Tình yêu “rổ rá cạp lại”
Người phụ nữ vốn đã chịu tiếng “ác” nhẫn tâm vứt bỏ con gái ruột xuống hầm phân 16 năm về trước tại ấp Suối Sóc, xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) là chị Nguyễn Thị Phương Mai (SN 1968). Chị Mai lớn lên trong gia đình nghèo có 6 chị em nên từ nhỏ đã phải bươn chải mưu sinh phụ giúp gia đình.
Lớn lên, chị Mai đem lòng thưng yêu một chàng trai gốc Huế vào Nam lập nghiệp. Năm ấy, chị khoảng 20 tuổi và hạnh phúc lên xe hoa cùng chồng xây dựng tổ ấm. Người chồng làm thuê mướn khắp nơi cộng với đồng lương công nhân ít ỏi của chị nên kinh tế gia đình khá chật vật. Thế nhưng 2 đứa con lần lượt ra đời có nếp có tẻ khiến gia đình nhỏ vẫn tràn ngập tiếng cười. Thấy làm thuê làm mướn không ổn định, người chồng chuyển hẳn sang làm thợ hồ để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Rồi thời gian sau đó, tai họa lại ập xuống cuộc đời chị Mai khi chồng cô bất ngờ qua đời vì tai nạn lao động, để lại người vợ trẻ và 2 đứa con thơ.
Đau đớn vì sự ra đi đột ngột của chồng, chị gắng gượng đi làm nuôi con. Hơn hết trong lúc này, chị cần một chỗ dựa tinh thần sau bao đau khổ và lo toan. Và chị đã gặp Nguyễn Minh Hùng (SN 1962), một người đàn ông cũng đã “một lần đò” ở trong xóm như cô để chia sẻ, đồng cảm cùng nhau. Mai nghĩ bụng, dù sao cả hai đều “giữa đường đứt gánh”, lại thấy bản tính hiền lành và không vướng bận con cái nên chị Mai tin tưởng trao thân gửi phận. Bù lại, Hùng cũng rất thương yêu người phụ nữ vừa chịu nhiều đau khổ, mất mát này. Tuy nhiên, chị lại giấu nhẹm chuyện này, không nói với bất kỳ ai, kể cả mẹ mình. Nói đến đây, chị Mai giãi bày: “Lúc quen Hùng, chồng tôi mất mới hơn một năm. Chưa mãn tang chồng nên nếu biết tôi đi thêm bước nữa sợ mẹ sẽ buồn, lại mang điều tiếng với xóm giềng. Khi tôi có thai với Hùng, anh ấy đã rất vui mừng và muốn cưới tôi làm vợ ngay. Nhưng vì còn ngại ngùng làng xóm nên chúng tôi đành chờ đợi thêm ít thời gian nữa”. Biết con trai mình quen với một người phụ nữ đã có hai mặt con, bên nhà Hùng lên tiếng phản đối. Tới khi chị mang bầu cũng chỉ biết ngày ngày đi làm công nhân và lủi thủi ở nhà, chỉ có Hùng thường xuyên qua chăm sóc, động viên người yêu tới ngày sinh nở. Cả hai đã dự tính sau khi sinh xong sẽ lẳng lặng đi đăng ký kết hôn bất chấp ngăn cản của gia đình và thông báo cho mẹ chị Mai biết chuyện. Thâm chí, chị đã mua áo quần trẻ sơ sinh chuẩn bị đến ngày lâm bồn và các vật dụng cần thiết. Nhưng sắp đến ngày chị Mai sinh, anh Hùng phải đi công tác trong vòng 4 ngày ở công trường trên TX. Long Khánh (Đồng Nai). Chị đâu ngờ, chính thời điểm này lại khiến mọi dự định, ấp ủ về tương lai hạnh phúc của họ bỗng chốc đổ vỡ. Tình ngay lý gian Chị Mai vẫn nhớ như in ngày “lâm bồn” mà chị không hề ngờ tới. Đó là vào lúc rạng sáng một ngày đầu tháng 6/1998, đang chuẩn bị dậy đi làm như thường lệ, chị bỗng cảm thấy chuyển dạ khó chịu. Là một người phụ nữ từng sinh đẻ 2 lần nhưng chị dự rằng không có dấu hiệu đau bụng nên chưa sinh ngay, vả lại theo tính toán của bác sĩ, chị Mai còn phải hơn 1 tuần nữa mới sinh. Nghĩ bụng chỉ “mắc cầu”, chị vội vã tìm nơi “giải quyết” bởi nhà vệ sinh của nhà chị đang bị hỏng. Chị chạy sang nhà hàng xóm “đi nhờ”. Trong ánh sáng chập choạng, cô hoảng hốt khi bỗng dưng lọt ngay một đứa bé đỏ hỏn xuống hầm phân, băng huyết tuôn xối xả. Thấy bóng người ở gần đó, chị Mai cố kêu lên nhưng không mở miệng ra được. Lúc đó, chị chẳng còn biết gì nữa, chỉ cố lê đôi chân trở về nhà cách đó chừng 50m, nằm bệt xuống nền nhà.
