Giọt nước mắt muộn màng
Cơn ác mộng về vụ thảm án do Nguyễn Công Dụng gây ra vẫn còn ám ảnh trong tâm trí người dân xã Bình Lộ. Dù 4 năm trôi qua, nhưng người dân vẫn không sao quên ngày Dụng ra tay thảm sát 4 mạng người gồm chị Hán Thị Chi (SN 1965), anh Nguyễn Công Chính (SN 1963, chồng chị Chi), chị Cao Thị Thơm (SN 1974) và cháu Ngô Đức Thịnh (SN 1996, con trai chị Thơm). Trước hành vi độc ác của Dụng, tháng 9/2010, TAND tỉnh Phú Thọ đã mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt kẻ sát nhân này mức án tử hình.
Trong những ngày chờ thi hành án, phải làm bạn với bốn bức tường lạnh lẽo sau song sắt, tử tù này mới cảm thấy hối hận về tội ác mà mình đã gây ra. Nhưng tất cả đã quá muộn, trong bóng tối của chốn ngục tù, Dụng đã không ít lần khóc như một đứa trẻ khi nghĩ về người vợ hiền và những đứa con thơ dại. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là Dụng xin các cán bộ quản giáo không gặp mặt trực tiếp vợ con. Dụng nói rằng, nếu nhìn thấy những ánh mắt đó, anh ta sẽ càng cảm thấy tội lỗi và dày vò bản thân mình gấp bội phần.
Dụng bảo, những ngày cuối đời trong chốn lao tù là những ngày anh ta cảm thấy yêu thương vợ con nhất. Chính vì vậy, anh ta không muốn trực tiếp gặp mặt vợ con, để có thể ra đi trong sự thanh thản, bớt day dứt. Mong muốn cuối đời của Dụng là được chuyển tới vợ con những chia sẻ qua các lá thư. Trong những bức thư ấy, Dụng kể hết những lỗi lầm của mình, rằng anh ta đã không thể trở thành một người chồng, người cha tốt. Vì sự ích kỉ của bản thân, anh ta đã đang tâm vứt bỏ đi tổ ấm gia đình mình để theo đuổi, si mê một mối tình mù quáng với một người phụ nữ khác. Đôi mắt u buồn, thái độ điềm tĩnh, Dụng chia sẻ trong nước mắt: “Tôi là một người chồng, người cha tồi tệ nhất, suốt cuộc đời chỉ biết làm khổ, đày đọa vợ con. Ngay cả giờ đây, khi phải làm bạn với bốn bức tường giam lạnh lẽo, nhận mức án tử hình chờ ngày trả án thì vợ con tôi vẫn hàng ngày gửi quà tiếp tế, lui tới thăm nom”.
Điều mà Dụng đau đáu nhất trong những ngày cuối đời này chính là những đứa con bé bỏng, tội nghiệp của mình. Không biết rồi đây khi vĩnh viễn không còn được nhìn thấy hình bóng người cha nữa thì chúng sẽ ra sao? Liệu rằng những đứa trẻ ấy có thể gạt bỏ sự mặc cảm bản thân, rằng chúng là con của một kẻ tử tù để tiếp tục sống, học tập trở thành người có ích cho xã hội, thay cha nó bù đắp những gì không thể làm được cho mẹ chúng? Đồng thời có thể đền bù một phần nào đó nỗi đau mà Dụng đã gây ra cho những gia đình nạn nhân?
Rồi Dụng kể, ngày ra tòa, nhìn những đứa trẻ ôm di ảnh của bố mẹ, anh ta đã khóc và nói rằng không hiểu sao mình lại hành xử độc ác đến vậy. Dụng đã xin lỗi gia đình các nạn nhân, mong tòa xem xét cho anh ta có cơ hội sống, nhưng trước hành vi dã man ấy, mức án tử hình đã được tòa tuyên. Dụng đã khuỵu xuống, phía dưới, những tiếng khóc nghẹn ngào của các con hắn xen kẽ những tiếng khóc của gia đình các nạn nhân tạo thành một thứ âm thanh hỗn độn. Để rồi, thứ âm thanh hỗn tạp ấy đã ám ảnh khiến Dụng không thể nào quên.
Dẫu biết rằng giờ đã quá muộn để có thể chuộc lại những lỗi lầm mà bản thân Dụng đã gây ra, nhưng dường như chúng tôi cảm nhận được từ thẳm sâu bên trong con người tử tù ấy vẫn còn một phần gì đó rất con người, một phần lương thiện. Lời cuối của Dụng nói tại trại giam khiến chúng tôi day dứt: “Tất cả đối với tôi giờ chỉ còn lại sự nuối tiếc. Tôi chỉ mong sao sớm được thi hành án, để một phần nào đó có thể chuộc lại những tội ác mà mình đã gây ra”. Đôi mắt Dụng bỗng cụp xuống, cố giấu đi dòng nước mắt muộn màng. Hình ảnh người tử tù dần dần khuất sau song sắt khiến chúng tôi tin rằng đó là những lời sám hối, ân hận thật lòng.
