Trong clip, có thể thấy những đứa trẻ khóc thét lên khi bị các bảo mẫu đánh. Có em bị đánh đến thâm tím cả mông. Có bé lớn hơn lại bị cô bảo mẫu (đang mang bầu) cầm roi chỉ vào mặt, khiến cháu vô cùng sợ hãi.
Không những thế, một trong các bảo mẫu còn dựng nghiêng chiếc cũi trong đó có một cháu bé. Điều này có thể gây nguy hiểm cho cháu nếu chiếc cũi bị trượt, đổ.
Sự việc được xác định diễn ra tại một cơ sở từ thiện của anh Tống Phước Phúc trên đường Phương Sài, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Chúng tôi tìm đến địa chỉ này và ghi nhận đây là căn nhà khá khang trang, nuôi dưỡng trẻ mồ côi và những bà mẹ "trót dại". Theo lời kể của anh Phúc, anh làm nghề xây dựng, vợ buôn bán nhỏ, cuộc sống không mấy dư dả nhưng lòng tốt của đôi vợ chồng này thì có thừa. Trong một lần đưa vợ đi sinh tại bệnh viện cách đây hơn 10 năm, anh Phúc chứng kiến cảnh nhiều bà mẹ trẻ, do “trót dại” nên khi sinh em bé xong là để con lại bệnh viện và bỏ đi.
Cảm thương trước số phận bất hạnh ấy, vợ chồng anh Phúc mang đứa bé về nuôi. Nghĩa cử này vô tình “làm mối” cho những cô gái lỡ lầm, rồi nhà anh thành địa chỉ tin cậy của những đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi. Nghe tin đứa trẻ nào bị bỏ rơi ở đâu, vợ chồng anh cũng đến tìm đến rồi đem về nuôi. Dần dần, nhà anh thành trại trẻ mồ côi tự lúc nào.
Từ năm 2004 đến nay, vợ chồng anh đã đón trên 100 đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi, trong đó có những trường hợp cả mẹ lẫn con được đón về nuôi từ khi mẹ mang bầu cho đến lúc sinh con.
Trong số trên 100 em được vợ chồng anh nuôi nấng 8 năm qua, có em đã được mẹ chúng đến nhận về, cũng có em đã lớn và được chuyển đến những các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi lớn hơn. Thế nhưng, vừa qua, trên mạng Youtube bỗng lan truyền một clip dài hơn 1 phút, ghi lại cảnh những cô bảo mẫu của Cơ sở bảo trợ ngoài công lập Phước Phúc của anh đánh đập bọn trẻ “không chút nương tay”.
Clip gây "sốc" được đăng tải trên Youtube
Khi PV hỏi: “Sao anh không nhắc nhở để các cô đánh lũ trẻ quá tay vậy?”, anh Phúc thanh minh: “Nhà tôi nuôi hơn 20 trẻ, lại cưu mang 5-7 cô gái “trót dại” chờ sinh nở nữa mà nguồn thu chính là công việc của tôi (anh Phúc làm nghề xây dựng) nên suốt ngày tôi phải đi làm kiếm gạo về nuôi lũ trẻ.
Tôi có dặn mấy cô ấy là không được đánh lũ trẻ nhưng anh biết đó, mấy cô này phần lớn đều không được học hành tử tế, không nhận thức được hậu quả của việc đánh đập trẻ em đâu. Lúc tôi ở nhà thì cô-cháu đều vui vẻ, dạy chữ và dạy hát nhưng hễ tôi ra khỏi nhà là các cô ấy quên ngay lời dặn”.