Trước những “sinh vật lạ” mới xuất hiện gần đây khiến nhiều người lo lắng PGS-TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho rằng: Có thể những sinh vật này không phải là lạ. Nhiều bà con chưa từng biết đến nên lần đầu tiên trông thấy và cho là “lạ”. Còn với nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực này thì không có gì lạ. Vì vậy, người dân không nên hoang mang.
Nhiều vụ việc được cho là phát hiện "sinh vật lạ", sau đó cơ quan chức năng kết luận "không lạ". Ví dụ trường hợp chị Nguyễn Thị Chiến ở phường Đông Giang, Đông Hà, Quảng Trị. Sáng 12/10/2012, chị mua thịt lợn sườn của một người quen tại Mai Xá, huyện Gio Linh, về để vào tủ lạnh và khoảng 11h trưa cùng ngày đem ra chế biến món thịt kho.
Món này cả nhà ăn vào bữa trưa hôm ấy bình thường, nhưng khoảng 15h cùng ngày, em gái chị Chiến ăn cơm thấy trong nồi thịt có những ấu trùng lạ màu trắng dài như cây kim, đầu có màu đen.
Ngay sau đó, chị đã gọi điện báo cho các cơ quan chức năng của phường đến xem xét, các cán bộ của Trung tâm y tế dự phòng, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị cũng có mặt để lấy mẫu về kiểm nghiệm. Rất đông người hiếu kỳ tụ tập ở nhà chị Chiến để xem. Vì chưa có kết quả chính thức về những sinh vật này nên xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt liên quan đến các “sinh vật lạ”, “đỉa” có trong thức ăn vẫn sống sau khi đã nấu chín. Dân hoang mang lo lắng.
Theo ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị: Trong mẫu thực phẩm (nhà chị Chiến), ngoài thịt lợn còn có chả, nên có thể do chả để lâu ngày nên trứng ruồi nở thành dòi con. Mặt khác, thời gian để thức ăn sau khi chế biến lâu mới được sử dụng, lại mà không được hâm nóng nên ấu trùng từ trứng ruồi nở ra thành dòi chứ không có “sinh vật lạ” nào khác.
Sau khi điều tra xác minh nguồn gốc, Chi cục cũng đã lấy mẫu thịt còn lại từ người bán cũng như 5 hộ gia đình sử dụng thịt từ người bán này, đều không có vấn đề gì xảy ra.
Cũng trong tháng 10/2012, xuất hiện “sinh vật lạ” trong trứng. Tại khu nhà trọ của gia đình ông Nguyễn Trọng Nam ở số nhà 29, tổ 1, phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên, sinh viên Trần Lai Thành, trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên, mua về hai quả trứng gà. Khi đập trứng ra thì phát hiện hai sinh vật nằm trong phần lòng trắng của quả trứng.
Cùng ngày, Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (Sở Y tế Thái Nguyên), Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Thái Nguyên (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên) đã đến kiểm tra, mang hai sinh vật lạ trên gửi về xét nghiệm.
Kết quả cho thấy, sinh vật trên có kích thước 3,5 x 1,5 mm, buồng trứng trước giác bụng, tử cung gồm nhiều cuộn ở cả trước và sau giác bụng, tuyến noãn hoàn gần mép tinh hoàn. Sinh vật được kết luận là một loài sán lá có tên Prosthogonimus ovatus. Loài sán này thường ký sinh ở túi Fabricius, ống dẫn trứng gia cầm, chim hoang dã và đôi khi được tìm thấy ở các loài động vật có vú. Tuy nhiên trường hợp loài sán này có trong trứng là rất hiếm gặp.
Ông Hoàng Văn Dũng cũng khuyến cáo người dân không nên hoang mang mà nên sử dụng trứng như bình thường, không được ăn sống mà phải nấu chín trước khi ăn vì ở môi trường nhiệt độ cao, loài sán này sẽ không tồn tại được.
Đến giữa tháng 12/2012, gia đình anh Nguyễn Văn Thoan ở thôn Mới, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, hoang mang trước sự xuất hiện của hàng nghìn "sinh vật lạ" đùn lên trong vườn và bò vào nhà. Chúng có hình dạng thuôn, dài từ 2 đến 6cm, nhỏ như tăm xe đạp, di chuyển chậm, có vòi nhỏ như đỉa, thân như thân giun nhưng chặt đôi chặt ba không chết mà trở thành cá thể mới sau một thời gian nhất định.
Các nhà khoa học tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết: Loài sinh vật này được xác định thuộc ngành giun dẹp (Platyhelminthes), lớp sán lông (Turbellaria). Lớp sán lông bao gồm hai nhóm là nhóm sống ký sinh trong cơ thể động vật và nhóm sống tự do trong nước và đất ẩm.
Sinh vật xuất hiện ở Quảng Bình thuộc nhóm sán lông sống tự do. Cho đến nay, nhóm sán lông tự do ở Việt Nam chưa được nghiên cứu. Sán lông có chiều dài cơ thể từ 4 đến 30 cm, tùy từng loài. Lỗ miệng của sán lông thường ở giữa mặt bụng. Cơ thể của chúng đối xứng hai bên; phân hóa thành đầu, đuôi, lưng, bụng thích hợp với lối sống bơi hay bò định hướng. Sán lông có khả năng tái sinh cao. Các loài sán lông sống tự do không chứa các độc tố gây hại cho con người.