Vụ án mạng kinh hoàng
Ngược dòng thời gian 4 năm về trước, nguyên nhân vụ thảm án xuất phát từ mối quan hệ bất chính giữa Dụng và chị Chi. Theo đó, Nguyễn Công Dụng và anh Nguyễn Công Chính vốn là anh em họ cùng sinh ra và lớn lên ở xã Bình Bộ (huyện Phù Ninh). Tuy hơn kém nhau 2 tuổi nhưng cả hai người chơi với nhau khá thân thiết và đặc biệt hợp nhau về cái khoản “trộm cắp”. Chính vì vậy mà khi Chính rủ đi ăn trộm, Dụng đã hưởng ứng rất nhiệt tình. Năm 1985, Dụng cùng Chính trộm được chiếc túi của một người nước ngoài tại khu vực bến phà Then (xã An Đạo, huyện Phù Ninh), cả hai đã bị bắt và bị kết án 15 tháng tù giam.
Sau lần phạm tội ấy, tình cảm anh em của Dụng và Chính bị rạn nứt, nguyên nhân là do Dụng nghi ngờ Chính ăn chia không đều số tài sản đã trộm cắp được. Sau khi ra tù, cả Chính và Dụng đều lập gia đình và có cuộc sống riêng, nhưng vì mâu thuẫn năm xưa nên cả hai không còn mặn mà trong tình cảm. Vài năm sau khi lập gia đình, Chính nghiện ma túy và thường xuyên phải đi cai nghiện. Năm 2003, Chính lại tham gia một vụ trộm cắp và bị kết án 30 tháng tù giam. Trong thời gian Chính đi cải tạo, Dụng và chị Chi nảy sinh tình cảm.
Ngày Chính ra tù, những tưởng mối quan hệ bất chính đó sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, bất chấp điều tiếng, Dụng và chị Chi đã công khai mối quan hệ ấy và còn có ý định dọn về sống cùng nhau trong căn lán nhỏ ở cuối làng. Để đạt được ước nguyện ấy, chị Chi nhiều lần đề nghị anh Chính ký đơn ly hôn nhưng anh này không đồng ý. Và mối tình vụng trộm này là khởi nguồn cho một tấm thảm kịch kinh hoàng.
Trưa 23/6/2010, Dụng sang nhà chị Chi để nói chuyện và bàn kế hoạch hai người sẽ chuyển ra ở cùng nhau. Sang tới nơi, Dụng thấy chị Chi đang nói chuyện thân mật với chồng. Cơn điên nổi lên, Dụng hùng hổ xông xuống bếp vớ ngay được con dao chọc tiết lợn điên cuồng xông vào đâm chém anh Chính chết ngay tại chỗ. Thấy chồng mình bị đâm chém, chị Chi lao vào can ngăn thì bị Dụng đâm một nhát chí mạng đứt động mạch chủ.
Sau khi đã sát hại hai mạng người, Dụng lại vác dao đi tiếp. Lúc này trong đầu Dụng bỗng nhớ đến mối thù với chị Cao Thị Thơm (SN 1974, ở cùng thôn). Nguyên nhân là 2 ngày trước đó, xe chở đất san đường cho nhà chị Thơm đã làm đổ tường bao của nhà Dụng và anh ta đã đòi chị này phải bồi thường 5 triệu đồng. Tuy nhiên, chị Thơm từ chối mà chỉ đồng ý xây lại tường cho nhà Dụng. Sẵn dao trong tay, Dụng xông vào nhà chị Thơm cách đó khoảng 100m, lạnh lùng chém nhiều nhát vào người nạn nhân. Trong lúc đó, cháu Ngô Văn Thịnh (SN 1996, con trai của chị Thơm) vô tình chạy từ trong nhà ra sân cũng bị Dụng đâm chết.
Dường như còn chưa thỏa mãn với cơn điên của mình, gây án xong Dụng quay trở lại nhà anh Chính phóng hỏa ngôi nhà gỗ 3 gian cùng toàn bộ số tài sản. Sau khi gây ra tội ác, Dụng bỏ lên đê. Gặp một người hàng xóm đi xe máy qua, Dụng hỏi mượn xe nhưng chưa được sự đồng ý, anh ta đã giằng lấy chiếc xe rồi bỏ trốn khỏi địa phương.
Trước hành vi dã man của Dụng, Công an tỉnh Phú Thọ đã huy động toàn bộ lực lượng để truy bắt. Đến khoảng 20h ngày 24/6/2010, Dụng bị bắt khi đang lẩn trốn tại xã Từ Yên (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc). Trên đường dẫn giải về trụ sở Công an tỉnh Phú Thọ, biết được cái giá sẽ phải trả, Dụng đã nhiều lần định tự sát bằng cách lao người ra khỏi ô tô nhưng đều bị ngăn lại kịp thời.
Với tội ác man rợ của mình, Dụng đã bị TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt mức án tử hình về các tội danh “Giết người”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Hủy hoại tài sản”.