Cái sự "chẳng có nhiều" ấy đã thôi thúc chúng tôi theo các điều tra viên của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định vào gặp người đàn ông - bị can "đặc biệt", phạm tội ở cái tuổi "gần đất xa trời" ấy tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nam Định.
Cái nắng chói chang cuối tháng 6 đổ bóng xuống mảnh sân gạch của trại tạm giam. Bị can Nguyễn Văn Tài chầm chậm rò từng bước, đôi mắt nhíu lại như tất cả đang tập trung vào từng bước đi của mình. Nếu so với cái tuổi gần 90 thì ông trời đã ban cho Nguyễn Văn Tài một sức khỏe khá tốt. Ông Tài kể rằng, ngày còn chưa bị bắt tạm giam, cứ bữa sáng ông có thể ăn hết tô rưỡi phở, và bữa cơm chiều vẫn thường là hơn 2 bát cơm đầy. Vào đây, môi trường sống thay đổi, lại vừa trải qua bi kịch giết vợ, ông suy nghĩ nhiều nên ăn uống có kém hơn. Nhưng dẫu gì, giọng ông vẫn sang sảng lắm, vẫn nhớ nhiều chuyện, nhất là những chuyện liên quan đến tình yêu và sự ghen tuông của mình.
Trong câu chuyện mà ông Tài kể, chúng tôi cảm nhận được mối tình của ông với bà Hoàng Thị Điểm, sinh năm 1950, trú tại xã Yên Khánh (Ý Yên, Nam Định), và sau này là người vợ thứ của ông, thật đẹp. Họ đến với nhau thật mãnh liệt, vượt qua giới hạn của tuổi tác và dư luận xã hội. Thời trẻ, ông Tài là mẫu người đàn ông khá lý tưởng, đẹp trai, khỏe mạnh và khá giả. Ông Tài nhận thầu chở cọc tre, nguyên vật liệu cung cấp cho Thủy lợi huyện Thanh Liêm, nên cuộc sống thời bao cấp vào dạng có của ăn, của để.
Lúc đó, ông Tài đã quen bà Điểm, khi ấy đang làm công nhân đội đá bên xã Kiện Khê (Thanh Liêm, Hà Nam), nhưng vì "chỉ chí thú làm ăn, chăm chút cho gia đình, con cái, mà không nghĩ đến chuyện yêu đương ngoài chồng vợ" - theo lời ông Tài kể. Đúng như người ta nói "trẻ không chơi, về già đổ đốn". Đến cái tuổi 60, ông Tài nghỉ sức, mở cái cửa hiệu tạp hóa trước nhà để vừa kiếm thêm đồng bạc, vừa để vui vầy lúc tuổi già.
Cuộc sống phía bên kia triền dốc của cuộc đời, tưởng chừng đã an bài, thế mà ông Tài lại chọn cho mình một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm khác. Do công việc làm chân tay đã trở thành quen, lại có một sức khỏe dồi dào do ăn uống điều độ, giờ ngồi một chỗ bán hàng, người vợ cả nay cũng không thể đáp ứng nhu cầu được như xưa, Tài như con ngựa bị kìm chân. Cùng lúc ấy, Tài nghe tin chồng bà Điểm mất, nỗi nhớ về người đàn bà từng "xao xuyến" với mình trỗi dậy.
Chỉ khoảng 7 tháng sau, Tài đã tìm đến với bà Điềm. Người góa phụ năm đó 39 tuổi "có nước da trắng, thân hình đầy đặn, có da có thịt, lại thùy mị nết na, chăm chỉ làm ăn" vẫn in đậm trong tâm trí ông. Ngày ấy, ông Tài đã biết bà Điểm không thể có con, còn bà Điểm cũng biết ông Tài đã có gia đình, thế nhưng, bằng sức mạnh của tình yêu, hai người mang theo ít vốn cùng nhau bỏ vào Lâm Đồng (Tây Nguyên) mua đất, cùng nhau sinh sống.
Cuộc sống với "hai trái tim vàng" cứ êm đềm trôi đi, sẵn nghề y sĩ nên cứ ở đâu có người bị cảm cúm, nhức đầu, có nhu cầu, ông Tài lại khăn gói đi điều trị cho họ, còn bà Điểm thì ở nhà làm nông, trông trẻ thuê. Tuy khó khăn về kinh tế, nhưng ông Tài và bà Điểm yêu nhau lắm. Rồi mảnh đất 6.000m2 của ông ở trong Tây Nguyên, ngoài trồng cà phê, ông còn nuôi thêm cả trăm con gà để tăng gia sản xuất. Tất cả ông đều nghĩ cho vợ, để kinh tế khá lên, cuộc sống đỡ khổ hơn.
