Quặn đau người ở lại
Phải qua mấy lần khách gọi, cánh cửa kéo của ngôi nhà nhỏ mới được mở ra. Giữa gian chính là ban thờ với di ảnh của em Đào. Gương mặt ngây thơ, trong sáng.
Nỗi đau mất con khiến vợ chồng chị Bùi Thị Lựu và anh Nguyễn Đình Đạo (bố mẹ nạn nhân) gần như không ngủ, cứ chợp mắt là hình ảnh con lại hiện về ám ảnh, cũng chẳng đủ bình tĩnh để nói hết câu chuyện đã xảy ra.
Người bố lẳng lặng đi sang nhà hàng xóm ở cạnh đó, ngồi bệt xuống hiên nhà, cằm tựa vào đầu gối, mắt vô hồn nhìn chẳng rõ về đâu.
Người mẹ chỉ nói được vài câu rồi lại bật khóc. Chiếu được trải ngay bên cạnh chị chẳng ngồi, chỉ thu người ngồi khóc nấc dưới sàn nhà lạnh lẽo.
“Ối, con ơi là con. Sao con bỏ mẹ đi chẳng nói được một lời? Con chết mà mẹ chẳng ở cạnh bên, nằm lạnh dưới ao kia hả con ơi?” - chị khóc. Chị nhớ về thằng con trai ngoan ngoãn, hay giúp trông em, thổi cơm mỗi khi bố mẹ vắng nhà.
“Nó vẫn hay gọi điện cho bố mẹ mỗi khi thấy hai người về muộn, hỏi nhỏ bố mẹ đã ăn cơm chưa?” Cái thằng mà “chỉ biết quẩn quanh ở nhà, chẳng bao giờ bỏ đi chơi quá lâu như thế” giờ ra đi khiến ai cũng thương nhớ, xót xa.
Mẹ cậu bé đã tính toán, gom góp tiền sau này cho con đi du học. Vậy mà Đào đi nhanh quá, xa quá rồi. Cậu bé ngoan của gia đình, trường lớp, thôn xóm đang ở một phương trời khác mà mãi mãi mọi người không được gặp nữa...
Buổi trưa định mệnh
Vào cái buổi trưa định mệnh ngày 7/2 đó, lúc 11h30, chị Lựu ra ngóng vào trông mà chẳng thấy con về. Linh tính mách bảo người mẹ có chuyện gì xảy ra với con, bởi “có bao giờ nó về muộn thế đâu”.
Tuổi đã ngoại lục tuần, trải qua biết bao vất vả, khổ đau, thấy các con tiều tụy, ông Nguyễn Đình Mặc (ông nội của Đào) nhủ lòng phải mạnh mẽ để đứng ra lo chuyện cho con, cho cháu.
Ngồi cạnh chị Lựu, ông vừa kể lại chuyện vừa đưa mắt buồn nhìn về phía con dâu.
“Lo lắng, bố mẹ cháu mới đi hỏi các bạn thì được biết cháu đã tan học rồi. Có một cháu phát hiện ra Thuấn bắt Đào phải đèo về thôn Thiên Phúc cũng cùng xã Trung Chính (thôn của Thuấn-PV).
Quá chiều không thấy con về, chiều và tối hôm 7/2, vợ chồng nó lên nhà Thuấn hỏi. Nhưng cháu kia chỉ nhận bảo Đào đưa về đến đầu làng” – ông Mặc kể lại. Đến tối, ruột nóng như lửa, lo lắng bởi “cháu trai đã đi cùng với cậu học trò kia vốn tiếng lì lợm và họ hàng có “số má”, lịch sử tù tội” nên ông Mặc đã gọi điện báo cho C.A xã.
Bản thân ông suy nghĩ có thể Thuấn sẽ lấy xe, giấu cháu ông ở đâu nên cháu sợ không dám về. Rồi bóng đêm cứ lạnh lùng trôi đi, rét mướt thấu tim gan khiến ông và mọi người lo lắng nghĩ tới “chuyện chẳng lành”.
