Lâu nay, nhiều người vẫn thường truyền nhau những câu chuyện về nạn giết người mổ xác cướp nội tạng. Đặc biệt, sau vụ việc một cháu bé 8 tuổi ở TP.HCM mất tích và được tìm thấy đã chết ở Campuchia. Thi thể cháu bé bị nghi ngờ đã bị mổ xác và không còn nội tạng. Câu chuyện còn đáng sợ hơn khi cách đây không lâu, báo chí nước ngoài đưa tin việc cảnh sát bắt giữ một nhóm đối tượng buôn bán nội tạng, trong đó, cầm đầu là 1 bác sĩ người Trung Quốc.
Một số thông tin trên mạng xã hội còn cho rằng nạn cướp nội tạng đã xuất hiện ở Việt Nam. Chúng tôi đã liên hệ một số chuyên gia, người có trách nhiệm trong lĩnh vực y tế cũng như phòng chống tội phạm để tìm hiểu rõ hơn câu chuyện này. Bác sĩ Dương Đức Hùng (người đang có nhiều năm làm việc về chuyên khoa tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho rằng, nhiều người không có chuyên môn cũng như không hiểu về vấn đề này nhưng vẫn cứ thích kể về chuyện đó.
Theo bác sĩ Hùng, giết người ở Việt Nam hay Campuchia rồi mổ xác lấy nội tạng mang sang Trung Quốc là điều không thể xảy ra. "Nội tạng không phải là thứ có thể lấy ra rồi đem đi bảo quản được", ông Hùng nói.
Vị bác sĩ cho hay, trong vòng 6 tiếng đồng hồ lấy ra khỏi cơ thể, nội tạng phải được ghép ngay. Nếu để lâu, nội tạng sẽ hỏng và không thể ghép được nữa. Nếu lấy cắp nội tạng rồi đưa ngay vào bệnh viện để ghép ngay thì có thể được.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, suốt nhiều năm hoạt động chuyên ngành tim mạch, ông chưa từng tiếp nhận thông tin nào về việc người bị trộm nội tạng rồi mua bán. Kể cả chuyện người bị lừa sang Trung Quốc rồi giết lấy nội tạng, cũng chỉ là kháo nhau.
"Cũng giống chuyện ma, chưa ai gặp ma nhưng người ta vẫn cứ kể cho nhau và đều sợ hãi", ông Hùng nói.
Điều quan trọng hơn, theo ông Hùng, bộ phận ghép phải phù hợp với cơ thể của người được ghép. Vì vậy, muốn lấy nội tạng của ai đó, phải biết kiểm tra, xét nghiệm đầy đủ đặc điểm sinh học của cả 2 cơ thể: người bị lấy nội tạng và người được ghép nội tạng. Không thể bắt cóc một người từ Việt Nam ra nước ngoài để lấy nội tạng, trong khi chưa biết người đó có đặc điểm sinh học như thế nào.
Ông Hùng cũng cho biết, Trung Quốc vẫn bị nhiều cơ quan quốc tế đặt câu hỏi về nguồn nội tạng để cấy ghép. Bởi không hiểu Trung Quốc lấy đâu ra nhiều nội tạng để cấy ghép như thế.
Một giả thiết hợp logic khoa học là phạm nhân bị tử hình tự nguyện hiến tạng. Người ta sẽ kiểm tra được đặc điểm cơ thể trước khi xử tử và lựa chọn người phù hợp để ghép. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về điều này.
Ông Hùng cho biết, ở Việt Nam khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều bệnh viện có thể cấy ghép nội tạng. Đơn cử như Bệnh viện Việt Đức, Xanh Pôn, viện 103, Bạch Mai. Tuy nhiên số lượng ca cấy ghép ở Việt Nam không nhiều lắm.
Bên cạnh đó, chi phí cho các ca cấy ghép rất tốn kém. Một ca ghép thận ở Việt Nam khoảng 300 triệu đồng. Ghép tim tốn khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Dù vậy, chi phí vẫn rẻ hơn rất nhiều so với ở nước ngoài. Giải thích lý do Việt Nam có thể ghép tạng nhưng nhiều người vẫn sang Trung Quốc hoặc các nước khác để thay tim, thay thận..., ông Hùng cho rằng, nguồn nội tạng của Việt Nam rất ít.
Ông bác sĩ cho biết, ở Việt Nam chỉ có hiến tạng chứ không được mua bán. Số người cho lại rất ít so với số người cần được ghép. Chẳng hạn như ghép thận là việc được thực hiện nhiều nhất nhưng đa phần là do người thân trong gia đình cho nhau. Việc người ngoài tự nguyện hiến tạng là điều cực khó. Kể cả những người vì một lý do nào đó bị chết, gia đình cũng không đồng ý việc lấy nội tạng khỏi cơ thể.
Trong khi đó, ở một số nước trên thế giới, việc ghép tạng bị thương mại hóa bất chấp luật pháp. Nhiều người sẵn sàng bán nội tạng của mình cho các đường dây kinh doanh. Chẳng hạn như người có 2 quả thận xin bán bớt 1 quả.
Bác sỹ chuyên khoa tim mạch cũng thừa nhận, nguồn nội tạng khan hiếm là tình trạng chung của thế giới. Nhưng ở một số nước, nguồn nội tạng có thể nhiều hơn nên nhiều người chấp nhận bỏ tiền ra nước ngoài.
Trả lời chúng tôi, TS Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế) cho biết, từ lâu chuyện giết người mổ xác cướp nội tạng đã được người ta nói đến rất nhiều. Nhưng theo ông, đó chỉ là chuyện người ta bàn tán.
Trên thực tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh chưa bao giờ tiếp nhận phản ánh nào về việc này, kể cả thông tin mua bán nội tạng tại Việt Nam. Theo ông Khuê, những thông tin trên đôi khi còn bị phóng đại bởi những người có mục đích xấu mà không có cơ sở khiến dư luận hoang mang.
Cục Cảnh sát hình sự (C45 - Bộ Công an) cũng cho hay, cơ quan này chưa điều tra vụ việc nào như vậy. Kể cả thông tin tố cáo, phản ánh về chuyện này cũng chưa có. Theo vị lãnh đạo, thỉnh thoảng Cục vào cuộc một số vụ án xảy ra ngoài biên giới, tính chất phạm tội có thể dã man nhưng không phải là chuyện mổ xác lấy nội tạng.
Những vụ án này thường liên quan đến cờ bạc. Nhiều người Việt Nam sang đánh bạc tại các casino ở Campuchia. Sau khi thua bạc, nợ nần, có người bị các đối tượng người nước ngoài bắt giữ và gọi điện về Việt Nam yêu cầu mang tiền sang chuộc. Chúng đe dọa, nếu người nhà không mang tiền sang, chúng sẽ cắt tay, chân hoặc sát hại.
"Chuyện giết người lấy nội tạng vẫn vẫn chỉ là đồn đoán” - một lãnh đạo Cục C45 cho hay.