Ngoài ra khán giả còn được tham gia cuộc tọa đàm “Từ sách lên màn ảnh” về vấn đề chuyển thể cuốn tiểu thuyết “Norwegian Wood” (Rừng Nauy).
Chương trình có sự tham gia của hai vị khách mời đặc biệt: ông Phạm Xuân Nguyên (Viện văn học) & bà Hoàng Cẩm Giang (Giảng viên Khoa Nghệ thuật học, Đại học KHXHNV).
Tiểu thuyết “Rừng Na-uy” đã trở nên quen thuộc và xứng đáng là hiện tượng văn học dịch có lượng độc giả nhiều bậc nhất trong vài năm gần đây tại Việt Nam, nhưng không vì thế mà Rừng Na-uy giảm sức hấp dẫn, lôi cuốn mỗi lần được hiện diện hay nhắc đến, đặc biệt là trong giới trẻ, khiến chúng ta tin vào một hiệu ứng Rừng Na-uy sẽ còn mạnh mẽ và bền lâu hơn nữa kể từ khi nó được đánh giá là kiệt tác văn học. Không thể dừng lại mỗi khi cuốn sách kể về những trải nghiệm thanh xuân mà Watanabe, Naoko, Midori lần lượt vấp phải băng qua, từ tình yêu, tình dục, sự trống rỗng, nỗi cô đơn hay cả cái chết. Bằng sự tỉnh thức của kí ức và giọng điệu hoài niệm như là cách duy nhất sẵn sàng để tường trình chân dung thế hệ mình, Haruki Murakami, tác giả cuốn sách, đã cho thấy một Nhật Bản lớn lao và đẹp đẽ khác thường lấp lánh đằng sau thế hệ 1960 đó, để giờ đây nó thật đồng điệu ở/với nhiều nơi và nhiều thế hệ, bất chấp ranh giới địa lí và màu da, ngôn ngữ…