TIN TỨC » Dòng sự kiện

SEA Games 31 là sự tiếp nối câu chuyện văn hóa trong sự kiện thể thao và tinh thần đoàn kết Đông Nam Á

Thứ tư, 25/05/2022 12:06

Vượt lên trên câu chuyện thể thao thông thường, đạo diễn nghệ thuật Hoàng Công Cường và Ekip đã khéo léo lồng ghép câu chuyện văn hóa có tính chất tiếp nối liên tục.

SEA Games 31 không phải là sự kết thúc mà chỉ khép lại một trang sử đẹp, viết tiếp hành trình mới với nhiều điều ý nghĩa hơn trong mối quan hệ gắn kết bền chặt giữa các nước Đông Nam Á bằng sức mạnh và tinh thần thể thao.

Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 đã kết thúc thành công tốt đẹp và khép lại bằng lễ Bế mạc ấm cúng tại Cung điền kinh trong nhà Mỹ Đình. Chương trình với sự tham dự của lãnh đạo Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, đại diện các sở ban ngành liên quan, đại diện đoàn thể thao của 11 quốc gia trong khu vực cùng hàng ngàn các vận động viên quy tụ trong sự kiện ý nghĩa này.

Tổng đạo diễn – NSƯT Trần Ly Ly và đạo diễn nghệ thuật Hoàng Công Cường.

Trên cương vị là đạo diễn sân khấu của lễ Khai mạc và Bế mạc, đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ: “Lễ Bế mạc là sự tiếp nối câu chuyện văn hóa từ lễ Khai mạc, khép lại chương 31 trong hành trình SEA Games, là dấu chỉ mở ra chương mới - chương 32 và người anh em Campuchia sẽ viết tiếp câu chuyện này. Bởi vậy, quý vị sẽ thấy một câu chuyện văn hóa là yếu tố xuyên suốt trong các chương trình nghệ thuật của SEA Games lần này”.

Việt Nam chính thức trao cờ cho Campuchia Đăng cai SEA Games 32.

Được chọn làm nơi diễn ra lễ Khai mạc và Bế mạc SEA Games, là nơi diễn ra 18/40 môn thi đấu trong khuôn khổ SEA Games, hình ảnh thủ đô Hà Nội là một phần quan trọng tạo nên dấu ấn của đại hội thể thao lần này. Chương trình của lễ Bế mạc tái hiện thủ đô địa linh nhân kiệt với những hình ảnh, biểu tượng đã đi vào lịch sử: Những góc phố cổ, cầu Long Biên, chùa Một Cột, Tháp Rùa hay những chiếc xích lô đi cùng thăng trầm của dân tộc Việt Nam, ghi nhắc trong tâm khảm mỗi người con đất Việt. Tất cả hòa quyện trong không gian nghệ thuật với liên khúc những giai điệu về Hà Nội như Nồng nàn Hà Nội, Hà Nội niềm tin và hy vọng,... mang đến phần mở màn ấn tượng cho lễ Bế mạc.

Hình ành văn hóa về Thăng long Hà Nội.

Những câu chuyện văn hóa mà đạo diễn Hoàng Công Cường và ekip truyền tải đến công chúng không đơn thuần là nét văn hóa riêng biệt của Việt Nam mà ở đây có sự gần gũi, thân thương, hòa quyện với màu văn hóa chung của cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á. Kép lại chương 31 với những dấu ấn đẹp đẽ, những thước phim xúc động về hành trình “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” đã qua, ekip dành kết mở hướng đến chương 32. Chương mới được viết tiếp bởi người anh em Campuchia. Màn trao cờ đăng cai SEA Games 32 cho Campuchia là dấu ấn khởi đầu một hành trình mới.

Nét văn hóa Campuchia tái hiện chân thực trên sân khấu lễ Bế mạc SEA Games 31.

