Như tin đã đưa, chiều 9/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra lệnh bắt khẩn cấp 3 đối tượng Nguyễn Duy Vường (sinh năm 1967, trú tại phương Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) và 2 nhân viên phụ trách kĩ thuật sản xuất, pha chế loại rượu trên là Trần Xuân Mạnh (sinh năm 1983, trú tại xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình - hiện trú tại phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội), Đặng Văn Cảnh (sinh năm 1977, trú tại xã Song Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình - hiện trú tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội).
Sau khi bị bắt giữ, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội và hai nhân viên phụ trách kĩ thuật sản xuất, pha chế rượu đã bị Cơ quan CSĐT dẫn giải đưa về nhà tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh. Nguyễn Duy Vường tiếp tục khai nhận đã nhập một số lượng cồn dùng để pha chế lô rượu sản xuất ngày 12/10/2013 của Nguyễn Thị Thu Hà, tuy nhiên mọi giao dịch đều được liên lạc qua điện thoại và lấy hàng không kí kết hợp đồng nên hiện nay Hà ở đâu, làm gì Vường không biết. Do chủ quan và tin tưởng bạn hàng, Vường đã không cho kiểm tra rõ xuất xứ của lượng cồn nhập và không cho kiểm định xem có đảm bảo chất lượng hay không. Vường còn khai nhận, những lô hàng sản xuất trước đây, lượng cồn dùng để pha chế được nhập của các công ty lớn trong nước, có thương hiệu và uy tín, nhưng do mùa phục vụ Tết đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ rượu trên thị trường tăng mạnh nên đã lấy thêm số lượng cồn của Nguyễn Thị Thu Hà để sản xuất phục vụ kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng. Toàn bộ khâu kĩ thuật pha chế, Vường giao cho Cảnh phụ trách. Để sản xuất được 1 lít rượu nếp 29 Hà Nội, Cảnh cho biết đã pha chế 30% cồn với 70% nước cộng với hương liệu nhất định trộn đều rồi đóng chai bán ra thị trường.