Ngất lịm bởi băng huyết quá nhiều, chị Mai được mẹ ruột phát hiện và đưa lên trạm xá cấp cứu. Còn số phận đứa con bị lọt xuống hầm phân may mắn thoát chết, được người dân chuyển đến Bệnh viện Long Khánh (Đồng Nai) điều trị.
Tại bệnh viện, các bác sĩ cẩn đoán bé sơ sinh bị thiếu oxy não, chấn thương cột sống, có thể vĩnh viễn mang di chứng sau này. Biết tin đứa trẻ là con chị Mai, tức là cháu của gia đình mình, bà Lê Thị Thanh Quỳnh (chị dâu của Hùng) liền tới Bệnh viện đón đứa bé về chăm sóc và nhận làm con nuôi (!). Về phần chị Mai, sau vài ngày điều trị và được người mẹ già chăm sóc, chị đã dần khỏe lại sau ca lâm bồn không ngờ tới. Vậy nhưng, nỗi đau lớn nhất của chị sẽ chẳng bao giờ nguôi ngoai được là không thể tới gần con đẻ của mình mặc dù đứa bé còn sống, nhưng giờ chị chẳng thể đòi hỏi nó gọi chị là mẹ. Sau khi vụ việc đã lan rộng khắp dư luận địa phương, chị liên tục nhận được những lời dè bỉu bởi trong con mắt thiên hạ, chính chị là bà mẹ đang tâm vứt bỏ đứa con còn đỏ hỏn. Sau này, bé gái tội nghiệp phải chịu những di chứng nặng nề dẫn đến sức khỏe, tâm thần phát triển không bình thường bởi căn bệnh viêm não Nhật Bản. Tình ngay lý gian, chị Mai không thể nào tự biện hộ được cho mình. Nhưng điều khiến chị uất ức nhất là ngay chính người mà chị hằng tin tưởng, thương yêu nhất lại quay lưng, hắt hủi chị. Sau đợt công tác, nghe tin dữ, anh Hùng vội vàng tìm đến gặp chị. Thay vì động viên, chăm sóc cho người yêu, anh ta lại chửi bới chị thậm tệ: “Chính mày là người giết con tao!”.
Chị chỉ biết nuốt nước mắt nghẹn đắng vào lòng. Thậm chí, khi xuất viện, chị Mai đến nhà ngỏ ý muốn thăm con gái thì bị chủ nhà xua đuổi và mắng mỏ. Dù chỉ cách nhau vài con ngõ nhưng chưa khi nào chị được nhìn rõ mặt con, chỉ biết đứng ngoài khung cửa sổ ngắm nhìn một cách vụng trộm. Búa rìu dư luận đã khiến chị luôn sống trong mặc cảm tội lỗi, khát khao được bế ẵm đứa trẻ trên tay một lần đối với chị giờ sao quá xa vời. Tâm sự với người viết, chị Mai thổ lộ: “Dù chồng mất đi, tôi vẫn gắng sức một mình nuôi 2 đứa con nhỏ. Tôi lại càng quý trọng giọt máu này với Hùng bởi chúng tôi đã hứa hẹn với nhau sẽ đăng ký kết hôn sau khi sinh con. Lúc đó nếu tôi không hoảng loạn và ngất xỉu, có lẽ mọi chuyện đã khác…”.