Hollywood vốn là kinh đô điện ảnh, với các tác phẩm nắm giữ vị thế cao nhất ở khắp nơi trên thế giới, nhưng không phải tại Cannes - Pháp, nơi đã từ 7 năm nay chưa có tác phẩm Mỹ nào thắng giải. Thế nhưng, The Tree of Life đã thuyết phục được ban giám khảo khắt khe, và kết quả cuối cùng, giải Cành Cọ Vàng danh giá nhất đã được trao về tay Bill Pohlad và Dede Gardner, hai nhà sản xuất chính của bộ phim. Vậy là kể từ năm 2004, khi bộ phim tài liệu Fahrenheit 9/11 của Michael Moore chiến thắng, điện ảnh Mỹ mới có dịp "nở mày nở mặt" tại Pháp, nơi vốn là sân nhà của các bộ phim đến từ châu Âu.
Robert De Niro, trưởng ban giám khảo của LHP Cannes 64 cho biết, họ đã phải do dự rất nhiều vì các ứng cử viên lần này đều quá xuất sắc. Tuy nhiên, cuối cùng The Tree of Life, với chiều sâu ý nghĩa, các ý tưởng độc đáo, những khung hình vĩ đại tuyệt đẹp về đời sống bình dị lẫn tạo hóa vĩ mô đã thuyết phục tất cả giám khảo.
Êm ái như một bản giao hưởng, từ phút mở đầu đến lúc khép màn, The Tree of Life không vội vã mà thong dong, đưa người xem qua các lát cắt tưởng chừng giản dị mà ẩn chứa nhiều tầng lớp ý nghĩa về cuộc sống. Nền tảng của bộ phim là cuộc sống của một gia đình 5 thành viên giản dị ở Texas vào thập niên 50, với ba cậu con trai và những diễn biến tâm lý khó hiểu của ông bố (Brad Pitt). Rồi người con cả, Jack (Sean Penn thủ vai) lớn lên, thành đạt trong sự nghiệp, nhưng tận sâu trong tâm hồn là sự băn khoăn, lạc lối không thoát ra được. Tâm hồn anh chơi vơi trong chuỗi ký ức: cơn nóng giận khủng khiếp của người cha, tình yêu dịu dàng êm đềm của mẹ, cái chết buồn bã của em trai, và trên cả là sự thiếu vắng niềm tin với cuộc sống của anh.
Đồng thời, lồng ghép vào mạch ký ức ấy của anh là những khung hình tuyệt mỹ về sự khai sinh của vũ trụ, của tạo hóa, khi thế giới mới bắt đầu chớm nở hàng triệu năm về trước. Tất cả xen kẽ với nhau, nhịp nhàng, đồng bộ, như nhiều tầng lớp chồng lên nhau của sự sống nói chung, từ vi mô như cuộc đời mỗi con người nhỏ bé, đến vĩ mô như sự tạo thành của một hành tinh từ cát bụi. Chúng đều được điều khiển bởi một mối liên hệ, mối ràng buộc thay quy luật, mà Jack O’Brien đang đấu tranh để tìm ra trong tâm trí.
The Tree of Life nhịp nhàng chuyển đổi giữa các lát cắt phong phú, đa hình đa dạng của sự sống. Nổi bật là các khung hình tuyệt đẹp của sự khai sinh vũ trụ. Từ đống bụi mù hỗn loạn, qua vụ nổ khủng khiếp, vũ trụ được sáng lập, mỹ mãn với một cấu trúc tuyệt vời. Đạo diễn Terrence Malick đã tìm đến rất nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới, tham khảo và tìm hiểu kiến thức từ họ, để xây dựng nên những khung hình hợp lý nhất. Kết hợp với phần nhạc nền do nhà soạn nhạc tài ba Alexandre Desplat người Pháp từng 3 lần nhận đề cử Oscar (The Curious Case of Benjamin Button, The Queen và The King’s Speech), khán giả sẽ phải choáng ngợp trước sự phối hợp ngoạn mục giữa hiệu ứng thị giác và thính giác.
Mạch đập chính của The Tree of Life vẫn xoay quanh gia đình và các yếu tố cấu thành nó: tình yêu thương, che chở, sự dạy dỗ, răn đe, sự rạn nứt và đổ vỡ, mâu thuẫn và xung đột, cái tôi tự đắc và khiêm tốn, niềm tự hào và nỗi hổ thẹn… Hơn thế nữa, câu chuyện được tái hiện vừa cụ thể vừa bao quát, trong một ngữ cảnh không biên giới, không thời gian, từ đó ai cũng có thể tìm thấy mình thật quen thuộc trong bối cảnh ấy.
“Đạo diễn Terrence Malick sở hữu một tài năng thiên phú, ngôn ngữ điện ảnh của ông không giống với một người nào khác. Terrence có khả năng tạo cho người xem cảm giác quen thuộc với những thước phim của ông, biến cốt truyện thành một tấm giấy vẽ còn chỗ trống, và mọi người đều có thể thêm phần của mình vào”, nhà sản xuất Grant Hill phát biểu.