Những thông tin về dịch sởi vẫn được lan nhanh trên mạng từng giờ... các bậc phụ huynh đã thực sự bị đặt vào tình trạng báo động. Đối với nhiều ông bố bà mẹ, việc bảo vệ con mình khỏi bệnh sởi đang được ưu tiên hàng đầu. Những bà mẹ chưa cho con đi tiêm phòng vội vã đưa con đi tiêm, thậm chí có mẹ đã cho con tiêm mũi thứ nhất rồi nhưng vì lo sợ vẫn đưa con đi tiêm mũi thứ hai dù chưa đến lịch. Trong những ngày qua, các bà mẹ “cầy nát” thông tin về sởi trên báo và chia sẻ trên các diễn đàn đủ bí kíp đối phó dịch sởi. Nhiều bà mẹ quá lo sợ và hoang mang không biết còn cách nào giữ an toàn cho con ngoài việc không cho đi học.
Đọc báo thấy thông tin đã có hơn 100 trẻ tử vong do sởi và biến chứng sởi, chị Lê Nga (Thanh Xuân - Hà Nội) đã quyết định đóng cửa cho cậu con trai 3 tuổi đang theo học mẫu giáo ở nhà, không đi chơi, cũng không đi học. Chị cho biết, con chị "thể trạng yếu, rất hay ốm, hầu như có dịch bệnh nào từ sốt viruts tới thủy đậu hay tay chân miệng đều bị", thế nên bây giờ để con không dính vào dịch sởi, chị chỉ còn cách "bế quan tỏa cảng" cho an toàn.
Cũng không dám cho con đi đâu giống chị Nga, một bà mẹ khác chia sẻ trên Facebook: "Có mẹ nào có con tiêm phòng sởi rồi mà vẫn dính sởi không ạ? Dạo này lo lắng quá, không dám cho con đi đâu cả".
Hoang mang, bấn loạn thực sự là tâm trạng chung của các ông bố bà mẹ vào thời điểm này. Chị Mai Linh (Núi Trúc, Hà Nội) sau khi nghe tin lớp con mình có một bạn bị sởi phải nghỉ học thì muốn cho con về quê tránh dịch vì "cho con đi nhà trẻ thế này thì lo quá”. Nhưng chồng chị Linh bảo dịch nào cũng có thể kéo dài vài tháng, chẳng lẽ lại cho con nghỉ lâu như vậy thì ai trông được. Chị Linh chưa biết phải quyết định thế nào cho hợp lí.
Một bà mẹ với tâm trạng hoang mang chia sẻ trên Facebook: “Chẳng thấy tivi cập nhật tình hình dịch gì, báo thì mỗi trang nói một kiểu, FB thì toàn tin giật gân, hạt mùi thì đắt lên từng giờ giá cao như dâu tây... Chả lẽ cho bạn Nghé nghỉ học dài hạn”.
Nhà trường làm gì để phòng tránh dịch?
Trước thực trạng phụ huynh đứng ngồi không yên, lo lắng con bị lây nhiễm sởi nên đã cho con nghỉ học ở nhà, các trường học cũng đã có những biện pháp tích cực phòng chống sởi. Cô Thu - giáo viên một trường mầm non công ở quận Cầu Giấy cho biết: "Để bảo vệ các bé khỏi dịch sởi đang hoành hành, nhà trường đã tăng cường thời gian cho các con vận động nhiều hơn để nâng cao thể chất, vệ sinh đồ chơi cho các con 1 lần/ tuần bằng xà phòng và phơi nắng. Khăn, đồ dùng của trẻ đều được tiệt trùng mỗi ngày. Còn các việc vệ sinh phòng ốc thì vẫn thực hiện hàng ngày như quy định"
Bà Từ Thanh Minh (Phó hiệu trưởng trường mần non Vinschool, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Nhận thức rõ nguy cơ của dịch bệnh đối với sức khỏe trẻ, hệ thống trường Vinshool đã chủ động ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh bằng rất nhiều biện pháp: Hàng ngày vệ sinh môi trường, các bề mặt giá, tủ, kệ, sàn nhà, tay nắm cửa, cầu thang... bằng dung dịch Sunfanios hoặc Cloramin B. Bình thường dung dịch này chỉ được pha ở mức độ 0,2%, nay tăng lên 0,5%; Hay việc vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của các bé bình thường chỉ tiến hành 1 lần/ tuần thì nay tăng lên 3 lần/ tuần cũng bằng các ngâm rửa đồ chơi bằng dung dịch Sunfanios hoặc Cloramin B, sau đó rửa lại sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch; Hấp, sấy khăn, ca cốc uống nước, bát thìa ăn và đồ dùng hàng ngày của các con; Hàng ngày cứ đến giờ đón trẻ đều có 2 y tá đứng trước cửa ra vào để đo nhiệt độ cho các con trước khi nhận vào lớp. Nếu bé nào có nhiệt độ trên 37,5 độ C sẽ yêu cầu phụ huynh đưa con về nhà theo dõi. Tất cả khách đến trường đều được yêu cầu rửa tay và làm công tác tẩy trùng trước khi tiếp xúc với các bé."
Cô Hằng (Hiệu trưởng trường mầm non VSK - Tây Hồ, Hà Nội) thì cho biết: "Hàng ngày, bác sĩ của nhà trường đều lên lớp để kiểm tra từng trẻ xem có biểu hiện ốm sốt hay không. Nếu trẻ có có dấu hiệu sốt, BGH sẽ báo về gia đình cho trẻ đi khám. Nếu trong lớp chẳng may có một trẻ bị sởi thì cả lớp sẽ phải nghỉ học để tránh lây nhiễm cho những bé khác ở trong trường. Bên cạnh những việc vệ sinh thông thường như tiệt trùng khăn, đồ dùng của trẻ, rửa tay cho trẻ theo quy định thì nay nhà trường đã tăng cường thêm việc nhỏ nước muối sinh lý 0,9% để vệ sinh mắt, mũi, miệng cho các bé. Ngoài ra nhà trường còn tăng cường sữa chua trong chế độ ăn của trẻ để tăng sức đề kháng cho các con".
Một số biện pháp phòng sởi hữu hiệu cho bé
Theo phó giáo sư Bùi Vũ Huy (Trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) thì tiêm phòng sởi vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất cho trẻ.
Khi được hỏi vì sao có những trẻ đã tiêm phòng mà vẫn mắc sởi, bác sĩ Huy giải thích: "Khoảng 85% trẻ được tiêm phòng sởi sẽ không mắc bệnh, còn lại 15% trẻ tiêm rồi nhưng vẫn mắc sởi có thể do sức khỏe của bé không tốt khi tiêm hay vì lý do nào đó gây vô hiệu văcxin. Thông thường, sau khi tiêm 2-3 tuần văcxin mới bắt đầu có hiệu quả ngừa bệnh".
Ngoài việc tiêm văcxin để phòng sởi, bác sĩ Huy khuyên các mẹ nên hạn chế cho con tới chỗ đông người, ngay bản thân cha mẹ cũng hạn chế bởi nếu người lớn nhiễm virus sởi có thể lây cho trẻ. Cần đeo khẩu trang. Ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng.
Bên cạnh đó, trong thời tiết ẩm mốc như hiện nay, việc thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đặc biệt là phòng của bé vô cùng quan trọng để tránh phát sinh và lây nhiễm các nguồn bệnh.