Nếu tận mắt nhìn thấy một xưởng sản xuất kem “nhái”, không ít người sẽ bất ngờ và “sởn gai ốc” trước cơ sở vật chất và qui trình chế biến thiếu vệ sinh.
Nguyên liệu không nguồn gốc
Không chỉ thiếu vệ sinh trong cơ sở vật chất, các xưởng kem “bẩn” này còn sử dụng những nguyên liệu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc để giảm giá thành sản phẩm. Những can hương liệu, bột tạo màu không nhãn mác được sử dụng hết sức “hồn nhiên”.
Vấn đề đóng gói và bảo quản cũng là một trong những yếu tố gây lo ngại. Những sản phẩm từ các xưởng kem “bẩn” này thường không có bao bì hoặc nếu có thì được đóng gói không đúng qui cách và không có thời hạn sử dụng. Một số sản phẩm chỉ ghi “Sử dụng trong vòng 10 ngày” nhưng lại không ghi rõ ngày sản xuất hay địa chỉ cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó khâu đóng gói bằng tay không cũng tiềm ẩn rất nhiều ẩn họa cho sức khỏe người tiêu dùng.
Cẩn tắc vô áy náy
Kem là sản phẩm ăn liền nên cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối tượng chính của những xe kem “bẩn” này là trẻ em – đối tượng rất thích ăn kem nhưng lại không chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm. Đặc biệt, hệ tiêu hóa của trẻ em còn yếu nên nếu ăn phải những loại kem kém chất lượng như thế sẽ rất dễ gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại cũng như lâu dài.
Chính vì thế, cha mẹ nên thận trọng khi hướng dẫn cho trẻ lựa chọn những món quà vặt để giải nhiệt mùa hè, hạn chế cho trẻ ăn quà vặt lề đường. Cần tập cho trẻ thói quen lựa chọn những loại kem có nhãn mác quen thuộc, uy tín, sử dụng những nguyên liệu rõ nguồn gốc và áp dụng qui trình sản xuất đạt tiêu chuẩn cũng như đảm bảo những yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.