TIN TỨC » Dòng sự kiện

Sử dụng "thuốc thịt người": Công dụng chưa thấy, nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm đã rõ

Chủ nhật, 27/05/2012 08:43

Trước đó, nhiều PV khi nhập vai chủ hiệu thuốc đông y đang có nhu cầu gom nhau thai về bào chế, đã dễ dàng đặt mua được nhau thai tươi, cung cấp thường xuyên tại một số BV với giá 200.000 đồng đến 300.000 đồng/kg.

Bán tín bán nghi Gần đây, trước thông tin nhiều tờ báo cho biết việc mua bán nhau thai tươi và khô dễ dàng, giá cũng "mềm", dù bán tín bán nghi nhưng không ít người đã tìm mua để bồi bổ sức khỏe, chữa yếu sinh lý. "Kể cũng lạ, cái gì bị "cấm" cũng "hấp dẫn" hơn thì phải, khi báo chí chưa đưa tin, ít người mua, nhưng gần đây, số người tìm tử hà sa (nhau thai khô) nhiều hẳn lên", một chủ tiệm thuốc đông y cho biết. Trước những thông tin này, ngày 9-5 vừa qua, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, TP hợp với các lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường, Công an, Ban chỉ đạo 127 địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cũng đã làm việc với BVĐK Sơn Tây trước thông tin BV này để tình trạng nhau thai tươi lọt ra ngoài, mua bán công khai.

Ông Phùng Xuân Trường, Giám đốc BVĐK Sơn Tây cho biết, đã yêu cầu các khoa Phụ sản, Phẫu thuật gây mê hồi sức, bộ phận thu dọn chất thải kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm, đồng thời yêu cầu khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn kiểm tra lại toàn bộ quy trình quản lý chất thải, khắc phục ngay kẽ hở làm phát sinh thất thoát chất thải. Ông Nguyễn Khắc Hiền cũng cho hay, tại Hà Nội, ngoài BVĐK Sơn Tây, Sở Y tế chưa phát hiện cơ sở y tế nào vi phạm vấn đề quản lý nhau thai, nhưng thời gian tới, Sở vẫn kiểm tra đột xuất một số khoa Sản về quy trình xử lý chất thải y tế. Trước đó, nhiều PV khi nhập vai chủ hiệu thuốc đông y đang có nhu cầu gom nhau thai về bào chế, đã dễ dàng đặt mua được nhau thai tươi, cung cấp thường xuyên tại một số BV với giá 200.000 đồng đến 300.000 đồng/kg. Còn nhau thai khô cũng được nhiều cửa hàng thuốc đông dược ở phố Hải Thượng Lãn Ông bán với giá 130.000 đồng đến 170.000 đồng/lạng.

Nhau thai tươi là chất nguy hại, nghiêm cấm mua bán. Ảnh: TL

"Mù mờ" công dụng! Tuy nhiên, điều đáng nói là với cả nhau thai tươi và khô, cả người bán lẫn người mua đều "mù mờ" về công dụng, chỉ "quảng cáo" và hướng dẫn sử dụng theo kiểu truyền miệng. Hiện, ngành Y tế không xem nhau thai là dược phẩm, cũng không có chỉ dẫn nào về công dụng của loại "sản phẩm thịt người" này. Nhiều người truyền tai nhau rằng, nhau thai có tác dụng giúp cơ thể cường tráng, trẻ trung, thậm chí điều trị được bách bệnh. Đặc biệt là dưỡng huyết, ích khí nên có thể dùng chữa thần kinh suy nhược, liệt dương, vô sinh; cơ thể suy nhược, khí huyết hư tổn, các bệnh lao, thiếu máu, hen suyễn kéo dài, viêm phế quản mãn tính… Một "bà đỡ" cho biết, cách đây khoảng 20 năm, khi bà còn đỡ đẻ cho cả làng thì có nhiều người lấy nhau thai tươi về ăn. Họ thường băm nhỏ rồi rán với trứng hoặc nướng chả ăn, cũng có người đem ngâm rượu uống. Nhưng "bà đỡ" này không bao giờ ăn vì thấy ghê, dù sao đó cũng là một phần cơ thể con người được bóc ra. Nhau thai là cơ quan liên kết giữa người mẹ và em bé khi còn là bào thai, là một phần thiết yếu của thai kỳ, các chất dinh dưỡng và ôxy được truyền từ máu mẹ đến bào thai qua nhau thai. Nhau thai cũng là một hàng rào chắn giúp bảo vệ thai nhi trước nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Sau khi sản phụ sinh, nhau thai được đào thải, lúc này nhau thai có hình dạng giống như chiếc đĩa, màu đỏ và nặng khoảng 400 đến 600g. Một số bác sĩ đông y cho rằng, trong đông y, nhau thai - tử hà sa vẫn được kê đơn để chữa bệnh. Nhiều tài liệu y học cổ truyền đều ghi công dụng của nhau thai là để trị cơ thể suy nhược, khí huyết hư tổn như có các bệnh lao, thiếu máu, suy nhược thần kinh, viêm phế quản mãn ở người già, hen suyễn kéo dài. Song chỉ nhau thai của những sản phụ hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh truyền nhiễm mới cho tác dụng tốt. Còn nhau thai trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ thì tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nếu sản phụ mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B, giang mai… thì người sử dụng nhau thai rất có thể bị lây nhiễm. Với nhau thai đã được làm khô, nhưng vi khuẩn sống trong dạng bào tử dù bị sấy khô vẫn tồn tại và sẽ xâm nhập vào cơ thể con người, vi khuẩn sống lại, phát triển và gây bệnh cho người sử dụng. Nhau thai nhiễm bệnh không chỉ nguy hại đối với người sử dụng mà còn có thể lây bệnh cho cả người bán, người tiếp xúc.

