TIN TỨC » Dòng sự kiện

Rau sạch "uống" thuốc tăng trưởng đua với cơn sốt giá

Thứ năm, 19/09/2013 14:49

Hà Nội đã cho bán mặt hàng rau sạch tại nhiều điểm trên toàn thành phố, tuy nhiên, độ sạch cần kiểm tra lại.

Trung tâm chứng nhận sự phù hợp tiêu chuẩn - Quacert (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) định nghĩa: “Rau sạch” là loại rau canh tác trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên: không bón phân hóa học; không phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học; không sử dụng thuốc trừ sâu; không phun thuốc kích thích sinh trưởng; phân bón hoàn toàn là phân hữu cơ (bón gốc và bón qua lá); không dùng hóa chất bảo quản...

Tuy nhiên, ngày 18/9, khi có mặt tại những vườn rau gắn mác “rau sạch” tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng rất đại trà và thường xuyên. (Người phụ nữ đeo bình phun thuốc sâu tiến vào bãi rau an toàn).

Người nông dân này đang bóc một gói thuốc trừ sâu cho vào bình xịt, mùi thuốc bốc lên rất nồng.

Sau khi bơm nước vào bồn, nước sủi bọt trắng và mùi thuốc còn nồng hơn so với lúc trước.

Những gói thuốc dùng xong họ cho vào túi nilon, để ngay bên cạnh ruộng. Theo quan sát tại hiện trường cho thấy mỗi bình nước thế này người nông dân dùng 5 loại thuốc, mỗi loại 2 gói.

Nhặt vỏ thuốc về nhà quan sát kỹ hơn, phóng viên nhận thấy trong đó có 2 loại thuốc có ghi chữ “cực mạnh”. Một loại là thuốc kích thích có tác dụng “Siêu ra rễ cực mạnh, siêu thúc bật chồi nhanh”. Còn một loại thuốc diệt bệnh nấm trên cây “lưu dẫn cực mạnh”. Ngoài ra còn có những gói thuốc vỏ màu bạc, không có tên.

Khi hỏi người nông dân này về việc sử dụng thuốc trừ sâu với rau an toàn, cô khẳng định luôn không có việc phun thuốc trừ sâu trên những ruộng rau này, còn những người nông dân kia đang phun chất chống mốc, ẩm vì mấy hôm nay mưa nhiều quá.

Tuy nhiên, sau một hồi quanh cọ, họ cũng thừa nhận là đang phun thuốc trừ sâu cho cây trồng. Người nông dân thật thà này còn cho biết đôi khi vẫn dùng thuốc kích thích và một số loại thuốc để rau được đẹp, xanh hơn.

Cô còn nhấn mạnh rau thiếu thuốc sâu, thuốc kích thích rất khó lớn, dễ bị sâu bệnh.

Điều đáng ngạc nhiên, những loại thuốc được sử dụng trong vườn rau của VietGAP cũng được sử dụng đại trà ở những vườn rau đơn lẻ, không phải “rau sạch”. (hình ảnh vỏ thuốc trừ sâu của một vườn rau nhỏ ở Cổ Nhuế, Hà Nội)

Nhiều người dân ở các xã xung quanh cũng canh tác rau ở những xã xung quanh cho biết, hiện tại họ cũng canh tác theo kỹ thuật sản xuất như những ruộng rau sạch, và đều phải dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Khi hỏi những người nông dân trồng rau trong khu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, họ cho biết trung bình hơn 20 ngày sẽ thu hoạch được rau cải. Trong khi đó, những người dân canh tác bên ngoài ruộng rau sạch cho biết trung bình 30 ngày sẽ thu hoạch được rau cải, nếu dùng thuốc thúc đẩy thì sẽ nhanh hơn, chỉ khoảng 20 ngày”.

Hiện tại giá rau ngoài thị trường đang rất cao. So với cuối tuần thứ 2 của tháng 9, giá bí xanh tăng từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng/kg; cà chua từ 20.000 đồng lên 28.000 đồng/kg; đậu xanh 25.000 lên 30.0000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, các loại rau sống cũng tăng cao. Đơn cử như: xà lách 80.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng); hành lá 30.000 đồng/kg (tăng 12.000 đồng)… Đáng chú ý, một số loại rau ăn lá được tiêu thụ nhiều như rau muống, tăng phi mã từ 10.000 đồng/bó lên 18.000 đồng; mồng tơi cũng tăng từ 8.000 đồng lên 15.000 đồng/bó. (Ảnh: Ngọc Thắng)

Theo lý giải của tiểu thương tại các chợ, dư âm mùa mưa bão chưa hết thì nay lại thêm kiểu thời tiết sương muối khiến cho rau chết hoặc có lên cũng rất xấu vì thế nguồn cung đổ về chợ giảm, rau khan hàng nên giá cả tăng mạnh. Một người trồng rau ở Cổ Nhuế cho biết: “Hà Nội còn phải nhập rau từ các tỉnh lân cận mà còn không có mà bán”.

Rất có thể, sự khan hiếm của thị trường khiến nhu cầu tăng tốc độ thu hoạch của các vựa rau ngày càng trở nên cần thiết (Minh Tú thực hiện).

Theo Baodatviet.vn
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới