TIN TỨC » Dòng sự kiện

Tần suất tội ác tăng sau thảm án Lê Văn Luyện?

Thứ hai, 27/01/2014 09:20

“Sau thảm án Lê Văn Luyện, tần suất của tội ác tăng lên. Số lượng tăng lên báo hiệu chất lượng của cái xấu cũng được bộc lộ ra nhiều hơn”, PGS. TS Lê Quý Đức nói.

Câu chuyện giết người bằng hành vi man rợ của Lê Văn Luyện đã trở thành hồi ức từ hơn 2 năm trước. Nhưng những dư âm của vụ thảm sát đó gần như không bị phai. Hậu quả để lại nặng nề nhất chính là cuộc sống người thân của Lê Văn Luyện cũng như gia đình người bị hại.

Bố Luyện phải chịu mức 48 tháng tù giam. Mẹ và em út Luyện sống nay chỗ này, mai chỗ khác chứ không có nơi cố định nhưng họ cũng không dám ở lại ngôi nhà xưa bởi những mặc cảm, những day dứt, những hồi ức đau thương…

Ông bà nội của Luyện sống qua bữa với đậu phụ, rau xanh, thương con, nhớ cháu mà không có tiền đi thăm… Đó là cuộc sống gia đình Lê Văn Luyện hiện tại.

Còn ngôi nhà của nạn nhân - tiệm vàng Ngọc Bích cũng đóng cửa từ sau thảm sát kinh hoàng ấy, chỉ có ngày rằm, mùng Một là có người thân tới mở cửa, thắp hương. Bé Bích cũng được gia đình đưa vào miền Nam sinh sống, học tập để không bị ám ảnh bởi những gì đã xảy ra.

Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) nói: “Sau thảm án do Lê Văn Luyện gây ra, tần suất của tội ác tăng lên. Mà số lượng tăng lên cũng báo hiệu chất lượng của cái xấu cũng được bộc lộ ra nhiều hơn”.

Sau thảm sát do Lê Văn Luyện gây ra, tiệm vàng Ngọc Bích cũng ngừng hoạt động.

Nhưng theo quan điểm của PGS Lê Quý Đức thì vụ án Lê Văn Luyện không phải là nguyên nhân mà chỉ là dấu hiệu báo hiệu một xu thế mà vụ án đó mở đầu. Những gì mà vụ án này biểu hiện ra đó là "mầm bệnh" trong xã hội.

Vụ án Lê Văn Luyện đã có một tác động rất lớn tới xã hội. Nhiều bài hát chế, nhiều câu thơ đều có gắn hình ảnh Luyện trong đó. Thậm chí, đã xuất hiện nhóm tội phạm tự xưng là "đàn em" của Lê Văn Luyện.

“Tại sao vẫn có một bộ phận giới trẻ lại tung hô Luyện như vậy? Tại sao những người ấy lại lấy Luyện làm “mẫu mực, tiêu biểu”? Theo tôi, ở đây vừa có tính chất phá phách của một bộ phận giới trẻ, nhưng họ cũng mất niềm tin vào cuộc sống. Chính vì thế, những người trẻ ấy phải tự tạo ra cho mình một "hình tượng anh hùng”, một “mẫu mực” riêng”, PGS. TS Lê Quý Đức chia sẻ.

Nhắc tới một xã hội với những cái tên như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa hay thời gian gần đây liên tiếp nổi lên những vụ án cũng có hành vi “tàn độc” khác như: Bác sĩ ném xác bệnh nhân phi tang; Hung thủ chặt chân, tay người yêu; Em ruột cắt chân chị gái… và những giải pháp để xã hội bớt đi những “sát thủ máu lạnh”, PGS. TS Lê Quý Đức nhận thấy đây là vấn đề khó trong xã hội hiện nay khi mà đạo đức đã xuống đến đáy.

PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh)

Suốt cuộc trao đổi với chúng tôi, không ít lần PGS. TS Lê Quý Đức nhắc tới câu: “Thượng bất chính, hạ tất loạn”. Theo lý giải của ông thì: “Thượng” ở đây có thể là thượng tầng kiến trúc xã hội hoặc các cơ quan có thẩm quyền; “Thượng” có thể là các cán bộ cao cấp; “Thượng” cũng có thể là cha mẹ, những người lớn tuổi… “Thượng” không gương mẫu cũng ảnh hưởng tới giới trẻ. Thêm vào đó, giới trẻ không được cung cấp, trang bị đầy đủ những kiến thức về kĩ năng sống.

Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều “sát thủ máu lạnh” mà nguyên nhân là từ trong chiều sâu của đời sống xã hội, rồi sự tha hóa nhân tính, rồi sự vô cảm, bất mãn, sự mất phương hướng của con người bộc lộ ra. Ngoài ra, đó còn là những tác động xấu từ bên ngoài.

Bàn về giải pháp, vị này nhấn mạnh: “Các nhà quản lý xã hội phải nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn để đề ra những đường lối chính sách cho tốt".

Ông bà nội Lê Văn Luyện sống qua ngày với đậu phụ và rau xanh.

Theo ông Đức, để hạn chế những sát thủ như Lê Văn Luyện, có thể đưa vào bài giảng những câu chuyện của Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa…  Đó không chỉ là bài giảng trong giáo dục công dân, văn chương, lịch sử mà các thầy dạy tự nhiên cũng nên đưa vào để cảnh báo, giúp học sinh “ghê tởm” trước cái ác. “Điều cần chú trọng là phải đưa như thế nào cho thích hợp. Không nói đến cái xấu, cái ác trong bài giảng thì không được vì xã hội rất nhiều những cái ác, cái xấu. Nhưng đưa vào phải mang tính chất phê phán tư cách để làm sao học sinh ghê tởm sự độc ác, để thức tỉnh nhân tính, loại bỏ những cái tàn ác, cổ vũ cho cái tốt”, PGS. TS Lê Quý Đức phân tích.

Ông cũng chia sẻ thêm, hiện nay, tâm thức con người rất lạ. Người ta chỉ quan tâm tới cái xấu, cái ác mà ít quan tâm tới cái đẹp. Thị hiếu của độc giả hiện nay có xu hướng hướng thiên về cái tiêu cực. Chẳng hạn, gương người tốt, việc tốt, sự tăng trưởng kinh tế dường như không thuyết phục được lòng tin của họ. Niềm tin mất và họ quay về tìm những cái tiêu cực, cái ác. Đó cũng là hồi chuông báo động trong xã hội ta đang sống. Chứng tỏ con người đã “nhờn” thông tin, “nhờn” sự ghê tởm về phương diện đạo đức.

“Đúng là con người đã quá vô cảm với cái ác và sự man rợ. Tất nhiên không phải 100% nhưng đúng là có xu hướng như vậy. Con người như đang chơi trò đánh đu. Ai cũng sợ cái xấu, cái ác nhưng lại muốn đùa giỡn với nó”, PGS. TS nhấn mạnh.

Vị này cho rằng, với câu hỏi "tại sao "sát thủ máu lạnh" xuất hiện nhiều như vậy" thì đó là câu chuyện dài của các nhà khoa học, các nhà quản lý để mổ xẻ, để so sánh với những xã hội khác để tìm hướng đi cho một xã hội văn minh.

Ông cũng nhấn mạnh: “Rõ ràng, sự mẫu mực, sự giáo dục của người quản lý xã hội, hai sức mạnh ấy, hai trụ đỡ ấy không được thực hiện tốt trong đời sống nên dẫn tới tình trạng giới trẻ hiện nay mất phương hướng, mất thần tượng “mẫu mực” để hướng các bạn ấy tới những điều tốt đẹp”.

Theo Trí Thức Trẻ