Những câu chuyện văn hóa thú vị về đất nước chùa Tháp được tái hiện trên sân khấu lễ Bế mạc giữa Việt Nam thân thiện và mến khách. Những tiết mục nghệ thuật đặc sắc như: Màn thổi tù và Bangkauk Snaeng; Màn nhảy múa Hoa hồng Phnom penh” Do Hoàng thượng Norodom Sihanouk; Vị vua Anh hùng vĩ đại - Cha đẻ của nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất dân tộc của người Khmer sáng tác; Tinh thần Chiến đấu - “Combat Spirit” do Liên đoàn Võ thuật Kun Bokator biểu diễn; Múa đương đại - Linh vật Bồ câu trắng - do các nghệ sĩ Bộ Văn hóa và Mỹ thuật biểu diễn, đây là bài hát chào đón và chúc phúc cho Campuchia chiêu đãi người xem món ăn tinh thần đặc sắc.

MC Đức Bảo, đạo diễn Hoàng Công Cường, MC Thụy Vân (thứ tự từ trái sang phải).

Sau những tiết mục đặc sắc đến từ nước bạn Campuchia, chúng ta tiếp đón nước bạn bằng “đặc sản” của Việt Nam. Đó là chùm dân ca quan họ Bắc Ninh với những tác phẩm kinh điển: Mời nước mời trầu - Giã bạn - Người ơi người ở đừng về, di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận được tái hiện trên sân khấu lễ Bế mạc, mang đến sắc màu thú vị, đó là lời chào lưu luyến, tạo dấu ấn khó phai trong lòng bạn bè quốc tế.

Tiết mục dân ca quan họ Bắc Ninh.

Liên khúc Led Dance đến từ nhóm Led Dance 218 - nhóm nhảy vào chung kết Asia's Got Talent. Phần biểu diễn kết hợp công nghệ cùng với vũ đạo và tạo hình, nhịp điệu của màn nhảy múa là sự nối tiếp từ truyền thống đến hiện đại, kết thúc bởi sự hiện diện hình ảnh lá cờ của 11 nước tham dự SEA Games 31 thể hiện tinh thần đoàn kết – yêu thương – hợp tác và cùng phát triển của các quốc gia Đông Nam Á anh em.

Liên khúc về Việt Nam khép lại lễ Bế mạc Sea Games 31.

Khép lại lễ Bế mạc là liên khúc Diệu kì Việt Nam - Ngàn ước mơ Việt Nam - Việt Nam tươi đẹp - Việt Nam những chuyến đi - Những trái tim Việt Nam - Việt Nam hoà thanh cùng năm châu được thể hiện bởi những ca sĩ trẻ đầy nhiệt huyết như Uyên Linh, Văn Mai Hương, Dương Hoàng Yến, Hà Nhi, cùng với sự góp mặt của hàng trăm vận động viên Dance Sports, thể dục dụng cụ và các nhóm nhảy hiện đại tạo nên một bầu không khí sôi động về tinh thần thể thao kết nối thế giới, vượt qua những thách thức của cuộc sống đồng thời đây là lời cổ vũ nồng nhiệt nhất dành cho nước bạn Campuchia trong hành trình SEA Games 32.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông chúc mừng đạo diễn Hoàng Công Cường và ekip HCC.

Với lễ Bế mạc thành công trọn vẹn, truyền tải tinh thần “Hội tụ để tỏa sáng”, đạo diễn Hoàng Công Cường và ekip đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Hoàng Công Cường chia sẻ: “Đây là sự kiện vô cùng ý nghĩa mà quốc gia giao phó cho tôi đảm nhận vai trò đạo diễn nghệ thuật lễ Khai mạc và Bế mạc SEA Games 31 chắc chắn sẽ là kỷ niệm không thể nào quên trong hành trình cuộc đời tôi. Tôi, ekip HCC Việt Nam cùng các cộng sự đã hoàn thành trọng trách đó. Hy vọng một ngày nào đó khi SEA Games tiếp tục quay trở lại với đất nước mình, tôi sẽ nhìn thấy những thế hệ kế cận của mình viết lên những điều phi thường mang tên Việt Nam”.

Một số hình ảnh của lễ Bế mạc SEA Games 31:

Tổng đạo diễn - NSƯT Trần Ly Ly (Bên phải)

Đạo diễn âm nhạc Bùi Huy Tuấn

Ekip VTV - Đài THVN

Đạo diễn sân khấu Hoàng Công Cường (Bên trái)

Ekip "Ngôi nhà chung HCC"

HX, Photographer: Thế Dương APD (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)