Thời gian qua đi, thấm thoát, ông Tài đã gần 80 tuổi, còn bà Điểm cũng gần 60, con cái ông Tài vì thương bố đã lặn lội vào tận Bảo Lộc (Lâm Đồng) để tìm. Chúng khuyên ông Tài về với quê hương bản quán, cũng là để chúng chăm sóc bố khi trái gió trở trời. Thế rồi, ông Tài và bà Điểm cũng bán đất trong Tây Nguyên, chia đều số tài sản 800 triệu bán đất để làm vốn riêng cho mỗi người, rồi cùng nhau về ở tại thôn Dương Xá, xã Thanh Hà (Thanh Liêm, Hà Nam) cùng con cái. Được khoảng 2 năm, tuy cuộc sống với các con chồng không xảy ra mâu thuẫn, nhưng vì muốn ra ở riêng nên bà Điểm đã rủ ông Tài về mua đất, xây nhà ở quê của bà tại thôn Xuất Cốc Hậu, xã Yên Khánh (Ý Yên, Nam Định) để cùng nhau sinh sống.
Từ năm 2010, sau 22 năm chung sống, ông Tài theo bà Điểm về quê vợ. Hai vợ chồng sống bằng đồng lương hưu và số vốn tích lũy được sau nhiều năm lăn lộn ở Tây Nguyên. Trải qua bao sóng gió, thử thách, những tưởng họ sẽ an nhàn, sẽ cùng hưởng thụ tình già đến năm tháng cuối cuộc đời. Nào ngờ, không ai nghĩ bi kịch của chữ "ghen" lại xảy ra với cặp vợ chồng "đầu đã quá bạc" này. Từ khi về quê vợ ở, ông Tài nổi máu ghen tuông, tất cả cũng chỉ vì những lời trêu chọc của bà con làng trên, xóm dưới. Bà Điểm năm nay tuy đã 65 tuổi nhưng vẫn giữ được nét xuân sắc, qua lời kể của Tài thì "nếu bà Điểm diện bộ quần áo tối màu thì những người trên 50 tuổi đều muốn gạ gẫm bà".
Cộng với việc, ông Tài và bà Điểm lại chênh lệch quá cao về tuổi tác (tuổi thực của ông Tài năm nay đã 88 tuổi) nên một số người trong vùng hay trêu ông Tài, gán ghép vợ ông với những người đàn ông "cô đơn" cùng thôn. Ngày này, qua tháng khác, đi cắt tóc ở làng bên, ông cũng nghe thấy điều tiếng "để vợ cho người ta ngủ"; rồi ông cũng nghe thấy chuyện, cứ mỗi lần ông về nhà các con chơi, đêm đến lại có kẻ sang nhà ông ngủ… Cứ thế, từ một năm trở lại đây, từ "lời ong tiếng ve" trêu chọc của mọi người, ông Tài tưởng tượng ra đủ thứ, thêu dệt nên câu chuyện "vợ ngoại tình" để rồi mọi hành vi, câu nói, ông đều nghi ngờ và đay nghiến vợ.
Ông kể, có lần ông còn dọa vợ rằng: "Tất cả nhà nghỉ trên đất này tôi đều đã có bạn bè để ý, nếu bắt gặp cô đi ra từ đó sẽ…". Rồi có lần, ông thử bà Điểm, nói rằng sẽ về với các con một thời gian để xem thái độ của bà ấy. Lúc nói chuyện thì bà khuyên ông ở lại, về làm gì, nhưng sáng sau bà lại thức sớm để chuẩn bị đồ đạc cho chồng chu đáo. Sẵn cơn ghen, Tài lại nghĩ rằng vợ đêm qua nói khác, sáng nay đã chuẩn bị chu đáo thế này là muốn đuổi ông đi. Thế rồi, cơn ghen cứ lớn dần theo năm tháng mà không thể giải tỏa, vì ông Tài cũng còn sức đâu mà đi "rình vợ" để kiểm chứng được thông tin, để giải tỏa nỗi ghen tuông bấy lâu trong lòng. 6 tháng trước, nỗi ghen tuông trong ông không nguôi, đến nỗi, cưới cháu trai ông, ông cũng không về để ở lại canh vợ.
Vì nghĩ bà Điểm đi ngoại tình nên trong tâm trí ông Tài cứ thêu dệt nên đủ mọi câu chuyện. Ông kể đã đi bàn với bạn bè, với con cái, bà ấy đi ngoại tình thế này thì phải giải quyết như thế nào? Rồi ông cũng đã chặc lưỡi mà rằng: "Ở cái tuổi này mình còn làm gì được nữa đâu, trong khi bà ấy vẫn chăm sóc mình tử tế, thôi thì cứ để bà ấy đi giải tỏa tâm sinh lý, còn hơn giờ mình rình mò, bắt quả tang… mà đã bắt được quả tang thì ra tòa ly hôn. Ly hôn xong thì ai sẽ chăm sóc mình, thuê người chăm sóc cũng mất vài triệu một tháng, trong khi đêm đến vẫn phải ngủ một mình".