Trong khi ngành Y tế mới có động thái đi kiểm tra việc lọt nhau thai bán ra ngoài để xử lý cán bộ, thì người dân vẫn "bí mật" mua và sử dụng, không lường hết được hậu quả nếu mua phải nhau thai nhiễm khuẩn, hay của những sản phụ không khỏe mạnh. Trước thực trạng này, ngành Y tế cần lên tiếng về việc nhau thai có tác dụng chữa bệnh hay không, bởi nếu không có quy định rõ ràng, nghiêm túc về mặt khoa học, thì chắc chắn sẽ để lại hậu quả xấu khi nhau thai không rõ công dụng, nguồn gốc trôi nổi trên thị trường và là mầm mống truyền nhiễm các bệnh nguy hiểm.  

“Sản phẩm” từ nhau thai Ảnh: TL

Nhau thai là chất thải y tế nguy hại, nghiêm cấm mua bán! Theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế về Quy chế quản lý chất thải y tế thì, nhau thai là loại chất thải y tế nguy hại nằm trong nhóm chất thải lây nhiễm, và người đứng đầu cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý chất thải y tế từ khi phát sinh đến khâu tiêu hủy cuối cùng.

Điều 4 Quyết định số 43 cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm: Thải các chất thải y tế nguy hại chưa được xử lý, tiêu hủy đạt tiêu chuẩn vào môi trường; Xử lý và tiêu hủy chất thải y tế nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật và không đúng nơi quy định; Chuyển giao chất thải y tế cho tổ chức, cá nhân không có tư cách pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải; Buôn bán chất thải nguy hại; Tái chế chất thải y tế nguy hại.

Còn theo Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT quy định về quản lý chất thải nguy hại, thì chủ nguồn chất thải nguy hại phải tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng chất thải nguy hại phải đăng ký và quản lý, chịu trách nhiệm đối với chất thải nguy hại cho đến khi được xử lý an toàn, triệt để. Như vậy, các BV, cán bộ, nhân viên y tế bị cấm đưa nhau thai chưa tiêu hủy đạt tiêu chuẩn ra môi trường, cấm buôn bán chất thải nguy hại. Còn với người dân, nhau thai thuộc nhóm chất thải nguy hại bị nghiêm cấm buôn bán, tái chế. Các BV bán nhau thai ra bên ngoài đã vi phạm các qui định của Bộ Y tế về quản lý, tiêu hủy chất thải. Còn người bệnh, nếu phát hiện nhau thai của mình bị bán ra thị trường, hoàn toàn có quyền khiếu nại với các cơ quan chức năng về việc cơ sở y tế nơi mình sinh đã không tuân thủ các quy định về xử lý chất thải y tế. Với các nhà thuốc đông y rao bán nhau thai khô cũng là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn rất nhiều nguy hại cho sức khỏe cộng đồng. Tình trạng mua bán nhau thai diễn ra công khai như trên cho thấy các cơ quan chức năng chưa làm tốt vai trò quản lý, giám sát việc mua bán chất thải y tế nói chung và mua bán nhau thai nói riêng. Nhau thai cũng là một bộ phận cơ thể người. Việc mua bán, sử dụng nhau thai không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe bản thân và lây nhiễm bệnh tật cho cộng đồng mà về mặt đạo đức cũng cần phải "xem lại"!

Pháp luật Xã hội