Tiếng khóc diệu kỳ
Ký ức kinh hoàng về những xác thai nhi và chiếc bồn cầu tưởng chừng đã là quá khứ, nhưng sự thực chưa bao giờ ngủ yên trong tâm thức của cô y tá trẻ tên T. Nó cứ trở đi, trở lại như một nỗi ám ảnh, những lời trách móc dành cho cô gái trẻ đã làm những điều trái với lương tâm, tình cảm của mình.
T. sinh ra trong một gia đình bố mẹ làm nghề nông ở Ninh Bình. Cô nói, từ nhỏ đã rất yêu trẻ con, từng mơ ước khi lớn lên sẽ trở thành cô nuôi dạy trẻ. Nhưng rốt cục, số phận đưa đẩy, T lại chọn học ngành y. Như để an ủi mình và lấy lý do để yêu ngành y hơn, cô từng nói ngành y hay nuôi dạy trẻ cũng không sao, miễn sao sau này ra trường được làm công việc liên quan tới trẻ con.
Ngày còn thực tập, cô được sắp xếp ở cùng 3 sinh viên khác. Trong đó chỉ duy nhất 1 bạn được phân công về khoa sản của bệnh viện. Thế nên, nhiều lần, cả phòng đã xin phép được đi theo bạn ấy chỉ để được truyền tay nhau bế những sinh linh bé bỏng khi vừa cất tiếng khóc chào đời.
T bảo, cảm giác là người đầu tiên được bác sĩ sản đưa cho bồng đứa bé vừa lọt hạnh phúc vô cùng. Đó là cảm giác về hơi ấm, về một con người, một sự sống mới được bắt đầu. Và có lẽ, tiếng khóc là điều diệu kỳ và làm con người ta dễ cảm động nhất trong giây phút ấy. Bởi vì, một đứa trẻ sinh ra càng khóc to bao nhiêu thi chứng tỏ nó càng khỏe mạnh bấy nhiêu. Có những bà mẹ sau cơn vượt cạn đã kiệt sức, nhìn thấy con mình sinh ra khỏe mạnh, lành lặn thì cũng khóc òa theo con. Tình mẫu tử thiêng liêng ấy cảm động không thể nói bằng lời. Và tình yêu trẻ của T. cũng vì thế mà được vun đắp từng ngày.
Những đêm xin đi “trực sản” cùng bạn bè của cô cứ thế trôi đi với những hạnh phúc nhỏ bé, giản dị như thế, T. ra trường với bầu nhiệt huyết lớn về nghề nghiệp. Thế rồi, cô quyết tâm xin việc ở những phòng khám sản để thỏa mong ước bấy lâu. Cô nói, những ngày đầu làm việc, cô cũng được phụ giúp những bà mẹ đến khám, theo dõi thai nhi. Và giấc mơ tan vỡ
Nhưng khi T. đã quen dần với công việc, thì bị chuyển xuống nơi chuyên làm công việc phá thai ấy. Đã có lúc nhìn thai phụ nằm trên bàn chờ uống thuốc, bấm ối, cô đã hỏi một câu rất ngây thơ: “Tại sao chị không để con mà sinh?” thì liền bị các y tá ở đó mắng vốn. Bởi vì nguyên tắc của họ là không quan tâm tới đời tư của khách.
Lần khác, trong lúc nghỉ ngơi với những y tá làm lâu ở đây, T hỏi han: “Tại sao chúng mình không khuyên họ giữ lại thai nhi?”, một y tá vùng vằng: “Chúng nó đã quyết định tới đây rồi, thì em đừng bao giờ hỏi tại sao nữa”. T. giải thích, con người ai cũng có lòng thương cả, nhưng những người đã làm lâu năm trong nghề này thường có xu hướng vô cảm hơn so với người bình thường, nên phản ứng của các chị y tá như vậy cũng là điều dễ hiểu. Cũng từ đó, T. không còn dám thắc mắc nữa, chỉ biết hoàn thành nhiệm vụ rồi về nhà gặm nhấm những thắc mắc và cả những dằn vặt không tìm được lối thoát.
Dần dà, đã có lúc T. cảm thấy bực bội với những thai phụ nằm trên bàn. Cô nói, các thai phụ khi chuẩn bị “đẻ non” đều đau bụng dữ dội. Họ thường khóc lóc, kêu gào. Không ít trong số đó cố bám víu lấy áo cô mà nói: “Đau quá chị ơi!”. Theo T, những ca bỏ thai cô từng chứng kiến, hầu hết không người mẹ nào khóc thương con, xin lỗi con. Mà đơn giản là khóc vì đau.
"Thậm chí khi bỏ con rồi, nhiều người còn chẳng quan tâm xem con mình sẽ được chôn cất ở đâu. Em chỉ thương những thai nhi bị chính mẹ chúng rũ bỏ”, T. bức xúc.
Cô nói, đã có lúc em mong mình có thể quen, rồi vô cảm khi nhìn những thai nhi bị giật nước bồn cầu. Hoặc ít nhất, tự an ủi mình rằng phá bỏ những thai nhi đó chính là mở ra con đường cho những cô gái bị lầm lỡ làm lại cuộc đời. Nhưng không phải điều gì mình muốn là được, mỗi lần nhìn thấy các cháu bé bị bỏ đi một cách lạnh lùng không thương tiếc, là một lần cô lại cảm thấy đau đớn, sợ hãi. Đó cũng là động lực chính giúp cô vượt qua những rào cản tâm lý, thậm chí cả sự nguy hiểm để chia sẻ câu chuyện nghề, cũng là những ký ức ám ảnh cả đời với phóng viên. (Còn tiếp)
- Tag
- thai nhi
- nạo phá thai
- y tá