Họ hàng, làng xóm nhiệt tình sang giúp, ông nhờ họ đứng chặn ở những điểm quan trọng nhất để thấy ai khả nghi thì gặng hỏi tung tích cháu. Rồi ông sợ cháu bị tai nạn, nhưng những người đi tới các bệnh viện quanh đó cũng không thấy. Đêm dài lê thê qua đi, cháu ông vẫn không thấy về. Sáng hôm sau ông tới trường hỏi thì biết Thuấn vẫn đi học bình thường.
Rồi khi vị Phó chủ tịch xã Trung Chính Bá Đình Cầu mang chiếc cặp sách của Đào nhặt được ở trang trại nhà mình ngoài cánh đồng vào, những đầu mối đã được xác định... Sau này, vợ của ông Cầu vẫn chưa khỏi bàng hoàng kể lại: “8 ngày rồi mà tôi vẫn hoang mang, máu nhiều quá”, những vết máu loang lổ khắp từ cổng vào tới đống rơm. Bà tưởng vết máu chó cắn nên mang chỗ rơm dính máu đi đốt, cổng thì cọ sạch.
Mãi rồi ông Mặc cũng tìm được cháu trai đang nằm lặng dưới đáy ao sâu ở trang trại của ông Cầu...
Sát thủ máu lạnh Những vết dao chém ở đầu, ở cổ khiến những người như vị Trưởng công an xã Phí Hữu Kỷ với mười mấy năm trong nghề và nhiều người không khỏi rùng mình run sợ.
Phải mãi cho tới khi C.A huyện Lương Tài vào cuộc, đấu tranh khai thác Thuấn mới cúi đầu, khai nhận tội ác.
Động cơ được hung thủ nhí này khai nhận lúc này vẫn là từ việc thích chiếc xe đạp X-game của Đào (mới được ông ngoại mua tặng cho em hồi đầu năm học), chứ trước đó hai em không hề có xích mích.
“Đáng sợ hơn là sau khi gây án, Thuấn còn lạnh lùng về nhà ăn cỗ, chiều đi học bình thường mà không có biểu hiện gì lạ. Tối 7/2, Thuấn và bố được CA xã mời đến nhưng vẫn chỉ là một khuôn mặt lạnh tanh và sự lì lợm của Thuấn” – phó CA xã Nguyễn Văn Tấn nhớ lại.
Vẫn lời anh Tấn: “Thậm chí khi chúng tôi ập vào trường sáng 8/2 (khi xác của Đào đã được tìm thấy), tôi cố tình nói to việc tới đây sẽ làm gì mà cháu Thuấn vẫn coi như không biết. Trước đó, Thuấn còn mang xe đạp của Đào đi sửa, có lẽ nếu không bị phát hiện có thể Thuấn vẫn dùng nó tới trường”. Bác Hoàng Trọng Vĩnh, hàng xóm nhà em Đào - người cũng trắng đêm tìm cháu cùng gia đình chị Lựu không khỏi bàng hoàng: “Thuấn thấp, nhỏ còn Đào cao và nặng. Lúc đầu mọi người chỉ nghĩ cháu là tòng phạm. Chẳng ai ngờ cháu lại là kẻ giết người. Mong pháp luật xử thật nghiêm những kẻ giết người không ghê tay như thế”. Từ những nguồn thông tin ban đầu hỏi được từ phía công an, ông Mặc cũng phân tích chuyện Thuấn hành động không phải bột phát mà có chủ ý, đã chuẩn bị từ trước, hành động xong lại phi tang xác rồi lạnh lùng như không và ông mong muốn: “Từ chuyện của Lê Văn Luyện giết người khi chưa đủ 18 tuổi đến chuyện của cháu tôi. Thực sự tôi chỉ mong pháp luật cần phải làm nghiêm, để những kẻ giết người máu lạnh phải được chịu hình phạt thích đáng”.