Khi được 1 tháng 4 ngày tuổi, cháu Bình được mẹ đưa về nhà bố đẻ nhận họ hàng và nhờ nuôi dưỡng. Ngày biết nhà của bố, gặp họ hàng, cũng là ngày cuối cùng trong cuộc đời ngắn ngủi của đứa trẻ đáng thương…
Chuyến đi định mệnh
Ngày 8/2/2010, chị Triệu Thị Ba (SN 1984, ở thị xã Uông Bí) bắt xe, bế con là Triệu Gia Bình được hơn 1 tháng tuổi đến nhà Bùi Văn Chung ở xóm Mận, xã Phú Lương, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình như thỏa thuận. Đứa trẻ là kết quả của cuộc tình giữa chị Ba và Chung trong những ngày Chung làm công nhân ở Quảng Ninh. Vì Chung vắng nhà, chị Ba đã kể cho ông Bùi Văn Khúc (bố Chung) về mối quan hệ giữa chị và Chung rồi để cháu bé lại.
Khoảng 19 giờ cùng ngày, Chung về nhà thì thấy cháu Bình ở trên võng liền gọi điện cho chị Ba, nhưng không thấy trả lời. Vừa lúc đó, Bùi Văn Nịnh sang chơi. Sau khi mời Nịnh uống rượu, Chung nhờ Nịnh cùng mình đi trả cháu Bình cho chị Ba. Nịnh bế cháu bé, ngồi lên xe máy do Chung điều khiển.
Khi đi qua suối Trang (thuộc xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn), Chung lái xe máy tạt vào một bãi đất ven bờ suối rồi nói với Nịnh: “Thằng bé này bị bệnh không nuôi được, cho người khác nuôi thì sợ lây bệnh, nên bỏ nó đi thôi”. Nịnh tán thành: “Thế thì chỉ có vứt xuống suối”. Chung đồng ý: “Làm đi”. Ngay lập tức Nịnh bế cháu bé lội ra xuống rồi bóp cổ, dìm cháu bé xuống nước trong 15 phút. Sau khi bỏ lại xác cháu bé cùng tư trang ở giữa dòng suối, Nịnh và Chung về nhà rồi bỏ trốn khỏi địa phương.
Hơn hai tuần sau khi gây án, Nịnh bị cơ quan điều tra bắt giữ khi ở Quảng Nam, còn Chung cũng ra đầu thú sau đó. Hiện, Bùi Văn Chung đang phải chịu án 19 năm tù và Bùi Văn Nịnh chịu án 18 năm tù về tội giết người.
Thủ ác hơn cả cầm thú
Nhắc lại vụ án đau lòng này, một cán bộ điều tra Công an tỉnh Hòa Bình chua xót: “Hổ dữ không ăn thịt con”… vậy mà… Vị cán bộ này cho biết, khi ra đầu thú, tại cơ quan điều tra Chung khai, khi chị Ba sinh con tại bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển tại Uông Bí, Quảng Ninh, Chung còn đến chăm sóc hai mẹ con. Khi chị Ba phát hiện mình bị bệnh và ngỏ ý muốn Chung nuôi con, Chung cũng đồng ý. Chính bởi sự đồng thuận của Chung, chị Ba mới đưa bé Bình đến gặp cha đẻ. Nhưng…
Vấn đề là, những vụ trọng án kiểu trên dường như đang ngày một nhiều hơn. Những thông tin về các vụ giết, hãm hiếp người thân đã khiến dư luận không khỏi giật mình.
Tháng 6/2012, tại Nghị trường Quốc hội, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, tình hình tội phạm đang diễn biến hết sức phức tạp.
Người đứng đầu ngành công an cho biết, qua phân tích tình hình tội phạm trong 6 tháng đầu năm cho thấy, hoạt động của tội phạm có tổ chức, tội phạm đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, trộm cướp sử dụng vũ khí nóng gia tăng.
Đáng chú ý là trong 707 vụ giết người thì có đến 652 vụ có liên quan đến những nguyên nhân vẫn gọi là nguyên nhân xã hội (chiếm 90%). Lý giải cho tình hình gia tăng tội phạm này, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, sự xuống cấp về đạo đức xã hội, nhất là trong thanh niên và thiếu niên trước tác động ảnh hưởng của những văn hóa phẩm phản động đồi trụy ở nước ngoài là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm gia tăng.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta cũng còn nhiều bất cập. Các biện pháp phòng ngừa xã hội hiệu quả còn thấp, một số đơn vị cán bộ, chiến sỹ công an chưa chú trọng các biện pháp nghiệp vụ, phòng ngừa tội phạm nên hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa cao, phong trào toàn dân phòng chống tội phạm ở cơ sở chưa sâu rộng, các biện pháp bảo đảm hoạt động của người thi hành công vụ cũng chưa đủ mạnh và chưa phù hợp với tình hình thực tế nên lực lượng thi hành công vụ có nơi, có lúc chưa quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đồng thời, sự vào cuộc của các ngành, các đoàn thể ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.
Còn theo Thượng tá - Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm - Học viện Cảnh sát nhân dân, qua nghiên cứu từ số phạm nhân phạm tội giết người đang thụ án tại các trại giam cho thấy tội phạm giết người, đặc biệt là số vụ án giết người có tính chất dã man như thời Trung cổ có một phần xuất phát từ sự gia tăng của yếu tố bạo lực trong xã hội và các yếu tố tiêu cực từ gia đình.
Gia đình có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc hình thành nhân cách và các đặc điểm tâm lý cá nhân, đặc biệt đối với trẻ em và nhóm đối tượng ở độ tuổi vị thành niên. Những người phải chứng kiến cảnh bạo hành trong gia đình từ khi còn nhỏ thì khi lớn lên người ấy dễ mang tính bạo lực và sẽ dẫn đến có những hành vi lệch chuẩn.
Đa số các vụ con giết cha, anh em giết hại lẫn nhau là bị ảnh hưởng của bạo lực gia đình hoặc một trong những người đó có lối sống thiếu lành mạnh. Sự ảnh hưởng này dẫn đến tư tưởng giải quyết mâu thuẫn bằng hành vi bạo lực, đặc biệt ở nhóm đối tượng là thanh niên, đã từng chứng kiến hành vi phạm tội và hành vi bạo lực trong gia đình.
- Tag
- vụ án
- án mạng
- cha giết con