Suy nghĩ thì có lúc được thế nhưng cái đầu đa nghi, đang khổ vì ghen của ông lão 80 lại bắt ông nghĩ ra nhiều tình huống khác. Rồi ông Tài lại nghĩ đến chuyện, nếu cứ để vợ mình qua lại với kẻ khác, nhỡ chúng bày mưu giết mình thì sao? Nên ông ngày càng nghi hoặc, cẩn trọng trước vợ. Những cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng xảy ra ngày càng nhiều hơn.
Rồi mỗi ngày bà Điểm dậy sớm đi tập thể dục, là ông Tài lại nghĩ ngay đến chuyện vợ đi ngoại tình. Đã có lúc, bà Điểm nói với ông Tài sẽ cho ông 100 triệu để ông khăn gói về nhà bên Hà Nam, chứ bà không chịu nổi cảnh nghi hoặc, không tin tưởng của chồng. Nhưng cuộc chiến tâm lý mới lại diễn ra, Tài nghĩ, như thế là mình mắc mưu vợ và kẻ ngoại tình, muốn tống khứ mình đi, như thế là mình hèn hạ, bán vợ lấy tiền, thế rồi ông không đồng ý.
Cả hai người cứ thế âm ỉ nuôi nỗi tức giận của mình, ông thì luôn mồm bảo bà đi ngoại tình nhưng không bắt được quả tang, còn bà thì một mực nói là không có chuyện trai gái. Giọt nước tràn ly vào sáng hôm đó, khi bà Điểm thức dậy đi tập thể dục như mọi khi nhưng ông Tài không cho đi, nên cả hai đã xảy ra to tiếng. Ông Tài lại gào lên bài ca "ghen tuông" vô lý của mình: "Trong thiên hạ, tôi chỉ thấy một chồng có nhiều vợ chứ chưa thấy một vợ mà có hai chồng; thôi thì người ta sinh ra đều có quyền được hưởng tự do, nên nhà này là vốn của bà bỏ ra, tôi cũng góp công sức, giờ bà trả tôi mấy chục triệu để tôi về Hà Nam, chứ tôi không chịu ở chung một vợ hai chồng được". Trong cơn tức giận, bà Điểm trả lời: "Tiền của mày riêng, tiền của tao riêng, tao làm gì có tiền đâu mà đưa cho mày, tao chẳng ngủ với ai cả, mày đừng gắp lửa bỏ tay người".
Gần 30 năm vợ chồng gần gũi, giờ đây, chỉ vì vài lời trêu chọc, chỉ vì cơn ghen quá độ, nghe thấy vợ xưng "mày tao" với mình, đầu ông Tài càng như bốc hỏa. Ông Tài hét lên: "Tao giết mày chết bây giờ". Tưởng chồng chỉ dọa suông, bởi sống với nhau mấy chục năm, có bao giờ ông Tài vũ phu với vợ đâu nên bà Điểm tiếp tục già mồm: "Mày làm gì mà đánh được tao, mày làm gì tao thì làm, mày không có quyền gì mà đánh tao". Nỗi ấm ức dồn nén bao ngày như biến ông Tài thành người khác, ông ta hầm hầm xuống bếp, tay trái cầm dao phay Thái Lan, tay phải cầm một chiếc dùi sắt lên nhà, chém liên tiếp vào đầu và người bà Điểm.
Bà Điểm vật lộn với Tài, vùng chạy ra phía cửa để kêu cứu, rồi gục ngã. Lúc này, anh Nguyễn Thành Công là hàng xóm, nghe tiếng kêu cứu chạy sang nhà ông Tài thì thấy bà Điểm đang nằm trên vũng máu, còn ông Tài đang cầm dùi dọa tự sát nếu anh Công xông vào. Đứng một lúc, anh Công liền nói chuyện để ông Tài phân tâm, rồi bất ngờ lao đến đè ngửa ra giằng lấy dao. Bà Điểm được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng đã tử vong trên đường đi vì mất máu quá nhiều, nứt hộp sọ…
Khi nhắc đến người vợ mà mình đã nhẫn tâm cướp đi mạng sống, một nỗi ân hận trào dâng trong ánh mắt người đàn ông ở cái tuổi "gần đất xa trời" ấy. Bất giác, tôi nhìn xuống đôi bàn tay của ông Tài. Đôi bàn tay xương xương, còn xước xát chưa lành sau thời điểm ông Tài vật nhau với vợ. Bàn tay kia đã từng lao động cật lực trong Tây Nguyên để cùng người đàn bà muộn của đời mình xây đắp tình già. Bàn tay ấy đã từng nâng giấc cho người vợ mỗi đêm. Nhưng, cũng bàn tay ấy đã cầm dao chém 40 nhát chí mạng để hạ sát người vợ yêu của mình.
Thế mới biết rằng, sự ghen tuông mù quáng không chừa bất cứ ai, có thể giết chết tất cả nếu con người không biết dùng lý trí kiểm soát và giải tỏa nó