của cửa hàng vàng, chiếc ô tô tải cản một phần sức công phá; nếu quả mìn đầu tiên phát nổ, kích hoạt luôn khối thuốc nổ thứ 2…, tử vong chắc chắn xảy ra. |